Lao động nông thôn được vay không lãi để học nghề

Thứ Năm, 26/03/2009, 18:16
Ngoài việc hỗ trợ lao động nông thôn học nghề theo các mức 2 triệu đồng/người/khoá học nghề dưới 3 tháng, Chính phủ sẽ hỗ trợ những người học nghề và làm việc ổn định ở nông thôn vốn tín dụng ưu đãi với lãi suất 0%.
Ngày 25/3, Văn phòng Chính phủ cùng với Bộ LĐ-TB&XH, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 21 địa phương về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân.

5 điểm cầu được tổ chức tại Hà Nội, Phú Thọ, Cần Thơ, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh đã tập trung thảo luận và đưa ra những kiến nghị để hoàn thiện Đề án, sớm đưa vào thực hiện thí điểm ngay trong năm 2009. Đảm bảo từ năm 2011 trở đi, mỗi năm đào tạo trên 1 triệu lao động nông thôn...

Nhu cầu lớn về đào tạo nghề cho khu vực nông thôn

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, nước ta hiện có 18.000 hợp tác xã, 320.000 tổ hợp tác ở 2.075 làng nghề và các vùng nông thôn khác, trong đó chủ yếu sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống với tổng số 14,5 triệu lao động. Với số lượng làng nghề lớn, hằng năm cần đào tạo nghề cho khoảng 350-400 ngàn người.

Các lĩnh vực sản xuất và chế biến ở nông thôn được ưu tiên hỗ trợ đào tạo.

Vùng chuyên canh cây nguyên liệu: cao su, chè, thuốc lá, cà phê, giấy… có nhu cầu lao động qua được đào tạo nghề khoảng 96.000 người. 11 tập đoàn, tổng công ty lớn có nhu cầu lao động qua đào tạo nghề ở các cấp trình độ đến năm 2020 khoảng 800 ngàn người.

Số lao động nông thôn bị thu hồi đất canh tác có nhu cầu học nghề hằng năm khoảng 50.000 người. Trong khi đó, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đến nay mới đạt 18,7%, còn rất thấp so với bình quân chung của cả nước (25%).

Theo kết quả nghiên cứu của Bộ NN&PTNT tại 16 địa phương có số lượng đất thu hồi lớn, chỉ có 13% lao động nông thôn bị thu hồi đất được đào tạo để chuyển đổi ngành nghề.

Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 đã đưa ra mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn: giai đoạn 2009-2010, đào tạo các nghề nông nghiệp cho 15.000 lao động nông thôn thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề trồng và chăm sóc rừng, nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản.

Giai đoạn 2011-2015: triển khai mở rộng các mô hình thí điểm dạy nghề cho lao động nông thôn để thực hiện mục tiêu đào tạo cho 5.200.000 người. Giai đoạn 2016 - 2020: đào tạo 6.000.000 người. Đồng thời đào tạo, bồi dưỡng khoảng 500.000 cán bộ, công chức xã.

Đổi mới toàn diện cách dạy và học nghề

Ông Võ Duy Khương, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, đại diện cho 3 tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Bình và Quảng Nam cho rằng, trên thực tế nhiều lao động ở các vùng nông thôn không muốn học nghề vì học xong, không có việc làm. Hoặc có áp dụng nghề học được sản xuất ra sản phẩm, nhưng lại không có nguồn tiêu thụ...

Qua số liệu tổng hợp báo cáo, đến nay còn 253 huyện chưa có trung tâm dạy nghề; khoảng 31% phòng học và 20,7% số nhà xưởng thực hành của các cơ sở dạy nghề là nhà cấp 4, nhà tạm chủ yếu tập trung ở các cơ sở đào tạo do địa phương quản lý, các tỉnh khó khăn, huyện nghèo.

Đại diện của 3 địa phương Hà Nội, Thái Bình, Thanh Hoá đưa ra kiến nghị cần quan tâm phát triển giới doanh nhân ở khu vực nông thôn, đào tạo những người nông dân trở thành những ông chủ sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.

Sau khi nghe ý kiến từ các địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định: Cần có những giải pháp mang tính đột phá, thay đổi nhận thức của người học và cả xã hội về dạy nghề. Đào tạo theo nhu cầu, tránh tình trạng học xong không có việc làm, nên trước khi đi học nghề, người học cần nắm được 3 điều nên biết về: nhu cầu việc làm của địa phương; chính sách, nghĩa vụ của người đi học và cơ hội việc làm của mình. Để thực hiện được mục tiêu, cần phải xoá trắng việc không có trung tâm dạy nghề, bổ sung giáo viên dạy nghề.

Chính phủ giao cho Hội Nông dân giúp Chính phủ và địa phương giám sát, kiểm tra kết quả thực hiện.

Ngoài việc hỗ trợ lao động nông thôn học nghề theo các mức 2 triệu đồng/người/khoá học nghề dưới 3 tháng, học nghề ở trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng nghề được vay tín dụng ưu đãi để học nghề theo QĐ 157/2007/QĐ-TTg thì đối với những người học nghề và làm việc ổn định ở nông thôn được vay tín dụng ưu đãi với lãi suất 0%

Thu Uyên
.
.
.