"Làng cháy" ở Quảng Ninh

Thứ Ba, 17/10/2006, 08:46
Năm 2003, tại khu đất gần "Làng đại chất" cũng bị bốc cháy, mặt đất đỏ rực, đến độ bỏ bất kể thứ lá gì là cháy đen và thậm chí người dân thử lấy 1 siêu nước đặt gần khu vực này, chỉ vài chục phút sau, nước sôi lên ùng ục.

Chúng tôi gọi “Làng địa chất” là gọi theo tên cũ những năm 80 của tổ 76 - khu Thống Nhất, phường Cẩm Tây, thị xã Cẩm Phả bây giờ. Hiện tại, làng có vẻn vẹn 51 hộ gia đình với 146 nhân khẩu, nằm quần tụ phía Tây đồi 908, trên diện tích hơn 3 ngàn m2 là nơi đất thải cho khu công nghiệp khai thác than.

Năm 1967, Đoàn địa chất 908 (thuộc Liên đoàn Địa chất số 9) lấy bãi thải làm nơi "đóng quân" để tiến hành công việc thăm dò địa chất khu vực Cẩm Phả. Lúc đầu, có khoảng hơn 100 cán bộ, công nhân viên, hình thành 10 gia đình trú ngụ. Năm 1991, Đoàn địa chất 908 chuyển xuống Cọc 3 bàn giao địa điểm cho Xí nghiệp Than Đông Bắc.

Hàng chục gia đình mới được xây dựng và gắn bó với nghề khai thác than để sinh sống. Cũng từ những năm này, do nhu cầu của cuộc sống dân sự, phường Cẩm Tây (thị xã Cẩm Phả) "biên chế" thêm một tổ dân cư 76 - khu Thống Nhất cho đến khi đã phát triển 51 hộ gia đình như hiện nay.

Tuy nhiên, có một điều mà rất ít người biết đến là các gia đình ở đây phải sống và tồn tại trong "thử thách" với lửa đang âm ỉ cháy trong lòng đất. Nhiều người già trong phường Cẩm Tây đặt cho tổ dân cư 76 là "Làng cháy". Ngày 14/10, khi chúng tôi về "Làng cháy", nhìn bề ngoài, cuộc sống có vẻ vẫn "an bình". Khu "làng" cư ngụ rất ít cây xanh. Nằm ở độ cao 15m so với mặt nước biển, Đồi 908 vẫn hằn lên những vết loang màu xanh xen lẫn màu vàng úa, đen cháy như than.

Tổ trưởng tổ 76, Hoàng Trọng Bá dẫn chúng tôi đi vòng quanh "làng", đến nhiều gia đình và được chứng kiến trong vườn một số hộ lửa vẫn cháy từ lòng đất, phất phơ khói. Đầu tiên là gia đình anh Trần Đình Phương. Cách đây vài tháng, không chịu nổi sức nóng cháy từ dưới bốc lên, làm nứt cả tường rào khét lẹt mùi khói, anh Phương đã tự chuyển toàn bộ gia đình về sống nhờ người thân trong thị xã Cẩm Phả. Chúng tôi không dám bước tới gần lỗ nẻ đang cháy ở khu vực nhà này, mà sang nhà hàng xóm là gia đình chị Nguyễn Thị Thảo (46 tuổi).

Một căn hộ cấp 4, trên diện tích gần 20m2, chia làm 2 phòng. Chị Thảo hiện chỉ có 2 mẹ con ở lại đây. Vì gian phía ngoài nhờ gần cửa, thoáng gió nên nhiệt độ có thể "tạm nghỉ" được. Phòng phía trong, kín gió, đã là mùa thu mà hơi nóng bốc lên hầm hập, đành phải bỏ không.

Chúng tôi thử vào căn phòng này, song chỉ hơn 10 phút mồ hôi vã ra không thể chịu nổi phải bước ra. Hỏi chị Thảo, tại sao nguy hiểm như thế này mà chị vẫn sống ở đây? Cực chẳng đã và cũng không còn nơi nào khác sống nhờ vả được, đành phải sống vậy - chị Thảo trả lời. Cũng trong tình trạng "nguy hiểm" như nhà chị Thảo còn có 4 gia đình khác mà mới chỉ có 2 gia đình phải chuyển chỗ ở là gia đình anh Nguyễn Văn Tùng và Trần Đình Phương. Các gia đình khác vẫn "nguyên vị" tồn tại vậy(?!).

Gia đình bác Đào Văn Định (67 tuổi) được coi gia đình sống lâu nhất ở "Làng cháy". Vốn cả hai vợ chồng đều là cán bộ Đoàn Địa chất 908 và ngày đoàn địa chất đặt chân lên đây thì cũng là lúc gia đình bác chính thức "định cư". Năm 1990, hai vợ chồng bác Định về hưu. Trong số 6 người con, người nào trưởng thành đều tự lập nghiệp nơi khác. Hiện nay, duy nhất trong gia đình chỉ còn hai vợ chồng và cậu con trai út đang đi học còn ở lại.

Bác Bùi Đình Giáp - Khu trưởng khu Thống Nhất, cũng sống ở "Làng cháy" mấy chục năm nay, nói rất cụ thể, năm 2002 tại vườn gia đình bà Nguyễn Thị Bường đột nhiên bốc khói mù mịt, tất cả cây cối cháy trụi. Chính quyền phường Cẩm Tây phải báo lực lượng chữa cháy Công ty Than Thống Nhất và Công an tỉnh chữa cháy. Mấy ngày liền mới "làm nguội" mặt đất.

Năm 2003, tại khu đất gần khu dân cư cũng bị bốc cháy, mặt đất đỏ rực, đến độ bỏ bất kể thứ lá gì là cháy đen và thậm chí người dân thử lấy 1 siêu nước đặt gần khu vực này, chỉ vài chục phút sau, nước sôi lên ùng ục. Chính quyền báo cho Trung tâm cấp cứu mỏ và Công an tỉnh về chữa cháy. Phương án đào hầm, bơm nước từ xa, xả vào chỗ cháy trong 3 ngày, rồi 10 ngày nhưng vẫn không dập được cháy. Tự nhiên, đến vài tháng sau nhiệt độ nguội dần. Năm 2004, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đặt phương án di dời 19 hộ dân gần đó để tránh hậu họa và giao cho Công ty cổ phần công nghiệp Cẩm Phả nghiên cứu, xây dựng các phương án phòng cháy, chữa cháy toàn khu vực Đồi 908.

Trở lại trao đổi về cuộc sống thực của các hộ gia đình tổ 76, Tổ trưởng Hoàng Trọng Bá không giấu giếm, trong số 51 hộ thì 50% gia đình cán bộ, viên chức, công nhân về hưu được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước, 50% gia đình còn lại sống nhờ vào nghề mót, nhặt than trong mỏ. Nhiều gia đình từ 3 đến 5 nhân khẩu, cuộc sống hàng ngày hoàn toàn phụ thuộc vào than rơi vãi. Ngày may mắn kiếm được 2 gánh than nhặt cũng chỉ bán lại được 40 - 50 ngàn đồng. Nhiều ngày chẳng có gì. Vì vậy, cuộc sống nói chung trong tổ đều thuộc diện nghèo.

Đề nghị mãi, tổ hiện nay chỉ được phường trợ cấp khó khăn thường xuyên cho 2 gia đình. Vừa nghèo khó, vừa phải nơm nớp sống trên "đống lửa", tai họa có thể đến bất kể lúc nào, nhưng sao các gia đình cứ phải "bám" nơi này? Chúng tôi hỏi. Anh Bá giải thích, gia đình nào cũng mong muốn di dời cả, nhưng không có điều kiện kinh tế, trong khi đó chính quyền, Nhà nước không trợ cấp đủ kinh phí làm nhà ở và công ăn việc làm.

Ví dụ, 19 hộ gia đình của những năm 2004, mỗi hộ chỉ được trợ giúp hơn 10 triệu đồng xây dựng nhà, thì làm sao các gia đình tự lo được. Chưa kể các gia đình đã quen mót, nhặt than rơi để nuôi sống gia đình, không biết nơi mới làm gì để sống. Vì vậy, hầu hết các gia đình nửa muốn di dời tránh hậu họa cháy, nửa muốn ở lại để duy trì cuộc sống. Trừ khi, Nhà nước có kế hoạch rõ ràng, phù hợp và tạo điều kiện cho các gia đình này tồn tại cho dù ở mức thấp nhất...

Đem vấn đề bức xúc của nhân dân tổ 76 trao đổi với Chủ tịch UBND thị xã Cẩm Phả Đỗ Minh Tuấn, chúng tôi nhận được sự giải thích, đây quả là vấn đề lớn còn tồn tại ở thị xã Cẩm Phả. Trước hiện tượng cháy thường xuyên ở Đồi 908 thật là mối hiểm họa khó lường. Trước mắt, thị xã đã có đề án xây dựng bức tường ngăn khu vực bãi thải và khu dân cư nhiều tỷ đồng, tỉnh đã phê duyệt và đầu năm 2007 tổ chức thực hiện. Song, đề án đó chỉ là "chữa cháy" tức thời. Giải quyết di dời và xử lý sự "cháy" trong lòng đất Đồi 908 phải có sự can thiệp quốc gia.

Được biết, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có báo cáo Trung ương, nhưng chưa được đặt vấn đề này thành vấn đề "nóng" để giải quyết sớm. Nguyện vọng của nhân dân cũng đang rất bức xúc chờ đợi và họ phải sống âm thầm "trên đống lửa" mà hiểm họa thật khó lường. Thiết nghĩ, sự quan tâm của Nhà nước là cần thiết. Có lẽ, trước mắt tỉnh Quảng Ninh tập trung giải quyết những vấn đề cụ thể để giúp dân...

Mạnh Hừng
.
.
.