Lao động ở Malaysia bỏ về vì doanh nghiệp "đem con bỏ chợ"

Chủ Nhật, 14/10/2007, 08:11
3 trường hợp đi xuất khẩu lao động tại Malaysia bỏ về nước bức xúc bày tỏ: "Chúng tôi đã không được công ty quan tâm bảo vệ những quyền lợi chính đáng như trong hợp đồng, trong khi để được đi xuất khẩu lao động, chúng tôi phải nộp gần 20 triệu đồng, trong đó chủ yếu là tiền vay...".

Ngày 12/10, ông Vũ Duy Thông, Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh & Xã hội tỉnh Quảng Nam, cho biết, vừa nhận đơn của 3 trường hợp đi xuất khẩu lao động tại Malaysia bỏ về nước trước thời hạn phàn nàn về những khó khăn khi lao động ở nước ngoài, đề nghị được giúp đỡ về vay vốn trả nợ và giải quyết việc làm.

Một số tòa soạn báo ở miền Trung cũng nhận được đơn khiếu nại của 3 trường hợp này phản ánh đơn vị đưa họ đi xuất khẩu lao động - Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam (chi nhánh tại Đà Nẵng)  - đã "đem con bỏ chợ". 3 lao động này gồm Nguyễn Phước Thành, Nguyễn Quang Anh (Đà Nẵng), Doãn Thành Vũ (Quảng Nam) được công ty nói trên hợp đồng xuất khẩu lao động tại Malaysia từ tháng 5-/2006, thời hạn 3 năm, tuy nhiên mới hơn 1 năm cả 3 đã bỏ về.

 Lý do, theo cả 3 trình bày, mức lương được nhận thực tế thấp hơn rất nhiều so với trong hợp đồng ban đầu - chỉ có 2 đến 2,5 triệu đồng/tháng trong khi hợp đồng là 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, ngoài ra không được bảo hiểm, tự trang bị bảo hộ lao động…

Cả 3 bức xúc nói: Chúng tôi đã không được công ty quan tâm bảo vệ những quyền lợi chính đáng như trong hợp đồng, trong khi để được đi xuất khẩu lao động, chúng tôi phải nộp gần 20 triệu đồng, trong đó chủ yếu là tiền vay.

Theo ông Vũ Duy Thông, Công ty Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam đã không còn chức năng xuất khẩu lao động trực tiếp từ đầu năm 2007. Tuy nhiên, công ty này vẫn phải chịu trách nhiệm về số lao động xuất khẩu mà mình đã đưa đi.

Sau khi nhận đơn của 3 trường hợp trên, ngày 9/10, ông Thông đã yêu cầu công ty phải nhanh chóng nắm tình hình đời sống, thu nhập, các quyền lợi liên quan của 90 lao động do công ty đưa đi tại Malaysia (năm 2006) để báo cáo với Sở, Cục Hợp tác xuất khẩu lao động ngoài nước, và có trách nhiệm đảm bảo những quyền lợi chính đáng của họ như trong hợp đồng.

Đối với 3 lao động nói trên, công ty cũng có một phần trách nhiệm, nên cần có liên hệ với địa phương giải quyết việc làm, giúp họ ổn định đời sống

Lê Vũ
.
.
.