Loay hoay giải quyết ô nhiễm vịnh Lăng Cô

Thứ Hai, 12/05/2014, 12:50
Được mệnh danh là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, tuy nhiên vịnh Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) đang dần bị ảnh hưởng xấu bởi ô nhiễm môi trường, gây mất cảnh quan. Đến nay, sau 5 năm được thế giới công nhận, chính quyền lẫn các cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên-Huế  vẫn đang loay hoay với “bài toán” có nên tiếp tục cho người dân nuôi hàu ở các khu đầm thuộc vịnh này hay không?

Dưới cái nắng oi bức của những ngày đầu hạ tháng 5, chúng tôi tìm về khu đầm Lập An, một trong những khu đầm lớn có diện tích 800ha, thuộc vịnh Lăng Cô (thị trấn Lăng Cô) và không khỏi ái ngại trước tình trạng nhếch nhác do người dân địa phương và ở các khu vực lân cận tận dụng diện tích mặt nước ở đầm này để nuôi hàu.

Dọc con đường lớn bao quanh khu đầm này có rất nhiều lốp xe ôtô, xe máy... cũ nát được chất đống ngổn ngang trên bờ với những cọc tre, gỗ lổm nhổm do người dân bỏ lại sau khi thu hoạch hàu. Tình trạng trên đã diễn ra suốt một thời gian dài, hàng vạn chiếc lốp xe cứ được “vô tư” vứt lên bờ sau quá trình nuôi hàu nên đã gây ra mùi hôi làm ô nhiễm môi trường.

Qua tìm hiểu được biết, ở thị trấn Lăng Cô hiện có gần 300 hộ dân sinh sống bằng nghề nuôi hàu trên đầm Lập An. “Nếu cứ tính bình quân mỗi hộ dân cắm từ 2-3 ngàn cọc tre, gỗ để gắn lốp xe cũ xuống đầm thì sau khi “hết đát”, sẽ có vô số lốp xe bị thải ra ngay trên vịnh Lăng Cô này. Chính điều này đã làm ô nhiễm nguồn nước do lốp xe cũ ngâm lâu ngày trong nước gây ra...”, chỉ tay ra những chiếc cọc gỗ làm “neo” trên khu đầm Lập An, một du khách không giấu được nỗi buồn trước tình trạng ô nhiễm ở một vịnh biển được công nhận đẹp nhất thế giới.

Tuy nhiên, theo nhiều hộ dân sống ở thị trấn Lăng Cô, nếu họ không tham gia nuôi hàu trên đầm Lập An thì không biết làm nghề nào khác để mưu sinh (?!). Ông Nguyễn Văn Hớn (53 tuổi) tỏ ra ái ngại khi nói đến việc nuôi hàu gây ô nhiễm môi trường: “Biết là sẽ gây ô nhiễm cho vịnh Lăng Cô nhưng nếu không nuôi hàu thì tui cũng không biết làm nghề chi để kiếm tiền nuôi 7 miệng ăn, trong đó 2 đứa út đang học Cao đẳng ở TP Huế nữa chú à!”.

Ông Hớn còn cho hay, kể từ khi nghề làm vôi hàu bị chính quyền chức năng nghiêm cấm do việc sản xuất gây ô nhiễm môi trường nên sau khi thu hoạch hàu, vỏ hàu không còn được thương lái thu mua như trước. Vì thế mới có những đống vỏ hàu chất dày đặc dọc đầm Lập An như thế. Bàn về tình trạng ô nhiễm ở đầm Lập An thuộc vịnh đẹp Lăng Cô, ông Trần Đình Vui, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cho biết, để tận dụng mặt nước ở khu đầm Lập An nên từ năm 1999, người dân trên địa bàn đã bắt đầu tham gia việc nuôi hàu. Từ năm 2005 đến nay, việc nuôi hàu phát triển mạnh bởi hằng năm, nghề này đem lại một nguồn thu khá lớn cho các hộ dân.

Vịnh đẹp thế giới Lăng Cô đang bị ô nhiễm bởi nghề nuôi hàu của người dân ở thị trấn Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

“Hiện diện tích nuôi hàu trên đầm Lập An chiếm khoảng 870.000m2, với 292 hộ dân tham gia. Trong đó có hơn 1,3 triệu chiếc lốp xe với 245.000 cọc tre, gỗ được người dân trồng xuống biển để làm nơi trú ẩn cho hàu đã gây ra tình trạng ô nhiễm cho vùng vịnh. Mặc dù chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức họp dân, vận động bà con để sắp xếp lại việc nuôi hàu ở khu vực này, nhưng đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc chưa giải quyết được...”, ông Vui cho hay.

Được biết: Vào cuối tháng 5/2014, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ tổ chức lễ hội Lăng Cô, kỷ niệm 5 năm (2009-2014) vịnh Lăng Cô được Câu lạc bộ các vịnh biển đẹp nhất thế giới (Worldbays) bình chọn vinh danh. Tuy nhiên, trước thực trạng ô nhiễm môi trường đáng lo ngại đã và đang diễn ra trong một thời gian dài ở vịnh này khiến nhiều người, trong đó có rất nhiều du khách yêu mến vịnh Lăng Cô không khỏi băn khoăn, trăn trở!

Phải chăng, đã đến lúc tỉnh Thừa Thiên - Huế và các ban ngành chức năng cần gấp rút triển khai một kế hoạch “dài hơi” với các giải pháp chống ô nhiễm môi trường cho vịnh đẹp Lăng Cô. Trước mắt là phải nhanh chóng có quy hoạch hợp lý việc nuôi hàu của người dân để có thể vừa bảo vệ cảnh quan môi trường vịnh Lăng Cô, vừa giúp người dân ổn định “kế sinh nhai”. Có như vậy mới hy vọng tìm được giải pháp bền vững trong công tác bảo vệ môi trường ở khu vực vịnh đẹp nhất thế giới này

A.L.
.
.
.