Các nhà khoa học hội thảo tìm nguyên nhân cá chết hàng loạt:

Loại bỏ thuỷ triều đỏ, nghiêng về độc tố hoá học

Thứ Bảy, 07/05/2016, 09:11
Ngày 6-5, Liên hiệp các Hội khoa học kĩ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các nhà khoa học về nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung. Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều loại bỏ nguyên nhân thuỷ triều đỏ, chỉ tập trung vào nguyên nhân do độc tố hoá học.


GS Mai Đình Yên – Khoa sinh học (Đại học Khoa học tự nhiên) khẳng định: "Nếu do thuỷ triều đỏ thì cá chỉ chết gần bờ, phạm vi hẹp và chủ yếu là cá tầng mặt. Ở đây, phần lớn cá chết ở tầng đáy, phạm vi rộng. Khả năng cao nhất dẫn đến hiện tượng này là do chất độc hoá học từ các cơ sở công nghiệp xả thải xuống biển. Formosa đã nhập hơn 300 tấn hoá chất về tẩy rửa đường ống, trong đó có những hoá chất cực độc. Phải làm rõ xem, nguồn chất thải hoá học này được đổ đi đâu? Khi xả xuống biển đã được xử lí chưa? Chỉ có thể là độc tố hoá học cực mạnh mới khiến cá chết hàng loạt, trên diện rộng như vậy".

Vị chuyên gia này cũng bày tỏ quan ngại về đường ống ngầm xả thải của Formosa: "Không thể tin được là một dự án cả chục tỉ đô la như Formosa mà cơ quan quản lí lại không kiểm soát được việc xả thải. Ở đây chỉ có hệ thống quan trắc do chính Formosa vận hành nhưng lại không được kết nối với dữ liệu của Sở Tài nguyên – Môi trường địa phương. Do đó, các số liệu quan trắc chỉ đơn thuần do Formosa cung cấp. Rất khó để kiểm chứng tính xác thực của những số liệu này".

GS Trương Duy Nghĩa – Chủ tịch Hội khoa học kĩ thuật nhiệt Việt Nam nhấn mạnh, đây là một thảm hoạ môi trường nghiêm trọng mà cơ quan quản lí nhà nước về môi trường là Bộ Tài nguyên – Môi trường phải chịu trách nhiệm.

"Xử lí môi trường là việc khó và tốn kém, doanh nghiệp nào cũng tìm cách né tránh. Bộ Tài nguyên – Môi trường đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Formosa thì phải có trách nhiệm giám sát việc thực hiện của doanh nghiệp. Đây là lúc cơ quan quản lí Nhà nước cần phải đưa ra kết luận chính thức về vụ việc, càng chậm trễ sẽ càng làm tình hình xấu hơn. Tôi vẫn cho rằng, thuỷ triều đỏ không phải là nguyên nhân".

Trước thông tin cho rằng các nhà khoa học đã vào cuộc rất chậm trễ, GS Trương Duy Nghĩa chia sẻ: "Trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lí nhà nước. Không ai mời chúng tôi tham gia. Sau sự việc này, cơ quan quản lí nhà nước cần tiến hành kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất có yếu tố nước ngoài xem họ chấp hành ra sao, nếu có sai phạm thì phải xử lí".

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Chu Hồi – nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên – Môi trường) cũng cho rằng: "Nếu cá chết do thuỷ triều đỏ thì phải có hiện tượng màu nước, tuy nhiên chưa thấy có hình ảnh màu nước khác lạ ở khu vực này. Với quy mô cá chết rộng như vậy, nếu do thuỷ triều đỏ thì ảnh viễn thám sẽ ghi nhận được. Bộ Tài nguyên – Môi trường có Trung tâm viễn thám quốc gia, phải kiểm tra xem có thuỷ triều đỏ ở vùng đó không.

Việc phân tích một vài con tảo độc chưa thể có kết luận. Tảo độc không có nghĩa là thuỷ triều đỏ. Tảo độc là một loại tảo gây hại, luôn tồn tại trong môi trường. Nhưng nó chỉ trở thành thuỷ triều đỏ nếu vùng biển đó bị ô nhiễm chất hữu cơ, thừa dinh dưỡng, là môi trường thuận lợi cho loài tảo độc phát triển. Do đó, nếu có thuỷ triều đỏ thì cũng là do hoạt động của các nhà máy".

Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị kiểm tra tình trạng cá chết ven biển, lấy mẫu cá đi xét nghiệm.

Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về biển đảo, PGS Chu Hồi khẳng định, nếu thuỷ triều đỏ xảy ra thì nó chỉ ở phạm vi rất hẹp chứ không di chuyển xa. Nếu Bộ Tài nguyên – Môi trường khẳng định do thuỷ triều đỏ thì phải đưa ra dẫn chứng, phương pháp làm. Thuỷ triều đỏ đã từng xảy ra ở khu vực biển Ninh Thuận còn vùng biển Hà Tĩnh gần như chưa từng có.

PGS.TS Phạm Bích San – nguyên Phó Tổng thư kí VUSTA lại nhấn mạnh, tính chất nghiêm trọng của vụ việc không chỉ nằm ở chỗ cơ quan quản lí nhà nước loay hoay trong việc kết luận nguyên nhân mà còn do thiếu công khai, minh bạch, thiếu giám sát xã hội. "Lúc này, người dân cần thông tin rõ ràng, công khai để ổn định đời sống" – PGS San nói.

Theo Bộ Tài nguyên – Môi trường, để đánh giá chất lượng nước biển, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường gia tăng tần suất quan trắc nước biển từ 2-3 lần/ngày để thông tin kịp thời tới cho người dân. Đoàn công tác liên ngành của Bộ Tài nguyên – Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học – Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học – Công nghệ Việt Nam... cũng đã tiến hành kiểm tra toàn diện Formosa để xác định mối liên quan giữa việc xả thải ra biển và hiện tượng cá chết bất thường.

Các chuyên gia quốc tế đến từ Đức, Mỹ, Nhật, Israel... cũng đã vào Vũng Áng để tiến hành nghiên cứu độc lập nhằm tìm ra nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt.

K.Vy
.
.
.