Lao động từ Libya về nóng lòng chờ hỗ trợ

Thứ Sáu, 17/10/2014, 14:14
Sau hơn hai tháng, kể từ ngày những lao động Việt Nam đầu tiên từ vùng chiến sự Libya về nước, hơn 1.700 lao động vẫn chưa nhận được các khoản tiền hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ lao động ngoài nước như Bộ LĐ-TB&XH công bố, cũng như thanh lý hợp đồng từ phía doanh nghiệp. Thời gian chờ đợi càng lâu càng đẩy các lao động vốn đã khó khăn do phải về nước trước thời hạn lại càng khó khăn hơn trong việc chờ giải quyết mọi việc cũ để ổn định cuộc sống, tìm việc làm mới.

Vẫn chưa tìm việc làm vì chờ tiền hỗ trợ rủi ro

Theo Quyết định số 1012/QĐ-LĐTBXH được Bộ LĐ-TB&XH ban hành ngày 11/8, các lao động về nước do tình hình bất ổn tại Libya sẽ được hỗ trợ từ 1-5 triệu đồng/người. Các lao động huyện nghèo sẽ được hỗ trợ thêm 50% mức quy định trên. Ngoài ra, theo quy định, các DN xuất khẩu lao động phải tiến hành thanh lý hợp đồng, chi trả 50% phí môi giới cho người lao động sau khi lao động về nước 1 tháng. Những tưởng, những khoản hỗ trợ sẽ đến tay người lao động giúp họ vơi bớt khó khăn, gánh nặng nợ nần.

Công bố là vậy, thế nhưng đến thời điểm này, đa số người lao động đều chưa nhận được hỗ trợ. Qua trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Đình Sang (Nghệ An) cho biết, anh vẫn chưa biết làm gì sau vừa tròn 2 tháng từ Libya trở về do ảnh hưởng của nội chiến. Mẹ của anh là bà Nguyễn Thị Lan rầu rĩ, từ ngày con bà về nước, đến giờ vẫn chưa tìm được việc làm, nên ngoài thời gian phụ giúp bố mẹ gặt 4 sào ruộng thì không biết làm gì thêm. Hai lần sang Libya, là hai lần đối mặt với cái chết, khoản tiền nhỏ tích cóp được cũng đã đắp vào khoản xây sửa nhà cửa. “Tiền ăn tiêu thì tốn kém, mà công việc thì không có nên nó cứ lêu lổng cả ngày. Nó tính đi Nhật, nhưng gia đình không có tiền cho cháu đi nên nó cứ ngồi nhà, không lại đi chơi chờ thanh lý hợp đồng thôi”, bà Lan chia sẻ.

Anh Đỗ Mạnh Cường, ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) tỏ ra vô cùng lo lắng, chưa biết dự tính gì cho tương lai. “Chúng tôi ở nông thôn đa phần khó khăn mới phải đi xuất khẩu lao động: Kế hoạch, dự tính cho tương lai trước khi đi giờ tan thành mây khói. Vốn vay trả chưa xong, về nước bỗng dưng thành con nợ. Mình có đi làm ăn xa cũng phải chờ thanh lý xong hợp đồng, nhận tiền hỗ trợ rồi thì đi đâu mới đi được. Nợ mỗi tháng tăng, ở nhà đi ra, đi vào cứ như ngồi trên đống lửa”. Nhìn vào danh sách hỗ trợ cho lao động mới sang làm việc tại Libya từ 3 tháng trở xuống đã phải về nước có tới hơn 200 người.

Nằm trong số những lao động không may mắn này, đến nay dù là lao động chính trong nhà, anh Vũ Trung Chương, xã Minh Đức (Tứ Kỳ, Hải Dương) vẫn trong cảnh thất nghiệp. Nhắc đến chuyện, giọng anh như nghẹn lại: “Khi đi, lao động như tôi đều phải vay từ 40-50 triệu đồng. Sang Libya phải 2 năm mới kiếm đủ tiền về lo kinh tế gia đình. Lo ngại nhất bây giờ là khoản nợ ngân hàng còn “âm” gần 20 triệu đồng. Chỉ mong công ty và Bộ LĐ-TB&XH sớm giải quyết, hỗ trợ dù chỉ có vài triệu đồng cũng vô cùng quý giá trong lúc này”.

11 doanh nghiệp XKLĐ trong nước cần đưa lao động sang Libya cần sớm thực hiện thanh lý hợp đồng cho lao động và các khoản hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Theo lời anh Chương, sau nhiều lần gọi điện đến Công ty Vinamex, ngày 15/10, anh Chương và các lao động khác được công ty thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, khoản hỗ trợ 5 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước như đã công bố, vẫn tiếp tục khất với lý do, Bộ LĐ-TB&XH chưa chuyển tiền nên công ty chưa thể chi trả cho lao động.

Cùng chung cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Oanh ở Nghi Lộc, Nghệ An cho hay, ngoài khoản tiền tạm ứng 1 triệu đồng khi vừa xuống sân bay, đến thời điểm này anh chưa nhận được đồng nào từ Công ty Vinaconexmec.

Thủ tục duyệt hỗ trợ cho toàn bộ lao động đã xong trong ngày 16/10

Liên quan đến sự chậm trễ thanh lý hợp đồng cho lao động, ngày 16/10, trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc Công ty Vinaconexmec cũng thừa nhận, chưa trả tiền hỗ trợ và thanh lý hợp đồng cho các lao động này. Công ty không gặp khó khăn về tài chính, đã tập hợp danh sách 81 lao động và Cục Quản lý lao động ngoài nước đã kiểm tra lại; đồng thời chờ chủ sử dụng ở Lybia chuyển trả tháng lương cuối cùng (380 USD/tháng) và 3 tháng bồi dưỡng 550 USD/lao động. “Chúng tôi đang tính toán để người lao động không phải mất thời gian đi lại nhiều lần, tốn kém tiền tàu xe nên đã lên phương án, kết hợp thanh lý hợp đồng và nhận tiền hỗ trợ cùng một lần. Chúng tôi đang khẩn trương làm, chỉ vài ngày tới, lao động sẽ sớm nhận được tiền hỗ trợ”, ông Hiệp nói.

Còn theo ông Nguyễn Việt Hải, Giám đốc điều hành Công ty Vinamex, công ty đã thanh lý hợp đồng cho 120 lao động. Gần 400 lao động khác sẽ được giải quyết ngay sau khi có tiền hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Bên cạnh đó, công ty đã tính phương án ưu tiên những lao động này đi làm việc theo các đơn hàng khác. Cụ thể là đang làm thủ tục nộp visa cho 220 lao động đi làm việc tại Arab Saudi với mức lương cơ bản là 330 USD/tháng. Qua phản ánh của nhiều lao động và DN, một trong những nguyên nhân khiến người lao động phải chờ lâu, chính là sự chậm trễ triển khai xét duyệt các phương án hỗ trợ cho lao động từ Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Ngày 16/10, trả lời Báo CAND, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, theo quy định, các DN có lao động làm việc tại Libya phải về nước trước hạn có trách nhiệm gửi văn bản lên Cục và Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước đề nghị hỗ trợ, kèm theo danh sách người lao động được hỗ trợ theo từng đối tượng quy định.

Ông Quỳnh cho hay: “Không thể cứ theo danh sách DN gửi lên là làm được, chúng tôi còn phải kiểm tra và xác nhận lao động đi được bao lâu, có nằm trong diện lao động huyện nghèo hay không. Tuy nhiên, trong 2 ngày 15 và 16/10, chúng tôi kiểm tra xong, còn 80 trường hợp, việc thẩm tra hồ sơ sẽ được giải quyết xong trong ngày 16/10. Ngay sau khi hoàn tất, Cục sẽ đôn đốc DN để người lao động sớm được nhận hỗ trợ”

Thu Uyên
.
.
.