Làng tìm “thần chết” nỗ lực bỏ nghề nguy hiểm

Thứ Bảy, 03/08/2013, 14:28
Người Tân Hiệp, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, Quảng Trị làm nghề rà tìm phế liệu bom mìn từ gần 20 năm nay. Có không ít người ở làng đã phải bỏ mạng hoặc mang theo thương tật suốt cuộc đời.

Nghề với nhiều điều tiếng nên khi tôi đến, ông Đào Văn Tùng (Trưởng thôn) mặc dù rất trải lòng với câu chuyện, vẫn đòi kiểm tra giấy tờ nghề nghiệp trước lúc tôi bấm máy lấy hình ông bên chiếc máy rà.

Ông Tùng thở dài bảo, người dân Tân Hiệp vì điều kiện sinh tồn nên bao năm qua đã đánh bạo với nghề đào bom, song trong thâm tâm họ không hề muốn phải “bán mạng” với cái nghề nguy hiểm ấy…

Nói về xuất xứ của làng Tân Hiệp, ông Tùng kể rằng, lúc mới hình thành, làng có tên là Vạn Ba Thung, tức người vạn đò sống tập trung ở sông nước Ba Thung của huyện Cam Lộ. Đến sau năm 1975, làng được đổi tên thành Tân Hiệp.

Khi Tân Hiệp xảy ra sự cố sụt lún đất, người dân được di dời đến nơi ở mới, trên một vùng gò đồi cách làng cũ chừng 1km đường chim bay. Từ chỗ tồn tại bằng nghề sông nước, bà con chuyển sang nghề đi cội (khai thác gỗ rừng).

Núi rừng Cam Lộ đều in dấu chân người làng Tân Hiệp. Nhưng “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, nghèo đói vẫn cứ đeo bám, người học được cái chữ ở Tân Hiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Đến năm 1996, nhờ sự phổ biến pháp luật tích cực của các ngành chức năng, người dân Tân Hiệp từ bỏ được nghề khai thác gỗ. Nhưng, bà con lại nhanh chóng rơi vào khó khăn lớn hơn vì bế tắc kế sinh nhai. Từ đây, họ đã tìm đến với nghề rà tìm phế liệu chiến tranh còn sót lại…

Ông Tùng, Trưởng thôn Tân Hiệp đã từng làm nghề rà tìm phế liệu nhiều năm nhưng nay đã bỏ hẳn.

Ở Tân Hiệp, mỗi nạn nhân bom mìn là một vết thẹo của làng, không bao giờ lành lặn lại được. Song, người Tân Hiệp vẫn cứ phải đeo bám với nghề nguy hiểm ấy.

Ông Tùng giãi bày: “Tân Hiệp hiện có 235 hộ dân với 1.038 nhân khẩu. Trong khi tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ có 17,6ha, trong đó đất lúa  7,6ha, còn lại là đất trồng sắn và trồng lạc. Về phát triển lâm nghiệp, cả thôn cũng chỉ có chưa tới 20ha; buôn bán dịch vụ thì có 20 hộ nhưng vốn liếng kinh doanh mỗi hộ cũng chưa tới 2 triệu đồng…”.

Đi tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, chúng tôi được lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết: Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã quan tâm rất nhiều người dân Tân Hiệp, đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng như giếng nước, điện thắp sáng, trường học, trạm y tế, nhà ở và đường giao thông.

Bên cạnh là đầu tư khai hoang ruộng trồng lúa nước, đất đai trồng cây lâm nghiệp ngắn và dài ngày; tạo điều kiện cho bà con vay vốn ngân hàng theo chính sách ưu đãi nhằm giúp bà con phát triển kinh tế hộ gia đình theo các mô hình chủ yếu như: kinh doanh thương mại, phát triển trang trại trồng rừng – chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Hai năm nay, nhờ sự quan tâm đó mà số người làm nghề rà tìm phế liệu chiến tranh ở Tân Hiệp đã giảm hẳn, từ 90% hộ xuống còn 30%. Tuy nhiên, để có được kế sinh nhai bền vững, bỏ hẳn nghề đi tìm “thần chết”, thì người dân cần phải nỗ lực hơn nữa trong khắc phục điều kiện khó khăn của thổ nhưỡng để phát triển sản xuất và chăn nuôi...

Thanh Bình
.
.
.