Lời cảnh báo môi trường nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thủy sản

Thứ Năm, 10/04/2008, 15:40
Mới đây, Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) đã đưa con cá da trơn của Việt Nam vào danh sách vàng - có nguy cơ bị tẩy chay ở nhiều nước trên thế giới. Đây là lời cảnh báo cho việc nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra, cá ba sa của Việt Nam.

Sản phẩm xuất khẩu cá tra, cá ba sa trong năm 2007 là trên 925.000 tấn, trong khi đó 10 năm trước chỉ có khoảng 200.000 tấn. Thị trường chủ yếu vẫn là Mỹ, EU, Nhật Bản, chiếm khoảng 20 - 25% tổng sản lượng xuất khẩu.

Tuy nhiên từ năm 2002, sản lượng cá tra chiếm 84% xuất sang Mỹ thì còn hiện nay chỉ còn 7%. Chính ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã thông tin và cũng là lời cảnh báo về con cá da trơn của Việt Nam vào danh sách vàng, do Tổ chức Hòa bình xanh đưa ra.

Là một tổ chức có mặt tại 42 quốc gia trên thế giới, nổi tiếng với những chiến dịch ngăn chặn săn bắt cá voi và gần đây tổ chức này chuyển qua hoạt động về các vấn đề có liên quan đến môi trường, thủy sản. Khi đã bị đưa vào danh sách vàng thì nguy cơ "leo lên" danh sách đỏ - là những mặt hàng được khuyến cáo không nên ăn và nếu siêu thị nào bày bán sẽ bị đóng cửa, là điều có thể xảy ra.

Hiện, tại Hà Lan, danh sách vàng cũng vừa được công bố và cái tên cá da trơn Việt Nam được "điểm mặt". Tuy nhiên, một thực tế cho ngành nuôi trồng và chế biến thủy sản - cá da trơn ở Việt Nam, nhất là khu vực ĐBSCL, doanh nghiệp và nông dân vẫn không thay đổi tập quán nuôi thả, kinh doanh, vẫn tiếp tục phát triển nuôi tràn lan, không đảm bảo môi trường nuôi và sinh thái. Đây là vấn đề đang "nóng" mà theo ông Dũng nếu không có giải pháp sẽ bị rớt xuống vị trí kế tiếp là danh sách đỏ.

Ông Dũng cho biết thêm, hiện 99% các nhà bán lẻ ở Hà Lan đã cam kết đến năm 2011 chỉ bán những mặt hàng thủy sản có nhãn xác nhận "sạch" từ các tổ chức quốc tế, thời gian chỉ còn rất ngắn là 3 năm nữa.

Trong khi đó, ngành Thủy sản ở Việt Nam đang trong tình trạng phát triển không bền vững, với các biểu hiện như liên tục biến động về giá, sản lượng, chất lượng sản phẩm không đồng nhất, môi trường nước xuống cấp vì ô nhiễm, cạnh tranh với nhau về giá bán…

Chính vì vậy giá cá da trơn Việt Nam trên thương trường quốc tế cứ mỗi kỳ hội chợ thủy sản là bị hạ xuống. Người nuôi và cả các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đang bị tác động bởi nguồn vốn nên thường rơi vào tình trạng vay "nóng", bán "nóng", lỗ, phá sản… chưa kể chất lượng cá giống (bố, mẹ) đang bị thoái hóa, chất lượng cá nuôi không đạt hiệu quả.

Đứng trước nguy cơ và thách thức lớn đối với da trơn, mới đây VASEP đã đưa ra chương trình "Liên kết dọc - giải pháp cho phát triển thủy sản bền vững". Chương trình này sẽ được thực hiện lâu dài nhằm kỳ vọng các doanh nghiệp, nông dân, các viện, trường đại học… cùng phối hợp thực hiện. Giải pháp có mục đích nhắm tới cụ thể là người nuôi và doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.

Theo VASEP, để xây dựng mô hình liên kết thích ứng, mô hình chuẩn là phải có hợp đồng giữa nơi cung cấp dịch vụ (thức ăn, con giống,..), ngân hàng, bảo hiểm với doanh nghiệp. Và quan trọng là hợp đồng giữa doanh nghiệp với người nuôi.

Qua đó, người nuôi được cung ứng vốn, con giống, thức ăn… còn doanh nghiệp được bảo đảm thu mua nguyên liệu chất lượng. VASEP cùng với các địa phương vùng ĐBSCL và các tổ chức, doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến thủy sản đang cố gắng thực hiện các mô hình liên kết giữa nhiều bên để nhằm nuôi trồng bền vững, đạt chất lượng sản phẩm, không ảnh hưởng xấu đến môi trường để sản phẩm cá da trơn Việt Nam được thị trường quốc tế công nhận tiêu chuẩn.

Thế nhưng, vấn đề thực hiện không phải một sớm một chiều vì phải thay đổi tư duy của người nuôi trồng, đầu tư các thiết bị kỹ thuật hiện đại và có một chính sách hợp lý đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản này

Nam Giao
.
.
.