Lãnh đạo Thừa Thiên - Huế chỉ đạo xử lý “cát tặc”

Thứ Ba, 31/05/2016, 08:57
Mặc dù UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tăng cường chỉ đạo lực lượng CSGT đường thủy và các cơ quan chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra, truy quét, song tình trạng khai thác cát trái phép trên khu vực sông Bồ và thượng nguồn sông Hương đến nay vẫn còn diễn biến khá phức tạp...

Những ngày cuối tháng 5, nhiều hộ dân ở thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn (Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) phải kêu cứu trước tình trạng “cát tặc” lộng hành trên sông Bồ, đoạn qua địa bàn thôn này, khiến người dân sống trong cảnh lo lắng sạt lở bờ sông.

Ông Nguyễn Văn cho biết, sau cơn lũ năm 1999, bờ sông Bồ qua địa bàn thôn bị sạt lở nghiêm trọng nên được huyện đầu tư xây dựng tuyến kè nối dài từ cầu Hiền Sĩ đến Trường Mầm non Phong Sơn. 

Tuy nhiên, thời gian qua, bình quân mỗi ngày có trên dưới 20 tàu, thuyền hút cát lớn nhỏ đến khu vực này hoạt động trái phép cách bờ từ 10-15m, gây nên tình trạng sạt lở, đe dọa bờ kè và vườn tược, nhà cửa của nhiều hộ dân. Người dân đã nhiều lần kiến nghị các cấp xử lý vấn đề “cát tặc”, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết…

“Cát tặc” ngang nhiên hoạt động ở thượng nguồn sông Hương.

Ông Trịnh Xuân Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Phong Sơn cho hay, mỗi lần nhận được tin báo, xã đã phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức kiểm tra, đẩy đuổi các tàu, thuyền khai thác cát sỏi vi phạm. Tuy nhiên, do lực lượng quá mỏng nên chưa thể xử lý triệt để. Ngoài khu vực kể trên, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép còn diễn ra phức tạp, gây sạt lở bờ sông và làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường tại khu vực bến Gia Long, cầu Tuần thuộc tuyến sông Hương.

Ông Nguyễn Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) bức xúc cho biết, dù đã có rất nhiều trường hợp bị xử phạt, nhưng tình trạng khai thác cát trái phép vẫn tái diễn ở khu vực nhánh sông Tả Trạch, đoạn qua thôn Đình Môn và nhánh Hữu Trạch, đoạn thôn La Khê Bãi đến lăng Minh Mạng.

“Thời gian các đối tượng cát tặc tổ chức khai thác cát thường từ 24h khuya đến 4h sáng, cao điểm có đến 20-30 tàu hút, gây sạt lở bờ sông nghiêm trọng khiến người dân hết sức lo lắng và bức xúc”, ông Quý nói.

Qua tìm hiểu được biết, hiện tỉnh Thừa Thiên- Huế có 46 bãi bồi, 5 đoạn sông, 5 điểm khai thác cát nội đồng và 58 bãi tập kết cát, sỏi đã được quy hoạch khai thác cát, sỏi đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều bến bãi tập kết cát, sỏi hoạt động chưa có đầy đủ các thủ tục pháp lý như đấu giá đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cam kết môi trường, giấy phép bến thủy nội địa, cấp phép xây dựng bãi.

Bên cạnh đó, dù công tác kiểm tra, xử lý “cát tặc” diễn ra liên tục, song vì lợi nhuận kinh doanh nên đến nay, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép ở Thừa Thiên - Huế vẫn còn diễn biến khá phức tạp, chưa thể giải quyết triệt để.

Trước tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép diễn biến phức tạp, ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, đề nghị các cơ quan chức năng liên quan phải phối hợp trực tiếp với các địa phương để thực hiện việc quản lý hoạt động khai thác cát, sỏi cũng như xây dựng kế hoạch cụ thể trong việc tuần tra, kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm.

“Các hoạt động kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên, tiến hành công khai. Nếu phát hiện các sai phạm tại các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác thì phải thu hồi ngay giấy cấp phép; đối với những đối tượng vi phạm có hành vi chống đối cần phải đề nghị khởi tố theo quy định của pháp luật”, ông Thọ khẳng định.

Từ đầu năm 2016 đến nay, Thanh tra Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xử phạt hành chính 29 cá nhân có hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép trên sông Hương với tổng số tiền phạt 124 triệu đồng.

Anh Khoa
.
.
.