Lấy chồng ngoại, phải làm việc như culi

Thứ Bảy, 27/10/2007, 16:53

"Mỗi ngày quần quật đi nhặt rác ở công trường suốt từ 8 giờ tối đến 8 giờ sáng hôm sau, 12 giờ đêm họ cho ăn cơm. Có một nồi cơm thức ăn trộn chung rất lớn, mỗi người cầm một cái thìa, một cái đĩa, ai nhanh tay thì ăn, không nhanh tay thì nghỉ. Ăn cơm mà như ăn cám…", một nàng "dâu Hàn" cay đắng kể.

Cách đây không lâu, chúng tôi nhận được lá thư chứa đầy nỗi uất ức của một cô gái ở xã Phả Lễ, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng - một trong những nơi được mệnh danh là "làng lấy chồng ngoại".

Cô tên là Đinh Thị Thúy, năm nay tròn 20 tuổi. Thúy cho biết: Đang yên ổn làm ăn, đột nhiên, Thúy được 2 cặp vợ chồng cùng xóm mai mối cho lấy chồng Hàn Quốc. Họ hứa hẹn với cô về một người chồng đẹp trai, giàu có, và một cuộc sống chỉ có trên thiên đường.

Không biết vì những hình ảnh lãng mạn, xa hoa trong các bộ phim tâm lý Hàn Quốc, vì những trường hợp xây nhà lầu do lấy chồng nước ngoài hay vì lời dụ dỗ đường mật của những kẻ môi giới, Thúy và gia đình đã vội vàng nghe theo.

"Chuyện lấy chồng nước ngoài ở xã em nhiều không kể xiết, em cũng theo "phong trào" mà đi lấy chồng thôi chứ có yêu đương gì đâu", giọng Thúy trầm hẳn xuống.

Thấy vậy, mẹ Thúy là bà Đinh Thị Chiêm nói thêm vào: "Thực ra chúng tôi cũng chỉ vì nghe theo lời dụ dỗ ngon ngọt của cô Lý, cô Ngá - những người chuyên mai mối lấy chồng nước ngoài ở cái xã này. Họ bảo chúng tôi sẽ được đổi đời, sẽ được giàu có sung sướng mà chẳng phải làm gì cả thì tội gì hở cô? Thế mới ra nông nỗi này đây…".

Với những suy nghĩ bồng bột và vội vã ấy, Thúy và gia đình đã phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi vay cho đủ số tiền 30 triệu mà những kẻ môi giới yêu cầu.

Và rồi… đám cưới vẫn được tổ chức, bà con chòm xóm đến chia vui. Thúy xúng xính trong chiếc áo cưới, các giấy tờ kết hôn cũng được hoàn tất. Chỉ có điều, không giống như những cuộc hôn nhân bình thường khác, đám cưới này không có tình yêu, không có sự tìm hiểu, bởi giữa họ có quá nhiều rào cản: Sự bất đồng trong ngôn ngữ, văn hóa, sự gấp gáp về thời gian, sự xa cách về không gian và những khoảng trống về tâm lý, tuổi tác...

Nếu giấc mơ đẹp có thể trở thành hiện thực thì tất cả những điều đó sẽ chẳng còn là gì. Song rốt cuộc, khi sang đến Hàn Quốc, Thúy đã phải đối mặt với những gì?

"Khi em ra đến sân bay Hàn Quốc, cảnh sát giữ em lại, vì không biết tiếng nên em cũng chẳng biết vì sao. Mãi sau có một người đàn ông Hàn Quốc đến, gọi tên em, nhận là quen biết và đưa em về. Về đến đó thì vợ anh ta tên là Lương, cũng là người Việt, nói rằng bây giờ em chẳng còn sự lựa chọn nào cả đâu. Nhà chồng em bên này nghèo lắm, phải chăn lợn, chăn bò suốt ngoài đồng, cô ấy thương em vất vả nên sẽ cho em đi làm. Rồi sau đó cô ấy bắt em phải ký giấy nợ 20 triệu won, khi nào trả xong mới được về…".

Dừng một lúc, Thúy ngậm ngùi kể tiếp: "Em thậm chí chẳng được ăn như một con người. Một ngày làm việc quần quật đi nhặt rác ở công trường suốt từ 8 giờ tối đến 8 giờ sáng hôm sau, 12 giờ đêm họ cho ăn cơm. Có một nồi cơm thức ăn trộn chung rất lớn, mỗi người cầm một cái thìa, một cái đĩa, ai nhanh tay thì ăn, không nhanh tay thì nghỉ. Ăn cơm mà như ăn cám…".

Giấc mộng không thành. Không chỉ tương lai Thúy mà cả gia đình cũng đang lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn: tiền mất, tật mang. Khoản nợ treo trên đầu như quả búa tạ. Với khoanh ruộng nhỏ, với mảnh vườn con, họ sẽ phải kiếm đâu ra 30 triệu để trả nợ kèm theo lãi suất hàng tháng lên tới 300 nghìn đây?

Cũng chẳng riêng gì Thúy, không hiếm trường hợp đầu tư cho việc lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc nhưng rồi mọi chuyện vẫn không như ý. Ví như trường hợp của gia đình bà Phạm Thị Xoan, ở thôn Đắc Lộc 2, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.

Nhà vốn nghèo nhất nhì thôn, bà Xoan lại thường xuyên đau ốm, có mụn con gái, bà chỉ mong cho Lan được hạnh phúc. Vì vậy, gắng hết sức, bà cũng lo cho em được lấy chồng Đài Loan.

Ngày Lan ra đi, lòng em tràn ngập hy vọng sẽ thoát khỏi cảnh nghèo túng, có thể gửi tiền về đỡ đần mẹ. Nhưng thực tế, cuộc sống nhà chồng cũng vất vả chẳng kém. Đầu tắt mặt tối ngoài ruộng cả ngày mà Lan cũng chẳng thể gửi được mấy đồng về giúp mẹ. Những cuộc điện thoại chớp nhoáng chỉ đủ để mẹ con nói lời thương nhớ… Cô Xoan bây giờ cũng chẳng thể làm gì cho con ngoài việc ngày ngày thắp hương khấn Phật, mong gia đình chồng đối xử tử tế với con mình.

Đó vẫn còn là những trường hợp may mắn: Thúy có thể trở về được với gia đình, Lan có một mái nhà để ở. Thực tế, có những người phụ nữ đã phải đánh đổi cả tính mạng của mình vì những bước đi sai lầm trong cuộc đời.

Vũ Thị Dư (thôn Đắc Lộc 1, xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy) - một cô gái từng sống và làm việc tại Đài Loan kể cho chúng tôi nghe câu chuyện có thật mà cô được biết: "Hồi em còn làm việc ở đó có nghe báo chí Đài Loan đăng tin và người dân xôn xao kháo nhau về chuyện một  thanh niên Đài Loan chuyên sang Việt Nam tìm vợ và kết hôn, sau đó lại tìm mọi cách để giết vợ, chiếm đoạt khoản tiền bảo hiểm. Người vợ thứ nhất đã bị anh ta thả rắn độc cắn, người thứ hai bị anh ta gây tai nạn tàu xe nhưng không thành".

Theo thống kê của Sở Tư pháp Hải Phòng, số phụ nữ đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố tịnh tiến hàng năm. Năm 2002, cả Hải Phòng chỉ có gần 400 trường hợp. Năm 2003, đã có thêm gần 500 trường hợp. Năm 2004 là 600 trường hợp.

Con số này tăng vọt vào năm 2005 với tổng số lên tới gần 1.000 trường hợp. Riêng năm 2006, chỉ tính từ đầu năm đến tháng 8 cũng đã có 561 trường hợp. Trong đó số công dân lấy chồng Đài Loan và Hàn Quốc chiếm từ 40 - 60%.

Đáng lo ngại hơn nữa, ở không ít thôn, xã ở ngoại thành Hải Phòng chuyện lấy chồng ngoại đã được nâng lên thành "phong trào" - thông qua một hệ thống môi giới rất thạo nghề với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tình trạng này đã gây hàng loạt phức tạp về ANTT, sự mất cân bằng giới khu vực nông thôn...

Đây là vấn đề xã hội đáng báo động đang đặt ra với các cấp, ngành chức năng, đặc biệt là các tổ chức xã hội của mỗi địa phương như Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ... Riêng các cơ quan bảo vệ cần phải xử lý nghiêm những đối tượng, đường dây chuyên lừa gạt, dụ dỗ chị em lấy chồng nước ngoài để trục lợi

Hồng Nhung
.
.
.