Làng bảo vệ môi trường

Thứ Hai, 19/04/2010, 17:58
Từ năm 1999 đến nay, chương trình bảo vệ môi trường của làng Chiếc Bi, xã Thủy Tân, phường Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế đã được thực hiện đều đặn hàng tháng. Với 12 điều quy định về các hành vi bảo vệ môi trường trong đời sống hằng ngày, người dân cứ dựa vào đó mà thực hiện để "ghi điểm" gia đình văn hóa.

Không xả rác và đổ nước bẩn bừa bãi trong vườn nhà cũng như nơi công cộng, nuôi gia súc, gia cầm, chuồng trại phải cách xa đường và không xả nước thải ra đường. Hạn chế sử dụng túi nilon, nhựa, lon sắt… Chai thuốc sâu sau khi sử dụng không vứt bừa bãi ngoài đồng. Mỗi tháng 2 lần, người dân làng Chiếc Bi lại tổ chức dọn vệ sinh khắp đường làng, ngõ xóm. Đó là cách bảo vệ môi trường được thực hiện hơn mười năm qua ở làng Chiếc Bi, xã Thủy Tân, phường Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế.

"Thói quen vứt xác động vật nuôi như heo, vịt, gà bị chết ra đồng, vì quan niệm nếu chôn xuống đất thì sau khó nuôi, ông cha tui từ trước tới ni cũng làm rứa có chi mô" - cách nghĩ đó đã thay đổi khi làng bắt tay vào bảo vệ môi trường.

Theo chân ông Lương Quang Hiếu, Trưởng thôn Chiếc Bi, chúng tôi được thị sát môi trường chung và trong từng hộ dân. Những con đường, ngõ, kiệt của làng tất cả đều được vệ sinh sạch sẽ. Ông Hiếu cho biết, từ năm 1999 đến nay, chương trình bảo vệ môi trường của làng đã được thực hiện đều đặn hàng tháng. Toàn thôn có 241 hộ, 810 nhân khẩu. Mỗi hộ dân trong làng đều có một bản quy ước về bảo vệ môi trường của làng do những người dân trong những cuộc họp làng bàn bạc, đề xuất. Với 12 điều quy định về các hành vi  bảo vệ môi trường trong đời sống hằng ngày, người dân cứ dựa vào đó mà thực hiện để "ghi điểm" gia đình văn hóa.

"Mình làm những điều không có gì xa xôi với bà con, mà việc làm rất đơn giản, bình thường, dễ thực hiện - ông Hiếu cho biết - Không được phóng uế, xả rác và đổ nước bẩn bừa bãi trong vườn nhà cũng như nơi công cộng gây ảnh hưởng đến cảnh quan và môi trường xung quanh. Các gia đình nuôi gia súc, gia cầm, chuồng trại phải cách xa đường và không được làm chuồng trại, xả nước thải ra đường. Các gia đình hạn chế sử dụng bao bì khó phân hủy như nilon, nhựa, lon sắt… để giảm thiểu rác cho làng".

Anh Nguyễn Văn Khánh đang đi phun thuốc sâu về mồ hôi ướt đẫm áo, những chai thuốc sâu nằm lăn lóc trong giỏ xách. Thấy chúng tôi nhìn vẻ thắc mắc, anh nói ngay: "Trở thành thói quen rồi, chai thuốc sâu sau khi sử dụng, được mang về để đúng nơi quy định để không gây ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước...".

Dọc đường làng, những người phụ nữ đi chợ về, mang bên cạnh mình những chiếc giỏ xách đầy hàng hóa. Chị Đỗ Thị Lý cho biết: "Từ ngày có quy ước về bảo vệ môi trường của làng, thói quen dùng túi nilon dần dần được thay thế bằng những chiếc làn, chiếc giỏ tre vừa xinh xắn vừa tiện lợi, vừa bảo vệ môi trường. Nhờ đó mà rác thải nilon ở làng gần như không còn"

Nguyên Hùng
.
.
.