Làng xuồng, ghe tất bật vào mùa đón lũ

Thứ Tư, 22/08/2012, 21:15
Khi dòng nước đỏ ngầu, ngậm phù sa từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về, ngấp nghé tràn đồng cũng là lúc những người làm nghề đóng ghe, xuồng ở rạch Bà Đài (Long Hậu, Lai Vung, Đồng Tháp) tất bật vào vụ, đóng xuồng phục vụ người dân trong mùa nước.

Từ nhiều năm nay, người dân ở ĐBSCL đã dần quen sống chung với mùa lũ (mùa nước nổi). Với người dân đồng bằng, mùa lũ đẹp là lũ không quá lớn gây thiệt hại cho sản xuất, nhưng vừa đủ có nhiều tôm cá, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập từ việc khai thác lợi thế từ con nước. Khi dòng nước đỏ ngầu, ngậm phù sa từ thượng nguồn sông Cửu Long đổ về, ngấp nghé tràn đồng cũng là lúc những người làm nghề đóng ghe, xuồng ở rạch Bà Đài (Long Hậu, Lai Vung, Đồng Tháp) tất bật vào vụ, đóng xuồng phục vụ người dân trong mùa nước.

Nhộn nhịp làng nghề

Từ trung tâm TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), chúng tôi xuôi theo tỉnh lộ 849, đi khoảng 25km đến rạch Bà Đài (ấp Long Hòa, xã Long Hậu, huyện Lai Vung). Trên đường đi, chúng tôi gặp nhiều người dân chở những chiếc xuồng nhỏ (phương tiện khá phổ biến ở vùng ĐBSCL), được mua từ rạch Bà Đài.

Anh Phạm Văn Nhuận (29 tuổi, ngụ Lấp Vò, Đồng Tháp) đang “dong xe” theo người chở chiếc xuồng (loại 5m, giá 1,5 triệu đồng) cho hay: “Tôi đặt chiếc xuồng này ở rạch Bà Đài từ 10 ngày trước. Bữa nay rảnh, nên thuê người lên chở về, để mưu sinh trong mấy ngày nước lũ”.

Men theo con lộ nhỏ, chúng tôi đến rạch Bà Đài. Từ đầu rạch, đã âm vang những âm thanh chát chúa tiếng búa, máy cưa, máy bào… phát ra từ những trại đóng ghe, xuồng nằm san sát hai bên bờ rạch. Từng tốp thợ, đang tất bật với công việc của mình để “xuất xưởng” những chiếc xuồng mới, phục vụ người dân vào mùa lũ.

Tại cơ sở của bà Hồ Thị Nhi (53 tuổi), khoảng sân trống trước nhà được tận dụng làm nhà xưởng đóng xuồng. Cơn mưa nhẹ chợt ập đến bất ngờ, nhưng anh Nguyễn Văn Lâm vẫn miệt mài hoàn tất công đoạn cuối cùng của chiếc xuồng, để kịp giao cho khách hàng. “Vào đầu mùa nước nổi, nhu cầu mua ghe của người dân rất lớn. Nên mấy hôm nay, tui lên làm tiếp cho anh trai, tranh thủ mấy ngày mùa vụ”. Mới chỉ  27 tuổi, nhưng anh Lâm cũng đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề đóng ghe, xuồng. 

Chúng tôi tìm đến cơ sở đóng ghe, xuồng của ông Nguyễn Phú Hữu (Út Hữu, 52 tuổi), người có gần 40 năm trong nghề đóng ghe, xuồng. Ông Út Hữu cho hay: “Nghề đóng ghe xuồng ở xứ này có hàng trăm năm nay. Và cũng là nghề cha truyền con nối ở xứ này chú à”. Nhà ông có 4 người con trai, thì cả bốn đều nối nghiệp cha.

Anh Nguyễn Trọng Thức (32 tuổi, con trai ông Út Hữu) bày tỏ: “Nghề này làm tất bật quanh năm, suốt tháng. Hết đóng ghe, vỏ lãi theo đơn đặt hàng rồi lại đóng xuồng để phục vụ bà con mưu sinh mùa nước nổi. Nên thu nhập cũng ổn định”.

Bà Nguyễn Thị No (chủ vựa ghe), giới thiệu sản phẩm xuồng của Long Hậu, chuẩn bị giao cho thương lái chở đi phân phối cho người dân vùng lũ.

Xuồng nhỏ ngược con nước

Ông Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Long Hậu cho hay, ông Phạm Văn Thuông (còn gọi là ông Sáu xuồng cui, ông Ngoại ông Út Hữu), là người khởi xướng nghề đóng ghe xuồng ở rạch Bà Đài. Ông là người giỏi nghề mộc và đã nghiên cứu để đóng những chiếc xuồng cui, ghe tam bản ở địa phương. Ban đầu, chỉ phục vụ cho việc đi lại của người dân trong vùng. Nhưng sau đó, ghe, xuồng rạch Bà Đài được tiêu thụ đi nhiều nơi, và trở thành “thương hiệu” có tiếng ở vùng ĐBSCL… “Nghề đóng ghe xuồng ở Long Hậu, mấy năm nay làm ăn phát đạt lắm. Đang vào mùa nước nổi, cũng là mùa làm ăn của những trại đóng ghe, xuồng ở Long Hậu, nên ai nấy cũng tất bật làm việc”.

Mùa đóng xuồng ở Long Hậu, cao điểm nhất là từ đầu tháng 5 (Âm lịch) trở đi, xuồng được đóng thành nhiều kiểu dáng như: Xuồng cui, xuồng vỏ gáo, xuồng mũi bằng, xuồng ba lá… Trong đó, các loại xuồng được người dân trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, như: xuồng gỗ sao, gỗ sến, với kích cỡ 4,5m - 6,5m (giá dao động từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng/chiếc. Còn xuồng lớn, gỗ tốt bán hơn 2 triệu đồng/chiếc). Mỗi năm, xã Long Hậu cho “xuất xưởng” khoảng 20.000 chiếc xuồng, ghe các loại, giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động thường xuyên ở địa phương. Trung bình, mỗi ngày xã Long Hậu xuất xưởng hàng trăm chiếc ghe, xuồng bán cho người dân mưu sinh mùa nước nổi.

Năm 2005, UBND tỉnh Đồng Tháp có quyết định công nhận nghề đóng ghe, xuồng ở xã Long Hậu là làng nghề truyền thống để có chính sách mở rộng, phát triển làng nghề. Ban đầu từ khoảng 200 hộ theo nghề đóng ghe, xuồng, đến nay đã tăng lên 400 hộ, chủ yếu tập trung ở rạch Bà Đài thuộc ấp Long Hòa.

“Từ khi được công nhận là làng nghề truyền thống, nghề đóng ghe, xuồng ở Long Hậu không ngừng phát triển về số lượng lẫn chất lượng. Vào mùa nước nổi người dân tập trung đóng xuồng nhỏ, các mùa khác đóng vỏ lãi, trẹt, ghe hàng có trọng tải lớn…”, ông Hùng cho hay.

Bà Nguyễn Thị No (47 tuổi, chủ vựa xuồng ở ấp Long Hòa) cho hay, vào mùa nước lũ, không chỉ người dân ở Đồng Tháp, mà các tỉnh An Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long.. đều đến đặt mua xuồng ở Long Hậu. Nhiều thương lái, mỗi lần đặt hàng trăm chiếc xuồng, để bỏ mối và bán lẻ cho người dân ở vùng lũ và biên giới Campuchia. Để chuẩn bị mùa nước lũ năm may, bà đã đặt hơn 1.000 chiếc xuồng, để giao cho thương lái đi phân phối khắp các tỉnh ĐBSCL và ngược lên vùng biên giới giáp với Campuchia. “Năm nào nước lớn, thì số lượng xuồng bán ra, có thể lên đến 1.500 đến 2.000 chiếc”, bà No nói

Ông Trần Thanh Sĩ, Trưởng Công an xã Long Hậu cho biết, ấp Long Hòa có trên 550 hộ dân, thì hầu hết đều có tham gia vào nghề đóng ghe, xuồng tại địa phương. Làng nghề phát triển, người lao động có việc làm, thanh niên cũng chăm chỉ làm ăn. Nên tình hình ANTT ở địa phương cũng khá ổn định.

Còn ông Nguyễn Văn Minh (48 tuổi), người có trên 30 năm đóng ghe, xuồng ở Long Hậu cho hay, bình quân mỗi ngày 1 thợ giỏi có thể đóng được 2 chiếc xuồng với tiền công khoảng 60 - 70 nghìn đồng/chiếc. Những người thợ đóng xuồng được trả công từ 120 - 140 nghìn đồng/ngày, phụ nữ trét chai, sơn xuồng được 80 - 100 nghìn đồng/ngày. Tùy theo trại lớn nhỏ, trung bình mỗi trại đều thuê từ 1 đến 3 thợ phụ, nhiều thì 5 đến 10 thợ phụ mỗi ngày.

Văn Vĩnh
.
.
.