Loại trừ các chất HCFC là cơ hội duy nhất bảo vệ tầng ô-zôn

Thứ Sáu, 16/09/2011, 19:34
Sáng 16/9 Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức gặp mặt báo chí nhân Ngày Quốc tế bảo vệ tầng ô-zôn (16/9/2011) với chủ đề “Loại trừ các chất HCFC - Một cơ hội duy nhất”.

Tầng ô-zôn là tấm lá chắn bảo vệ sự sống trên trái đất khỏi các tia cực tím có hại từ mặt trời. Tuy nhiên trong quá trình phát triển, con người đã phát minh, sử dụng và thải ra khí quyển một lượng lớn hóa chất, trong đó có các chất làm suy giảm tầng ô-zôn (ODS). Hậu quả là tầng ô-zôn bị suy thoái, lỗ thủng tầng ô-zôn đã xuất hiện ở Nam Cực vào đầu thập niên 70 của thế kỷ trước và có nguy cơ lan rộng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của ô-zôn đối với sự sống trên Trái đất, cộng đồng quốc tế đã chung tay hành động, Công ước Vienna về bảo vệ tầng ô-zôn ra đời năm 1985 và Nghị định thư Montreal về các chất làm suy giảm tầng ô-zôn được các nước phê chuẩn năm 1987 tại Montreal, Canada.

Nghị định thư Montreal được đánh giá là một điều ước quốc tế về môi trường thành công nhất từ trước đến nay, với mục tiêu loại từ hoàn toàn sản xuất và sử dụng các chất ODS ở tất cả các nước phát triển và đang phát triển, đã nhận được sự đồng thuận toàn cầu. Nghị định này cũng nhận được sự ủng hộ của tất cả các tập đoàn công nghiệp và các ngành công nghiệp trên thế giới.

Chính vì thế, từ ngày 1/1/2010 toàn bộ các chất ODS như CFC, halon, CTC đã bị loại trừ trên toàn thế giới, ngoại trừ 1 lượng nhỏ được sử dụng trong nghiên cứu khoa học và sản xuất thuốc hen. Nếu không có Công ước Vienna và Nghị định thư Montreal, thế giới có thể phải đối mặt với sự tăng thêm 20 triệu ca ung thư da và 130 triệu ca đục thủy tinh thể, chưa kể đến tác hại do tia cực tím gây ra cho hệ thống miễn dịch của con người, tác hại đối với động vật hoang dã và nông nghiệp…

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát biểu tại cuộc gặp mặt báo chí sáng 16/9.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Việt Nam tham gia Nghị định thư Montreal từ tháng 1 năm 1994 và đã loại trừ hoàn toàn 500 tấn CFC, 3,8 tấn halon từ ngày 1/1/2010. Trách nhiệm của Việt Nam trong các năm tiếp theo là loại trừ hoàn toàn tiêu thụ các chất HCFC. “Quá trình loại trừ này có thể kéo dài đến năm 2030, tuy nhiên nếu nhận được sự hỗ trợ đầy đủ về tài chính và công nghệ từ phía các tổ chức quốc tế thì chúng ta có thể hoàn thành sớm hơn, vào năm 2025”. Ông Hiếu cho biết thêm.

Theo số liệu của 2 năm 2009 – 2010, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 3200 tấn HCFC-22 trong sản xuất và dịch vụ điều hòa không khí và làm lạnh, hớn 500 tấn HCFC-141b và gần 7000 tấn polyol trộn sẵn HCFC-141b trong sản xuất xốp. Lượng tiêu thụ các chất này có mức tăng từ 10 – 15%/năm trong khi Nghị định thư Montreal yêu cầu loại trừ 10% lượng tiêu thụ các chất này từ 1/1/2015.

Để bảo đảm tuân thủ hạn định loại trừ các chất HCFC, Cục Khí tượng Thủy Văn và Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường với sự trợ giúp của Ngân hàng Thế giới đã xây dựng dự án “Kế hoạch quốc gia quản lý loại trừ các chất HCFC của Việt Nam”. Dự án được Ban chấp hành Qũy thông qua giai đoạn 1 với hỗ trợ tài chính gần 10 triệu USD, sẽ được thực hiện từ năm 2012 – 2016. Giai đoạn 2 của dự án sẽ được Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu và Ngân hàng thế giới xây dựng và vận động tài trợ vào năm 2015. Theo ước tính, Việt Nam cần thêm hỗ trợ tài chính khoảng 20 – 25 triệu USD nữa để loại trừ hoàn toàn các chất HCFC

Quỳnh Vinh
.
.
.