Lời kể của thuyền trưởng và thủy thủ trên tàu Sunrise 689

Thứ Hai, 13/10/2014, 11:38
Như Báo CAND đã đưa tin, theo kế hoạch, tàu Sunrise 689 nhận hàng tại cảng Singapore và trả hàng tại cảng Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị. Sáng 3/10, tàu hàng Sunrise 689 đang hành trình rời Singapore về Việt Nam. Trong luồng di chuyển, lúc tàu Sunrise 689 đang thực hiện vòng tránh tàu container SEA Master thì bất ngờ có 2 tàu cá và 1 ca nô chở 10 đối tượng tiếp cận mạn phải và lên tàu Sunrise 689. Toán cướp biển đã dùng súng ngắn và dao uy hiếp các thuyền viên trên tàu…
>> Chùm ảnh: Những gì còn lại trên tàu Sunrise 689

Theo tường trình của thuyền trưởng tàu Sunrise 689 Nguyễn Quyết Thắng thì vụ cướp tàu dầu có nhiều chi tiết tưởng chừng như quá nguy hiểm cho toàn bộ thuyền viên tàu, thế nhưng trong thực tế, bọn cướp đã không làm ai bị thương. Chúng tự động rút đi do anh em thuyền viên chống đối, kháng cự quyết liệt. Trong 6 ngày bị cướp biển khống chế, thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng chỉ đạo anh em chống đối, kháng cự quyết liệt. Sau khi bọn cướp rút đi hết, phá hủy các phương tiện thông tin, liên lạc, thuyền trưởng phải định hướng tàu đi về vùng biển Việt Nam bằng la bàn và kinh nghiệm, dự đoán. Trong cuộc gặp trên tàu Sunrise 689 tại phao số 0, thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng cho biết, trong suốt nhiều ngày bị bọn cướp khống chế uy hiếp, đánh đập, các thuyền viên đã có lúc rơi vào trạng thái hoảng loạn, sức khỏe bị suy yếu do mỗi ngày chỉ được ăn một bữa. Máy trưởng Lương Đại Thành bị dập bánh chè, gãy ngón chân bên trái, thủy thủ Trần Văn Lịch bị bong gân và sưng chân bên phải.

Đoàn kiểm tra tàu, kỹ thuật viên giám định thiết bị bị phá hỏng.

Máy trưởng tàu Sunrise 689  Lương Đại Thành là thuyền viên đầu tiên trên tàu được Cảnh sát biển Vùng 3 đưa vào bờ điều trị vết thương tại BV Lê Lợi (TP Vũng Tàu) chiều 11/10. Trao đổi với báo chí với niềm vui gặp người thân, anh kể lại: Bọn cướp dùng dao, súng khống chế  anh em thuyền viên. Chúng rất hung dữ, sẵn sàng đâm dao, xả súng bất cứ lúc nào nếu gặp phải sự kháng cự. Bọn cướp gồm một nhóm không dưới 10 người, độ tuổi ngoài 30, đầu đội mũ len kín mít, chỉ để lộ đôi mắt. Chúng cầm dao dài, súng ngắn... khống chế các thuyền viên. Trường hợp bị thương của anh, do bọn cướp đột nhập lên tàu, anh liền khóa trái cửa phòng của mình lại và cố thủ ở bên trong. Tuy nhiên, bọn cướp dùng dao chém, đập vào cửa ầm ầm. Quá hoảng sợ, anh Thành chui qua cửa sổ phòng máy trưởng nhảy xuống mạn bên trái tàu ở độ cao hơn 3 mét và bị thương ở chân. Bọn cướp khống chế, trói anh Thành và 17 thuyền viên còn lại rồi dồn vào phòng máy trưởng. Căn phòng nhỏ, mọi cửa đều đóng kín, nóng bức nên các thuyền viên rất ngột ngạt, khó chịu và hoảng sợ. Trong quá trình bị bọn cướp khống chế, chúng có trao đổi với thuyền trưởng Nguyễn Quyết Thắng bằng tiếng Anh về việc chúng muốn gì và ra điều kiện với thuyền trưởng. Theo phán đoán của anh Thành thì băng cướp biển này có nhiều khả năng là người Indonesia chứ không phải là người Malaysia.

Máy trưởng Thành được dìu từ tàu Sunrise sang tàu Cảnh sát biển để đưa vào bờ.

Theo các thủy thủ trên tàu tường trình thì bọn cướp biển rất giỏi về kỹ năng hàng hải và am hiểu các thiết bị điều khiển và đường đi lối lại trên tàu. Thậm chí, chúng nắm rất rõ quy luật đi lại, sinh hoạt của các thủy thủ. Theo các thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm trên tuyến hàng hải qua eo biển Malacca cho biết thêm, trên tàu thường có 2 nút báo động, một ở buồng lái và một ở phòng thuyền trưởng. Nếu có vấn đề gì xảy ra, thuyền trưởng có thể nhấn một trong 2 nút đó. Trường hợp tàu Sunrise 689 để bọn cướp quá dễ dàng xâm nhập, khống chế bơm lấy dầu có nhiều khả năng sau khi bơm hàng, các thuyền viên tàu Sunrise 689 mệt nên đã ngủ say. Lực lượng canh gác trên tàu không biết đã để cướp lên tàu và khống chế, tắt các thiết bị báo động trước khi phá hủy. Nếu các thuyền viên cảnh giác tốt, họ sẽ phát hiện ngay, sử dụng phun vòi rồng, bật tín hiệu cảnh báo, bắn pháo hiệu…, chắc chắn bọn cướp sẽ bỏ đi. Nếu các thuyền viên lơ là, thiếu canh gác, cướp biển sẽ lên tàu và khống chế toàn bộ tàu.

Người thân và bác sĩ chăm sóc vết thương cho nạn nhân tại BV Lê Lợi chiều tối 11/10.

Sáng 11/10, tại phao số 0 nơi tàu Sunrise 689 neo đậu, các giám định viên an ninh hàng hải và kỹ thuật viên Công ty Masetech cùng các thuyền viên tiến hành kiểm kê, điều tra về tài sản thiệt hại, Kết quả sơ bộ cho thấy, một số tài sản mất như: mất 12 pháo dù và pháo khói (buồng lái), toàn bộ các thiết bị điện, điện tử, vô tuyến, đầu đĩa, camera, loa…, lương thực, thực phẩm, máy điện, xuồng ca nô, vòi rồng, la bàn, máy bơm hàng, máy đo nồng độ cầm tay, máy đo nồng độ khí hầm hàng, cà lê, pin chống nổ, máy tính, quần áo, quạt… đặc biệt các dây điện, dây dẫn và hệ thống điện tử các bộ phận trên tàu, trong phòng đều bị cắt, phá hỏng. Trong đó, các hệ thống cửa, khóa đèn, tài liệu, các thiết bị khác đều bị phá hỏng. Thiệt hại vật chất trị giá ra sao còn phải thống kê và giám định mới có kết quả chính xác.

Thời gian qua, lực lượng BĐBP và Cảnh sát biển Vùng 3, Vùng 4 liên tục bắt giữ những tàu vận chuyển hàng chục ngàn, trăm ngàn tấn dầu không rõ nguồn gốc. Tình trạng buôn lậu dầu trên biển Tây Nam diễn ra rất phức tạp, càng khiến dư luận quan tâm

Hoàng Châu
.
.
.