Làng nghề trồng lá dong vào Tết

Thứ Bảy, 29/01/2011, 16:10
Những ngày này người dân làng Tuấn Dị, xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm, Hưng Yên lại ăn ngủ bên những vườn dong nhà mình để sẵn sàng có những bó lá dong đẹp, đều tăm tắp, tươi mới, xuất đi khắp nơi. Phải tới ngày 30 Tết, người nông dân ở đây mới được sắp xếp công việc để đi sắm Tết.

Làng nghề truyền thống

Đến làng Tuấn Dị (Văn Lâm, Hưng Yên), làng truyền thống trồng lá dong quê cách Hà Nội khoảng 20km, trong những ngày này không khí nơi đây thật náo nhiệt. Từ chợ Đường Cái sầm uất, chúng tôi đã thấy cổng làng Tuấn Dị nằm ẩn nấp sau lớp nhà cao tầng ngoài mặt phố, trên đường làng các ôtô lớn nhỏ xếp hàng dài chờ những chuyến lá dong đi khắp nơi.

Đi sâu vào trong làng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì khung cảnh nhà dân nơi đây, nhà nào nhà nấy cũng "lọt thỏm" trong những vườn dong xanh mướt, cao ngập đầu người, mát rượi dưới những tán sấu cổ thụ. Lá dong nay đã vào mùa, các cây cao vút cho lá xanh mơn mởn, trong vườn thấp thoáng bóng dáng người cắt lá với đôi tay thoăn thoắt, rộn rã tiếng nói cười. Lá dong ở Tuấn Dị còn được gọi là lá dong quê, lá dong sạch, nó có nhiều ưu điểm hơn hẳn lá dong rừng vì bầu lá to và rộng, lá mỏng nhưng dai không giòn như lá dong rừng, với một màu xanh óng ả. Gói bánh bằng loại lá này, bánh có màu xanh tự nhiên, thơm rền, không dễ bị ôi thiu.

Theo các bậc cao niên trong làng thì lá dong đã được trồng ở đây từ rất lâu và qua năm này đến năm khác, dân làng vẫn bám trụ với nghề, không thay đổi trồng những cây khác. Trưởng thôn Khương Văn Khoái cho biết: "Lá dong quê Tuấn Dị nổi tiếng không chỉ ở đất Hưng Yên mà còn được mang đi tiêu thụ khắp các tỉnh lân cận và đã được xuất ngoại. Hiện nay trong làng có 600 hộ dân thì khoảng 60% các hộ làm nghề trồng lá dong, với tổng diện tích gần 300ha. Các hộ không chỉ trồng tại vườn nhà mà hầu hết ruộng ở đây cũng chuyển sang trồng loại cây này".

Lá dong được phân loại để bán cho khách.

Lá dong quê Tuấn Dị được những ưu điểm như trên là do phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây. Nhiều người đã đến đây mua giống về trồng nhưng cây cũng không cho năng suất chất lượng bằng. Loại cây này cũng dễ trồng và không khó chăm sóc. Chỉ cần ươm một lần là chăm bón và thu hoạch lâu  năm. Cây ưa bóng râm nên bà con nơi đây tận dụng trồng xen với chuối, hay trồng trong vườn dưới những tán sấu. Cây trồng này cho thu hoạch cả năm, cứ hàng tháng bà con lại đi dọn chân lá một lần, đến tầm tháng 9 là ngưng cắt, chăm thúc cây cho lá to và đẹp để phục vụ mùa Tết. Sau khi thu hoạch, cây được loại bỏ hết phần lá thừa và cuống, bón phân, phủ trấu và tưới nước giữ ẩm.

Cuộc sống sung túc nhờ lá dong

Nghề trồng lá dong cho thu nhập chính ở vùng quê này, nhờ cây dong mà cuộc sống của họ sung túc, ổn định hơn nên bà con luôn bám lấy đất, gắn bó với cây dong, tiếp tục gìn giữ và phát triển làng nghề.

Tìm đến nhà cô Đỗ Thị Bình, một hộ được coi là "đại gia lá dong quê", điều ấn tượng với chúng tôi đó là, nhà cô như một cái chợ nhỏ, người ra người vào khuân vác lá, toàn bộ khu vực sân lá được bày la liệt để qua khâu phân loại và tuyển chọn.

Cô Bình vừa ngồi xếp lá vừa nói chuyện với chúng tôi: "Nhà cô có 7 sào tổng cộng cả ruộng và vườn, trong vòng 10 ngày bán lá Tết thu hoạch được 20 triệu đến 30 triệu, nhờ có nghề này cuộc sống dân nơi đây cũng khấm khá hơn. Mỗi một ngày xuất đi khoảng 5.000 đến 6.000 lá. Năm nay, cây dong cho lá đẹp nên bán được giá, lá "lọc" giá 100 nghìn/100 lá, lá nhỏ các loại giá từ 50 đến 70 nghìn/100 lá.

Cứ đến dịp này, vườn dong nhà nào cũng tấp nập người đến mua buôn, mua lẻ, nhà cắt lá không xuể, cô bán đứt cho lái buôn một sào với giá 8 triệu đồng". Lá dong là cây dễ trồng, dễ chăm, cho thu hoạch ổn định, không phụ thuộc vào thời tiết nhiều.

Người dân nơi đây đón những cái tết sớm nhất và cũng là muộn nhất. Lá dong được cắt và xuất hàng từ 18 tháng Chạp cho đến tận 30 Tết mới hết khách. Lúc đó, dân làng mới lục đục đi sắm Tết cho gia đình mình. Khách mua buôn đến rất đông, lá dong Tuấn Dị được thu mua rồi phân phối đến các chợ tại Hưng Yên, Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh… còn sang tận Nga, Đức và các nước Đông Âu khác để phục vụ bà con Việt kiều.

Nhà cô Nguyễn Thị Vân năm nào cũng có lá xuất cách đây cả hàng tháng để phục vụ cho bà con nước ngoài gói bánh đón Tết dương lịch. Cô chia sẻ: "Lá được chuẩn bị rất kĩ càng, cho xuất ngoại lâu ngày mà không hỏng cũng phải có những bí quyết gia truyền. Lá phải được cắt dài cuống, bó thật chặt, không nhúng qua nước mới tươi lâu và bền được".

Hỏi chuyện cô Chu Thị Tuyến, một lái buôn có thâm niên trong làng, cô cho biết: "Nghề chính của cô không phải buôn lá dong, nhưng cứ đến độ giáp Tết, cô lại thu xếp công việc chính, xắn tay vào đi cắt lá, thu mua lá của bà con để chuyển lên Hà Nội. Mỗi lần có xe về, lá dong của cô xuất đi hàng vạn". Chỉ vào đống lá xếp ở sân nhà cô Bình, cô cười nói: "Chuyến này đi là 3 vạn lá, lá này dành trọn cho cửa hàng gói bánh chưng gia truyền Bà Tân, ở Đội Cấn, Hà Nội…".

Chia sẻ với chúng tôi về cách để chọn được những lá dong đẹp, cô Tuyến nhiệt tình: "Nhìn lá mỏng màu lá không được quá thẫm, hay quá vàng, sờ mướt tay, không bị xén mép, bề ngang tầm 25cm là lá loại đẹp thuộc loại tốp một…".

Rời làng Tuấn Dị vào lúc xế chiều, những chiếc xe vẫn tấp nập hối hả vào làng nhập hàng. Thấp thoáng trong vườn dong xanh mướt, nụ cười giòn tan của những người nông dân cần cù, gắn bó với đất, với cây lá dong đã từ rất lâu báo hiệu một năm lá dong được mùa no đủ

Thanh Hòa
.
.
.