Lo ngại lây lan dịch cúm A/H7N9 ở “điểm nóng” Bắc Giang

Thứ Ba, 16/04/2013, 02:07
Nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho đàn gia cầm, lây truyền cúm A/H7N9 từ gia cầm sang người rất dễ xảy ra trong bối cảnh dịch đang gia tăng ở Trung Quốc và tình trạng buôn bán trái phép gia cầm nhập lậu vô cùng phức tạp, mà Bắc Giang là một điển hình. Bởi đây là nơi có nhiều tuyến giao thông nối với các tỉnh biên giới Trung Quốc và là địa bàn trung chuyển với các tỉnh nội địa. Vì thế, ngày 15/4, Bộ Y tế và BCĐ liên ngành về ATTP đã tiến hành kiểm tra công tác phòng, chống bệnh cúm H7N9 ở địa phương này.
>> Cả nước vào cuộc sẵn sàng ứng phó với cúm A (H7N9)

Theo ông Lưu Xuân Vượng, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, phong trào chăn nuôi gà đồi ở đây phát triển từ nhiều năm, với số xuất chuồng khoảng 13 triệu con/năm và hiện đang có khoảng 4,5 triệu con. Đây là nơi có qui mô tổng đàn lớn nhất nước và có chất lượng tốt. Huyện đã xây dựng thương hiệu bảo hộ độc quyền, gắn tem nhãn trên sản phẩm, kẹp chì trên lồng gà và phương tiện, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, kiện toàn hệ thống thú y đến tận các thôn làng, tiêm phòng triệt để cho đàn gia cầm, đặc biệt là trước nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình buôn bán gia cầm ở đây vẫn rất phức tạp. Chỉ từ cuối năm 2012 đến nay, các lực lượng chức năng đã bắt giữ và xử lý 14 vụ vận chuyển kinh doanh gia cầm nhập lậu, phạt hơn 29 triệu đồng, tiêu hủy 1.910kg gà mái thải loại Trung Quốc, 23.600 con gà giống nhập lậu, 273kg chim bồ câu đã sơ chế và 900 con chim bồ câu Trung Quốc.

Kiểm tra công tác phòng, chống dịch ở một số hộ nuôi gà tại Yên Thế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, gà nhập lậu từ biên giới chưa được ngăn chặn triệt để, không những gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi trong nước, mà nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho đàn gia cầm, lây truyền cúm A/H5N1, cúm A/H7N9 từ gia cầm sang người cũng rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, một số hộ chăn nuôi không muốn tái đàn vì giá gà bán ra thấp, có thể dẫn đến việc buôn lậu gia cầm gia tăng. Thứ trưởng đề nghị, tỉnh tập trung mạnh hơn việc tuyên truyền cho người dân về nguy cơ dịch cúm, đồng thời, tẩy chay việc nhập lậu gia cầm; chốt chặn, giám sát chặt chẽ việc vận chuyển gia cầm nhập lậu qua địa bàn; kiểm soát chặt chẽ giống gia cầm và thức ăn chăn nuôi...

Theo PGS.TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư, hiện các mẫu giám sát ở chợ Hà Vỹ (Hà Nội), chợ Thương và chợ Ngô Quyền (Bắc Giang) vẫn chưa phát hiện có cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9. Song, hiện thuốc Tamiflu phục vụ cho công tác phòng chống dịch tại tỉnh Bắc Giang đã hết, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, vật tư, hóa chất, phương tiện phòng hộ cá nhân và phòng xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở tuyến huyện. Vì thế, ông Ông Thế Viên, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ trang thiết bị, máy thở phương tiện phòng hộ vật tư hóa chất, đặc biệt là thuốc Tamiflu cho Bắc Giang để phòng chống dịch; xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh thông qua các dự án trong nước và quốc tế để triển khai các hoạt động phòng chống dịch trên địa bàn.

Một bệnh nhân bị H1N1 đang trong tình trạng nguy kịch

Hiện Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị một bệnh nhân nam 27 tuổi, trú tại huyện Yên Bình, Yên Bái, bị cúm H1N1 trong tình trạng nguy kịch. Bệnh nhân có biểu hiện sốt cao, đau người, nên ban đầu nghĩ do cúm thông thường nên tự mua thuốc hạ sốt, cảm cúm uống, nhưng bệnh ngày càng nặng, khó thở nên đã được đưa về Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Tuy nhiên, khi đến đây, bệnh nhân đã ở tình trạng rất nặng, phổi bị tổn thương, suy đa tạng do đã mắc bệnh ngày thứ 8, phải thở máy, lọc máu, nằm trong phòng cách ly. Tuy nhiên, hiện bệnh nhân vẫn trong tình trạng khó tiên lượng về diễn biến. Các bác sĩ đã tiến hành xét nghiệm H7N9 cho bệnh nhân, nhưng được loại trừ và kết quả cho dương tính với H1N1.                                     

Dạ Miên

Thanh Hằng
.
.
.