Làng tái định cư... không dân

Thứ Hai, 23/07/2007, 11:52

Đó là ngôi làng tái định cư Lao Mưng tại xã Phước Xuân, huyện miền núi Phước Sơn, Quảng Nam. Nhà nước đã đầu tư gần 300 triệu đồng để xây làng mới cho những người dân ở làng Lao Mưng cũ thế nhưng chỉ một thời gian rất ngắn, 57 hộ dân đã bỏ làng mới ra đi…

Tháng 2/2007, Báo CAND đã có bài viết phản ảnh tình trạng xây dựng làng Lao Mưng, nhưng người dân không đến ở gây lãng phí tiền của Nhà nước. Sau khi báo đăng, UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo chính quyền địa phương kiểm tra, vận động nhân dân đến ở. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ…                           

Chúng tôi trở lại làng mới Lao Mưng vào một ngày cuối tháng 7, nắng nóng như thiêu đốt. Bên sườn núi, ngôi làng hoang vắng đến rợn người. Một dãy nhà lợp tôn, xiêu vẹo trên những nền cỏ, trống huơ, trống hoác phơi bày bên trong những chiếc gường cũ nát…

Ông Nguyễn Quang Thiên, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phước Sơn, cho biết: Để tạo điều kiện an cư, lạc nghiệp cho những hộ dân sinh sống, chen chúc tại làng Lao Mưng cũ, chính quyền địa phương rót ngân sách đầu tư xây dựng một khu giãn dân là làng Lao Mưng mới nằm bên đường Hồ Chí Minh.

Tổng số tiền đầu tư xây dựng làng Lao Mưng mới, chủ yếu san ủi mặt bằng, lên đến 291 triệu đồng.

Cách đây hơn ba năm, làng mới hoàn thành, 57 hộ dân ở làng cũ đã dọn đến ở. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, họ lại bồng bế nhau trở lại nơi ở trước đây, gây lãng phí rất lớn tiền của, công sức.

Sau khi Báo CAND có bài viết phản ảnh, chính quyền huyện Phước Sơn phối hợp cùng xã Phước Xuân đã có nhiều biện pháp tuyên truyền, động viên, kể cả tổ chức họp dân nắm bắt tâm tư nguyện vọng, nhưng các hộ dân vẫn không chịu đến ở làng mới.

Nguyên nhân chủ yếu là do cơ sở hạ tầng ở làng mới Lao Mưng còn nhiều thiếu thốn, chưa có điện, nước sinh hoạt để người dân sử dụng.

Hỏi, vì sao chính quyền địa phương không đầu tư đầy đủ cơ sở hạ tầng cho khu làng mới để ổn định cuộc sống cho các hộ dân tái định cư? Ông Thiên giải thích rằng, xã Phước Xuân mới được thành lập và không thuộc diện 135, mà chỉ hưởng lợi từ dự án OPEC nên nguồn vốn đầu tư không nằm trong danh mục ưu tiên như các xã khác trong huyện. Từ đó, kinh phí đầu tư cũng có hạn…

Nhằm tháo gỡ vướng mắc, UBND huyện cũng đã nhiều lần có tờ trình gửi tỉnh xin được bổ sung xã Phước Xuân vào diện 135, song đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Qua kiểm tra việc đầu tư xây dựng làng mới Lao Mưng, ông Phạm Thế Quyền, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn đã chỉ đạo Phòng Dân tộc huyện thu hồi số tiền 30 triệu đồng đã chi trợ cấp cho 15 hộ dân không thuộc đối tượng dự án giãn dân nộp vào ngân sách trước ngày 30/7...

Qua đó yêu cầu lãnh đạo Phòng Dân tộc kiểm điểm trách nhiệm trong quá trình điều hành, quản lý trong 2 năm 2005-2006. Tất cả các cuộc kiểm tra, thanh tra đều có chung kết luận: Việc đầu tư xây dựng làng Lao Mưng mới tốn kém tiền của Nhà nước nhưng không hiệu quả là do khâu lập dự toán, kế hoạch theo kiểu chắp vá, thiếu đồng bộ.

Đây cũng là một bài học đắt giá cho các huyện miền núi nói chung trong quá trình đầu tư xây dựng, để góp phần ổn định và phát triển đời sống, sinh hoạt cho đồng bào còn nhiều khó khăn, thiếu thốn…

Long Vân
.
.
.