Bát nháo thị trường rượu:

Làng nghề “quốc lủi” và trăn trở thương hiệu rượu Việt?

Thứ Ba, 24/12/2013, 13:18
Ở nước ta, mỗi tên đất, tên miền đều gắn với loại rượu đặc sản. Rượu đi vào thơ ca đậm đà, say đắm như: “Rượu làng Vân chẳng uống mà say, nhớ câu quan họ mơ ngày xa xôi”, “Rượu hũ làng Ngâu, bánh đúc trâu làng Tó”... Nước mình nhiều loại rượu nức tiếng là thế nhưng nếu ai đó hỏi, quốc tửu của nước ta là gì thì tôi cũng chẳng thể trả lời.
>> Bài 1: Rượu “Ta”, rượu “Tây” đâu cũng có...

Chẳng phải đấng nam nhi, yêu thích chất cay nồng của rượu, nhưng để kể về những tên rượu nổi tiếng nước Nam ta với tôi quá dễ: Xứ kinh Bắc có rượu làng Vân; Hà Nội có rượu làng Ngâu; trèo lên xứ núi có rượu Mẫu Sơn, Pắc Nặm, Bắc Hà; tiến vào miền Trung có rượu Bàu Đá; xích vào Nam Bộ có rượu Gò Đen...

Trăn trở thương hiệu rượu Việt

Tôi tìm đến PGS. TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam để có cuộc trao đổi về rượu. Theo ông Việt, rượu là thứ không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực không chỉ riêng ở nước ta. Trong đời sống hiện đại, thứ đồ uống có cồn này lại càng trở nên cần thiết. Cái quan trọng là uống thế nào, uống loại rượu nào để rượu đích thực là một sản phẩm văn hóa ẩm thực, chứ không phải là thứ gây tổn hại sức khỏe, tinh thần. Ở nước ta, rượu nấu theo cách thủ công đã có từ xa xưa. Cách nấu thủ công truyền thống này đã cho ra những sản phẩm rượu mang tính vùng, miền rất đặc trưng. Những loại rượu trứ danh của Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc như Sake, Mao Đài, Shochu... cũng đều có xuất phát điểm từ cách sản xuất thủ công. Hiện nay, nó phát triển thành sản xuất công nghiệp trên cơ sở tuân thủ quy trình công nghệ, có sự kiểm soát về chất lượng của Nhà nước.

Ở nước ta thì từ lâu đã hình thành các làng nghề nấu rượu với mỗi sản phẩm rượu có thương hiệu khác nhau. Thế nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là chúng ta chưa phát triển được loại rượu truyền thống danh tiếng nào thành quốc tửu. Chúng tôi được biết, trong số 120 thành viên của Hiệp hội Rượu - Bia - Nước giải khát Việt Nam, có khoảng 20 hội viên là nhà sản xuất rượu. Trong số 20 nhà sản xuất rượu này, chưa có nhà sản xuất nào hợp tác hay đỡ đầu cho một làng nghề rượu truyền thống.

Nấu rượu thủ công tại làng Yên Ngưu, xã Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội).

Không ai phủ nhận vai trò của rượu thủ công truyền thống. Và không ai dám chắc, với cách nấu thủ công như hiện nay, những độc tố có trong rượu như andehit, methanol đã bị loại trừ. Theo phương pháp thủ công, việc khử những độc tố này ngoài việc sử dụng phương pháp truyền thống như ngâm ủ trong chum, vại sành còn cách khác là hạ thổ. Thế nhưng hiện nay, việc này không phải ở đâu cũng thực hiện. Nếu sản xuất với số lượng nhiều, cần phải có quy trình khử độc tố trong rượu theo quy trình công nghiệp. Tiếp đến, phải được kiểm tra chất lượng, đóng gói, lưu hành. Tiếc rằng, việc làm này hiện mới manh nha, nhỏ lẻ.

Sáng 17/12, chúng tôi đến làng Yên Ngưu có tên nôm là làng Ngâu, xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội), nơi gắn liền với câu ca dao: “Rượu hũ làng Ngâu, bánh đúc trâu làng Tó” từ bấy lâu nay. Dịp Tết Nguyên đán cổ truyền đang cận kề, nhiều hộ gia đình ở đây tất bật với công việc nấu rượu để “xuất” cho người tiêu dùng. Ông Đỗ Văn Ấu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết, nghề nấu rượu thủ công của làng Yên Ngưu đã tồn tại từ rất lâu rồi. Mặc dù so với những năm trước đây, thị trường tiêu thụ rượu thủ công trên địa bàn đã giảm mạnh, song số hộ dân ở làng Yên Ngưu (xã Tam Hiệp) chuyên nấu rượu thủ công bán ra thị trường vẫn trên 100 hộ. Số rượu (rượu gạo, rượu hương cúc) tiêu thụ trong dịp Tết lên đến cả ngàn lít.

Để ngăn ngừa những nguy cơ liên quan đến rượu không đảm bảo chất lượng đe dọa sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng, thời gian qua, chính quyền địa phương luôn chủ động tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho bà con về những điều nên làm, những điều không nên làm trong quá trình chế xuất, tiêu thụ rượu. Tránh tình trạng vì tư lợi mà sản xuất rượu không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, gây nguy hại cho người sử dụng.

Theo đánh giá của Hiệp hội Rượu – Bia – Nước giải khát Việt Nam, mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 300 triệu lít rượu, tính trung bình mỗi người dân sử dụng 3 lít/năm, đây là mức sử dụng trung bình. Để người tiêu dùng được sử dụng rượu an toàn vừa là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, vừa là trách nhiệm của nhà sản xuất. Hiện nay, nguồn cung ứng rượu từ các nhà máy với sản phẩm có bao bì, nhãn mác, kiểm soát chất lượng mới chiếm một tỷ lệ nhỏ. Còn lại, chủ yếu rượu sản xuất thủ công được tiêu thụ trên thị trường rất mạnh dù không nhãn mác, không kiểm soát chất lượng, không địa chỉ sản xuất.

Đứng trước thực tế này, Nhà nước đã ban hành Nghị định 94/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về sản xuất, kinh doanh rượu, trong đó có quy định rượu sản xuất thủ công cũng phải được chính quyền cấp giấy phép sản xuất, lưu thông. Thế nhưng, sau khoảng 1 năm có hiệu lực, việc thực thi nghị định này chỉ mới đạt tỷ lệ khoảng 5%. Như vậy, việc kiểm soát chất lượng rượu còn chưa được thực hiện, nói chi đến việc phát triển thành thương hiệu rượu Việt một cách chính thống với đầy đủ các tiêu chí an toàn.

Chúng tôi được biết, hiện nay Bộ Công Thương đang có chương trình nghiên cứu, đánh giá, phát triển rượu địa phương. Nếu như những cái tên như rượu làng Vân, rượu Bắc Hà, rượu Bàu Đá... được sản xuất đảm bảo tiêu chí an toàn trên cơ sở vẫn lưu giữ được mùi, vị, màu sắc đặc trưng sẽ phát huy được cái gu riêng sẵn có. Khi đó, chúng ta sẽ có thương hiệu rượu Việt đầy tự hào.

Thương hiệu rượu uy tín - Ít ỏi và khổ vì bị làm nhái

Nếu là người tiêu dùng phía Bắc, khi được hỏi về thương hiệu rượu uy tín, nhiều người sẽ trả lời - Vodka Hà Nội. Đây vốn là một sản phẩm rượu made in Việt Nam do Công ty cổ phần Cồn rượu Hà Nội (Halico), một doanh nghiệp có từ thời Pháp sản xuất có uy tín và chiếm thị phần khá lớn trên thị trường. Xuất phát điểm của công ty này là sản xuất cồn, trong chiến tranh, đây còn là nơi sản xuất cồn y tế. Sau hòa bình, đặc biệt là từ khi đất nước phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường, công ty dần chuyển đổi mô hình sản xuất. Năm 2002, sản phẩm rượu Vodka Hà Nội ra đời và dần được thị trường ưa chuộng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, năm 2009, công ty này xây dựng nhà máy sản xuất ở Bắc Ninh với hệ thống chưng cất cồn thực phẩm công nghệ châu Âu 8 tháp, tách hoàn toàn độc tố. Nguyên liệu để sản xuất cồn thực phẩm là gạo. Trải qua quá trình xay, nghiền, nấu công nghiệp, đường hóa, lên men, chưng cất, tách thành phần tạp chất sẽ tạo thành cồn. Từ cồn, qua công nghiệp pha chế sẽ tạo thành rượu đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng.

Ông Vương Toàn, Giám đốc Công ty Halico cho biết, khi sản phẩm Vodka Hà Nội được ưa chuộng cũng đồng nghĩa với việc sản phẩm này bị làm nhái. Trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm có mẫu mã, màu sắc, nhãn hiệu na ná Vodka Hà Nội. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của công ty cũng như lòng tin của người tiêu dùng. Ông Toàn cũng nêu bất cập trong việc cấp chứng nhận bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hiện nay. Theo quy định hiện hành, trên nhãn mác hình ảnh không được giống nhau quá 1/3. Việc này dễ khiến người ta lách luật để cho ra những sản phẩm na ná về kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, hình ảnh.

Sự kiện “Rượu Nếp 29 Hà Nội” gây ngộ độc chết người những ngày qua đã làm xấu đi danh từ Hà Nội và ảnh hưởng đến Công ty Halico. Việc Công ty Rượu nếp 29 Hà Nội lấy chữ “Hà Nội” đặt tên cho sản phẩm của mình rất dễ gây nhầm lẫn với rượu của Công ty Halico. Đấy còn chưa kể, Công ty Halico cũng có sản phẩm “Rượu Nếp mới Hà Nội”. Nếu để sản phẩm “Rượu Nếp 29 Hà Nội” của Công ty Rượu nếp 29 Hà Nội cạnh “Rượu Nếp mới Hà Nội” sẽ thấy có sự tương đồng về kiểu dáng, màu sắc, tên gọi. Việc này rất dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Được biết, trước đây Công ty Rượu nếp 29 Hà Nội còn sử dụng kiểu dáng vỏ bình giống gần như tương đối với kiểu dáng của Công ty Halico. Sau khi Công ty Halico phản đối, công ty này mới có một chút thay đổi kiểu dáng sản phẩm.

Theo đánh giá của đại diện Công ty Halico, sau khi “Rượu Nếp 29 Hà Nội” gây chết người, sản phẩm rượu can, mà đặc biệt là “Rượu Nếp mới Hà Nội” giảm lượng tiêu thụ rõ rệt. Đây là hệ quả mà nhà sản xuất chân chính “lĩnh” phải từ việc làm vi phạm pháp luật của Công ty Rượu nếp 29 Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Trưởng phòng Kiểm tra chất lượng sản phẩm Công ty Halico cho biết, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, sau khi cơ quan chức năng cấp giấy phép sản xuất, giấy chứng nhận chất lượng, việc thường xuyên kiểm tra cũng phải được thực hiện. Phải làm chặt chẽ như vậy, nhà sản xuất mới liên tục tuân thủ các quy định về sản xuất, chất lượng sản phẩm.

Trở lại sự việc xảy ra với sản phẩm “Rượu Nếp 29 Hà Nội” để thấy rằng, Sở Công Thương, Sở Y tế đều cấp giấy phép sản xuất, kiểm định chất lượng. Thế nhưng, điều kiện sản xuất, chất lượng thật của sản phẩm khiến người ta ngỡ ngàng sau khi xảy ra sự cố chết người. Rượu thuộc nhóm hàng hóa Nhà nước hạn chế kinh doanh. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu phải có giấy phép. Quy định này được nêu rõ trong Nghị định 94/2012/NĐ-CP. Cũng theo Nghị định này, điều kiện để sản xuất rượu thủ công, rượu ở quy mô công nghiệp cũng được nêu rất rõ. Mặc dù có đủ cơ sở pháp lý, chế tài xử phạt, song tiếc rằng hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu ở nước ta vẫn còn hạn chế cần sớm được khắc phục

Cao Hồng - Trần Huy
.
.
.