Lật tẩy những chiêu trò của tài xế nghiện ma túy

Thứ Năm, 19/06/2014, 11:06
Trong trường hợp nếu tài xế nghiện, bất đắc dĩ phải đối mặt với việc kiểm tra nước tiểu thì lái xe có thể dùng một loại thuốc nào đó có thể trung hòa ma túy trong máu để tránh bị phát hiện dương tính với ma túy.

Sau hơn 2 tháng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) yêu cầu tất cả doanh nghiệp (DN), hợp tác xã vận tải tại các địa phương trong cả nước phải tổ chức khám sức khỏe cho lái xe, đến nay đã có gần 400 lái xe dương tính với ma túy được phát hiện và hơn 1.000 trường hợp không đủ sức khỏe cũng đã được loại ra. Nhưng con số trên đã phản ánh đúng thực tế về sức khỏe lái xe hay chưa thì vẫn khó khẳng định. Bởi, bản thân lãnh đạo nhiều Sở GTVT cũng thừa nhận: khám sức khỏe mà báo trước, lái xe sẽ có nhiều chiêu trò đối phó, sự thật khó phơi bày…

Lái xe cũng lắm chiêu trò

Tại bến xe phía Nam, khi đặt câu hỏi, liệu có người nghiện mà vẫn lái xe đường dài? Họ làm thế nào để qua mặt cơ quan chức năng mỗi lần khám sức khỏe định kỳ? Nhiều lái xe đã cười và trả lời chúng tôi rất thật rằng: Ở tỉnh nào mà chẳng có lái xe nghiện, bản thân họ cũng biết người này, người kia, thế nhưng đấy là chuyện cá nhân, không bao giờ họ nói ra. Để né tránh việc kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng, khi cấp, đổi bằng lái định kỳ, các lái xe hoặc các chủ xe thường chọn biện pháp “mua” giấy khám sức khỏe. Trong trường hợp nếu tài xế nghiện, bất đắc dĩ phải đối mặt với việc kiểm tra nước tiểu thì lái xe có thể dùng một loại thuốc nào đó có thể trung hòa ma túy trong máu để tránh bị phát hiện dương tính với ma túy.

Thừa nhận thực tế này, ông Lê Trọng Thành, Phó Giám đốc Sở GTVT Ninh Bình cho rằng, việc giao cho các đơn vị vận tải chủ động trong việc khám sức khỏe cho người lái xe của đơn vị là tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị vận tải bố trí thời gian để các lái xe tham gia kiểm tra sức khỏe, song việc này khó chính xác, hiệu quả không cao, đặc biệt là việc kiểm tra, xét nghiệm ma túy vì có báo trước về thời gian.

Tình trạng tài xế nghiện ma túy khiến người dân lo ngại. (Ảnh minh họa).

Theo ông Thành, trên thực tế, tại một số đơn vị vận tải có lái xe bị nghi ngờ sử dụng ma túy nhưng kết quả kiểm tra ma túy lại âm tính nên đơn vị không có lý do để thanh lý hợp đồng. “Tại các cơ sở y tế của tỉnh Ninh Bình, việc kiểm tra xét nghiệm ma tuý chỉ được thực hiện đối với các loại ma túy moóc-phin và heroin (chỉ sử dụng loại que thử 2 vạch), trong khi hiện nay có các loại ma túy như ma túy đá, thuốc lắc và các loại ma túy tổng hợp khác thì loại que này không phát hiện được. Do đó, kết quả kiểm tra sức khỏe tại các đơn vị vận tải gần như không phát hiện được các đối tượng nghiện ma túy”, ông Thành phân tích.

Cùng chung quan điểm kiểm soát lái xe nghiện không dễ, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT Ninh Bình cho hay, việc kiểm tra chất gây nghiện sẽ rất khó vì sau 24 giờ sẽ tự phân hủy. Do vậy, muốn kết quả chính xác phải kiểm tra đột xuất. Ngoài ra, que thử để kiểm tra các loại ma túy cũng khác nhau, chênh nhau khá lớn về chi phí. Tuy vậy, cách làm như thế nào, sử dụng loại que thử nào thì Bộ GTVT không quy định rõ.

Chỉ có kiểm tra đột xuất thì kết quả mới tin cậy

Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, qua công tác khám sức khỏe, quản lý sức khỏe đối với lái xe vận tải ôtô, đến nay, cả nước đã khám sức khỏe cho 127.058 lái xe, phát hiện 392 trường hợp dương tính với ma túy và 1.387 trường hợp không đủ sức khỏe để lái xe kinh doanh vận tải do những nguyên nhân khác.

Cũng theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tính đến nay, trên địa bàn cả nước đã có 59 tỉnh, thành phố đã triển khai khám sức khỏe cho lái xe và có báo cáo kết quả về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Chỉ còn 4 tỉnh chưa có kế hoạch hoặc văn bản chỉ đạo và báo cáo kết quả khám sức khỏe lái xe theo quy định là: Trà Vinh, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc và Sóc Trăng.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng nhấn mạnh: Thực tế hiện nay, việc kiểm tra sức khỏe lái xe tại các địa phương đều thực hiện tại các bệnh viện, phòng khám..., không phải là kiểm tra khi người lái xe đang lái xe trên đường. Do vậy, khi phát hiện trong cơ thể của người lái xe có chất ma túy thì chưa có chế tài quy định xử lý. Vì vậy, các địa phương không áp dụng các hình thức xử phạt hành vi vi phạm hành chính đối với người lái xe theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ khi việc tước bằng lái 24 tháng chỉ được thực hiện khi kiểm tra ma túy các tài xế đang lái xe trên đường.

Trên thực tế, có thể kiểm soát được sức khỏe lái xe, mà cụ thể là lái xe nghiện hay không, liệu có khó như những gì các đơn vị phản ánh? Trên phương diện y tế, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia từng lý giải: Không ít tài xế tìm dùng các chất kích thích từ heroin, ma túy đá… có tác dụng chặn các cơn buồn ngủ, tạo hưng phấn tạm thời, có thể giúp cánh tài xế chạy liên tục trong nhiều giờ. Tuy nhiên, điều rất nguy hiểm là ở chỗ các chất kích thích nêu trên tạo hưng phấn mạnh, không kiểm soát được, trong khi các phán đoán, phản ứng của tài xế chậm lại nên họ thường chạy quá tốc độ, khi gặp tình huống thường phản ứng chậm, phán đoán sai nên TNGT xảy ra.

Cũng theo bác sĩ Tuấn, hiện tại, hoàn toàn có thể phát hiện, kiểm soát lái xe có biểu hiện nghiện ma túy nếu xét nghiệm lái xe trở thành bắt buộc trước khi cầm lái. Các doanh nghiệp sử dụng lái xe hoàn toàn có thể trang bị hệ thống “test 4 chân” phát hiện được heroin, hàng đá, thuốc lắc và cần sa. Có thể xét nghiệm định kỳ hoặc ngay sau khi tài xế về bến hoặc giao hàng trở về, yêu cầu tài xế lấy nước tiểu và xét nghiệm ngay thì kết quả tài xế có sử dụng may túy hay không là chính xác tuyệt đối

Đặng Nhật
.
.
.