Làng "cõng hàng lậu" mất nghề

Thứ Bảy, 27/12/2008, 13:07
Một cán bộ thật thà: "Thực tế hoạt động buôn lậu diễn ra như hiện nay là chúng tôi mừng, hầu hết hàng hóa đều đi trên các xe ôtô, qua thẳng các trạm kiểm soát, người dân Lương Lễ nhờ đó mất nghề làm ăn, dần bỏ được cái nghề đầy vất vả, tai tiếng mà không mấy lợi lộc đó".

Làng Lương Lễ, xã Tân Hợp (Hướng Hóa, Quảng Trị) bị gắn thêm cái tên buồn - làng "cua rạm" từ cách đây hàng chục năm, khi hàng lậu bên kia sông Sê Pôn (Lào) đổ vào Lao Bảo (Hướng Hóa), người làng lũ lượt làm nghề cửu vạn cho các chủ hàng. Thế nhưng, những ngày giáp Tết năm nay người Lương Lễ buồn hơn cả tên "cua rạm" như nhát dao cứa vào lòng, khi không còn mấy chủ buôn chuyển hàng qua các trạm kiểm soát theo phương thức cũ!...

Dân chuyển hàng lậu, xã đi chăn bò và thành con nợ

Ông Trương Văn Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hợp vẫn chưa hết bức xúc khi cách đây hơn 3 tháng, cán bộ các ngành chức năng Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo (cổng B) bắt giữ một xe tải đang vận chuyển trái phép 26 con trâu, bò trên đường 9, đoạn qua khu vực cổng B, sau đó bàn giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hướng Hóa giữ, nhưng lãnh đạo huyện thông báo cho UBND xã đến Đội kiểm soát Hải quan (km47, cách cổng B chừng 300m) để nhận giữ bò!

"Xã sẽ không làm trái luật nếu lãnh đạo huyện không "điểm" thêm câu, số bò trên sẽ hỗ trợ các hộ nghèo của xã"- ông Đại bùi ngùi cho biết: "Đã vậy, khi chúng tôi kiểm kê số trâu, bò trên để nhận giữ thì phát hiện chỉ còn 10 con bò!".

Sau khi nhận giữ bò, UBND xã Tân Hợp làm hợp đồng thuê ông Dương Quốc Trinh, Trưởng thôn Lương Lễ chăm giữ với giá 50.000 đồng/con/ngày đêm. Đến ngày thứ 8, các chủ bò trả cho ông Trinh 4 triệu đồng tiền công chăm giữ với hy vọng các ngành chức năng ở Quảng Trị sẽ xử lý vụ việc theo cách, sau 15 ngày nuôi nhốt cách ly, tiêm vaccin phòng bệnh và không thấy dấu hiệu bệnh sẽ cho vận chuyển đi nơi khác.

Những năm trước, người Lương Lễ gùi gánh hàng lậu trên đường 9 tấp nập hơn nhiều lần so với hình ảnh này.

 
Tuy nhiên, đến gần 3 tháng kể từ ngày lãnh đạo huyện chỉ đạo UBND xã Tân Hợp nhận giữ bò, đã tổ chức bán đấu giá số bò trên với số tiền trên 58 triệu đồng. Trong khi đó, người nhận chăm giữ bò đòi tiền công theo thỏa thuận hợp đồng với UBND xã Tân Hợp.

Sau nhiều lần kiến nghị, lãnh đạo huyện chỉ đạo đơn vị chức năng phân bổ 19 triệu đồng cho xã để xã trả nợ tiền công thuê người chăm giữ bò! Song đến nay số tiền này vẫn chưa về đến xã! "Giá mà người dân Lương Lễ không chuyển số trâu, bò lậu này qua cổng B thì cán bộ xã chúng tôi đỡ khổ", ông Đại chợt nghiệm ra!

Cõng hàng ngoại vẫn cứ đói nghèo

Trong buổi làm việc với UBND xã Tân Hợp, một cán bộ ở đây (xin giấu tên), với khá nhiều bằng chứng cho chúng tôi biết năm 2008 có gần trăm xe tải vận chuyển trái phép số lượng lớn trâu, bò (nguồn gốc từ Thái Lan) trên đường 9 từ Lao Bảo về Đông Hà, hoặc ra Quảng Bình theo đường Hồ Chí Minh.

Trong đó số trâu, bò bị bắt giữ không qua các trạm kiểm soát, mà do các chủ buôn thuê người dắt qua các trạm này theo các đường tiểu mạch, chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Cũng như trâu, bò lậu, theo cán bộ này, năm 2008 có rất ít các chủ hàng lậu thuê người gùi cõng hàng qua các trạm kiểm soát.

Một số đơn vị chống buôn lậu ở Đông Hà thì cho biết thực tế năm 2008 hàng lậu qua các trạm kiểm soát trên đường 9 đổ về Đông Hà số lượng lớn hơn, các mặt hàng cũng phong phú hơn so với mọi năm. Riêng lực lượng Công an Quảng Trị đã bắt giữ tới hàng trăm vụ với giá trị các mặt hàng trên 9 tỷ đồng. 

Trong khi đó các lực lượng chống buôn lậu ở cổng B, trạm kiểm soát liên hợp, Đội kiểm soát Hải quan và tổ kiểm soát liên ngành, một mặt thừa nhận hoạt động buôn lậu năm 2008 trên đường 9 diễn biến phức tạp, một mặt tỏ ra "thông cảm" với những người làm nghề cửu vạn, chuyên gùi cõng hàng thuê. Theo các cán bộ này, số vụ hàng lậu bắt được vì thế bị hạn chế(?!).

Thực tế thì sao? Ông Trương Văn Đại, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hợp cho biết, xã có 5 thôn với 932 hộ dân, 3.736 nhân khẩu. Trong đó, thôn Lương Lễ 245 hộ, 981 khẩu, hầu hết bà con ở đây đều làm nghề cửu vạn cho các chủ buôn lậu.

Từ trước đến nay, chính quyền địa phương khuyến khích người dân phát triển sản xuất, làm ăn kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, nghề cửu vạn như liều thuốc phiện, khó dứt ra được.

Qua hàng chục năm gùi cõng, cuộc sống của người dân vẫn cứ nghèo. Hiện tại, cả xã có tới 66 hộ nghèo, trong đó 8 hộ nghèo phát sinh trong năm 2008. "Chúng tôi xét hộ nghèo theo chuẩn cũ, với thu nhập bình quân 200.000 đồng/người/tháng. Thực tế với thu nhập này thì đói chứ không phải nghèo", ông Đại ngậm ngùi.

Mong ước trái khoáy!

Ông Đại tâm sự, theo như thực tế hiện nay thì hoạt động buôn lậu vẫn cứ diễn ra ồ ạt trên đường 9. Điều mong muốn của lãnh đạo địa phương là các lực lượng chức năng không nên "thương" những "cua rạm" theo cái kiểu bao biện cũ rích ấy (dằn lòng lắm mỗi khi bắt bà con vì đó là nghề mưu sinh của họ!), mà phải ngăn chặn triệt để việc tiếp tay cho buôn lậu, có như vậy bà con mới nghĩ tới việc làm ăn chân chính, mới tập trung phát triển sản xuất theo hướng bền vững.

Một cán bộ cấp dưới của ông Đại thì thật thà: "Thực tế hoạt động buôn lậu diễn ra như hiện nay là chúng tôi mừng, hầu hết hàng hóa đều đi trên các xe ôtô, qua thẳng các trạm kiểm soát, người dân Lương Lễ nhờ đó mất nghề làm ăn, dần bỏ được cái nghề đầy vất vả, tai tiếng mà không mấy lợi lộc đó"

Phan Thanh Bình
.
.
.