Lát đá phố cổ Hà Nội: Đẹp, nhưng phải an toàn

Thứ Hai, 17/08/2015, 08:48
Mới đây, UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất lát đá tự nhiên 10 tuyến phố cổ Hà Nội, nhằm đồng bộ hạ tầng và phát triển thương mại du lịch Thủ đô. Đề xuất này đã nhận được những phản ứng trái chiều của dư luận. 

11 tuyến phố danh sách đề xuất lát đá gồm phố Tạ Hiện (đoạn từ ngã tư Hàng Bạc đến ngã tư Lương Ngọc Quyến và đoạn từ ngõ Đào Duy Từ đến Hàng Buồm), phố Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Đào Duy Từ. Đây là các tuyến phố nằm trong khu vực bảo tồn cấp 1 khu phố cổ, được tổ chức thành các phố đi bộ vào cuối tuần (có giờ cố định vào chiều thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật). 

Tuy nhiên, nhiều người dân sinh sống tại các tuyến phố này lại cho rằng việc lát đá là không cần thiết. Ngoài việc gây tốn kém và lãng phí thì nhiều người dân cho rằng, những tuyến phố này vẫn là đường dành cho các phương tiện giao thông nên việc đi lại rất khó khăn. Gây khó cho giao thông cũng là ý kiến của những người dân sống tại phố Tạ Hiện. 

6 năm trước, TP Hà Nội đã thí điểm lát đá mặt đường tại phố Tạ Hiện. Tuy nhiên, người dân sống trong khu vực cho biết, việc lát đá xanh chưa có tác dụng gì ngoài việc “trông đẹp mắt”. Mặt đường lát đá thay vì đổ nhựa đường nên khá trơn trượt, nhất là vào ngày mưa. Thêm nữa, mặt đá lại không thoát nước nhanh nên phố luôn nhớp nháp với nước thải từ các hàng quán hai bên đường. Còn ngày nắng thì độ tỏa nhiệt cao. Nhắc lại tính trơn trượt của đá lát đường, một người dân cho biết, tại phố Tạ Hiện đã xảy ra nhiều vụ TNGT, nhất là vào ngày mưa.

Ở một góc độ khác, Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội Phạm Tuấn Long lại cho rằng, phố Tạ Hiện là một khu phố điển hình sau khi tiến hành bảo tồn kiến trúc mặt đứng các nhà mặt phố, cải tạo hệ thống thoát nước, lát đá mặt đường. Phố Tạ Hiện đã thu hút được rất đông khách du lịch, theo Ban quản lý phố cổ Hà Nội, đó là một minh chứng cho sự đúng đắn của việc lát đá. 

Theo ông Long, các tuyến phố đi bộ đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách vào dịp cuối tuần nên việc cải tạo hạ tầng, chỉnh trang đô thị là những nhiệm vụ tiếp tục được tập trung triển khai trong thời gian tới. Theo đó, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục giải phóng mặt bằng, di chuyển 200 hộ dân, trùng tu 20 di tích, cải tạo trụ sở, trường học, UBND, trạm y tế... và cải tạo hạ tầng kỹ thuật (dự kiến lát vỉa hè đá của 75/79 phố), đồng thời tiếp tục mở rộng không gian đi bộ trong khu phố cổ Hà Nội.

Chưa bằng lòng với cách giải thích của chính quyền, nhiều nhà nghiên cứu quan tâm đến góc độ lịch sử, văn hóa lại cho rằng, thận trọng trong việc lát đá, không nên “tạo” ra cái không có thật của di tích, vừa vô nghĩa vừa tốn kém.

“Đây không phải là câu chuyện nâng cấp, tu bổ, sửa chữa đường phố bình thường, mà là câu chuyện về khoa học bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa. Phố cổ Hà Nội đã trở thành di tích lịch sử, văn hóa, trong đó đường phố là một thành tố quan trọng” - PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh. 

KTS Trần Huy Ánh thì cho rằng, lát đá cũng chỉ là một biện pháp chỉnh trang đô thị. Do vậy, ngoài "đẹp” thì cần phải “an toàn” nữa. Nhưng vị KTS này lại bàn nhiều đến hiệu quả của việc lát đá. Đầu tiên là tại phố Tạ Hiện: UBND quận Hoàn Kiếm đã đầu tư bao nhiêu kinh phí để lát đá và sau khi lát đá, thu ngân sách từ đó tăng lên bao nhiêu? Việc lát đá khu phố cổ cũng vậy. “Nếu Nhà nước bỏ ra 1.000 tỷ đồng mà thu lại 2.000 tỷ đồng thì xứng đáng lắm”.

Vì vậy, các nhà quản lý cần phải điều tra, khảo sát hiệu quả từ việc lát đá trên phố Tạ Hiện. Không chỉ hiệu quả kinh tế, mà việc lát đá cần tạo sự an toàn, tiện nghi cho người dân sinh sống ở đây, góp phần bảo tồn phố cổ. Đó mới là mục tiêu chính!

Diệp Linh
.
.
.