Làng hến và làng cát "thủy chiến"

Thứ Bảy, 27/09/2008, 19:41
Thấy ghe làng cát sang khiêu khích, trai tráng làng hến kéo ra sông ném đá đuổi. Đến trưa, ghe cát rút lui. Làng hến tạm nghỉ nhưng cho phụ nữ ra sông canh giữ. Chiều, ghe làng cát lại xuất hiện, lần này có thêm hàng trăm người dân chạy bộ trên bờ yểm trợ. Phụ nữ làng hến thúc trống đình làng báo động, trai tráng làng hến lại kéo ra. Đá 2 bên ném qua ném lại như mưa, trống thúc ầm ĩ, cuộc "thủy chiến" kéo dài đến 17h…

Từ bao đời nay, người làng Tân Phú sống bằng nghề cào hến trên khoảng 30km dòng Trường Giang kéo dài từ Tam Kỳ đến Núi Thành.

7 năm lại đây, ở bên kia sông, đối diện với làng Tân Phú là làng Phú Tân (thuộc xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) xuất hiện một số ghe làm nghề hút cát. Những chiếc ghe này trọng tải từ 8 - 15m3/ghe, mỗi ngày đêm hút đến 4 - 5 chuyến cát/ghe. Dân làng hến ngạc nhiên khi thấy hến trên sông ngày một ít lần.

Sau tìm hiểu mới biết ở những nơi có ghe hút cát, đáy sông tự nhiên đã bị xáo trộn, làm mất môi trường sống của hến làm hến tự triệt tiêu dần. Dòng sông hến của dân Tân Phú bị thu hẹp lại mất 10km. Làng hến từ 150 ghe chỉ còn trên dưới 100 ghe bám nghề. Đời sống bà con khó khăn dần.

Trước thực trạng như vậy, dân làng hến họp thành lập tổ hến và bầu ông Võ Xuân Nhựt làm tổ trưởng, thống nhất với nhau viết đơn cầu cứu gửi đi khắp nơi.

Do không có cơ quan nào chịu quan tâm nên dân làng hến đã tự bảo vệ mình bằng cách ngày ngày cử người ra canh giữ dòng sông, cứ thấy ghe làng cát đến thì ra xô đuổi, chặt phá dây neo, ống hút cát của họ.

Những cuộc "thủy chiến" kinh hoàng!

Chuyện bên lấn, bên đuổi kéo dài nhiều năm trời, cho đến ngày 20/9. Sáng hôm đó dân làng hến phát hiện có một ghe làng cát đến hút cát. "Họ có ý khiêu khích khi hút xong không chạy về mà đổ lại cát xuống sông rồi hút tiếp" - ông Nhựt kể. Trai tráng cả làng Tân Phú kéo ra sông ném đá đuổi ghe cát. Cuộc đẩy đuổi kéo dài đến trưa. Ghe cát rút lui. Làng hến tạm nghỉ nhưng cho phụ nữ ra sông canh giữ.

14h, ghe làng cát lại xuất hiện, lần này có thêm hàng trăm người dân chạy bộ trên bờ yểm trợ. Phụ nữ làng hến thúc trống đình làng báo động, trai tráng làng hến lại kéo ra. Đá 2 bên ném qua ném lại như mưa, trống thúc ầm ĩ, cuộc "thủy chiến" kéo dài từ 14h đến 17h.

Sau cùng dân làng cát hết "đạn" quay ghe tháo chạy, dân làng hến đuổi theo, cuộc rượt đuổi hò hét làm vang động cả một khúc sông Trường Giang. Chỉ đến khi lực lượng Cảnh sát 113 xuất hiện thì dân làng cát đã bỏ ghe lên bờ tháo chạy…

Sự việc tạm lắng, cho đến đêm 22/9. Dân làng hến đang đi cào hến trên sông thì một toán thanh niên cởi trần tay cầm gậy gộc đi trên một chiếc ghe áp đến gặp đâu đánh đó.

Ông Nguyễn Văn Tự (43 tuổi) bị đánh 2 gậy vào người choáng váng rớt xuống sông, cũng may ông là dân sông nước từ nhỏ nên dù đau đớn, kiệt sức nhưng ông vẫn ngâm mình dưới sông, nằm sát lườn ghe trốn. Sau đó, 5 thanh niên nhảy qua ghe ông, xốc vợ ông - bà Trần Thị Học - đẩy luôn xuống nước.

Chiều 24/9, đi chăm sóc chồng tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam (ông Tự sau đó nhập viện), bà Học khóc mếu máo: Khi chúng vứt tôi xuống sông, trong túi tôi có 1,2 triệu đồng tiền tôi ứng sau 10 ngày bán hến, bị trôi đâu hết không còn một xu..!

Tại phòng số 2 và số 5 của Khoa ngoại chấn thương Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam, ngoài ông Tự, còn có 4 người dân làng hến bị cấp cứu vì bị đánh trong đêm 22/9. May mắn nhất là gia đình anh Trương Công Tề. Đêm đó cả gia đình - anh, vợ và đứa con 20 tháng tuổi - đều ở trên ghe.

Theo anh Tề, khi thấy ghe anh, số thanh niên này dùng đá ném tới tấp. Anh bị dính mấy cục nên đứng không vững rớt xuống sông. Chúng vẫn chưa chịu dừng tay mà ném tiếp vào vợ con anh.

Để bảo vệ đứa con, chị Tuyết choàng người che cho con, vì thế cả đầu, cả lưng chị hứng không biết bao nhiêu đá, gạch. Chưa đã, chúng còn nhảy lên ghe đập mấy gậy vào lưng chị.

Khi bọn chúng bỏ đi, anh Tề lên ghe tìm vợ con thì thấy vợ anh bất tỉnh, xung quanh người đầy gạch đá. Lúc này may mắn, đứa con anh nằm lọt trong lòng mẹ nên không hề hấn gì. Anh Tề vội đưa vợ vào bệnh viện cấp cứu. Chiều 24/9, tại bệnh viện chị Tuyết đã ngồi dậy được, nhưng vẻ mặt đầy nỗi kinh hoàng.

Rất cần có một cuộc hòa giải

Sau đêm 22, cả làng hến hoang mang, gần 70 ghe cào hến của dân làm nghề hến đêm phải bỏ nghề để tránh hậu họa có thể tiếp tục xảy ra. Hiện bà con chỉ biết trông chờ sự ra tay của các cơ quan chức năng.

Theo chúng tôi biết, Công an TP Tam Kỳ đã vào cuộc, tiếp xúc với  người dân làng hến đang nằm tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam để lấy lời khai.

Tuy nhiên, cội nguồn của những xô xát này là chuyện tranh chấp miếng cơm trên một dòng sông giữa làng cát và làng hến. Điều cốt lõi đó không thuộc phạm vi trách nhiệm của cơ quan Công an. Nó là vấn đề của 2 địa bàn - Tam Kỳ và Núi Thành, và cần có một Ban trọng tài hòa giải là UBND hai huyện Tam Kỳ và Núi Thành, tỉnh Quảng Nam đứng ra dàn xếp, giải quyết thấu tình đạt lý.

Nếu không sớm được giải quyết, chuyện tranh chấp giữa làng cát và làng hến sẽ ngày càng phức tạp và không loại trừ việc xảy ra án mạng

Lê Vũ
.
.
.