Làng “5 không” bên thượng nguồn sông Gianh

Thứ Sáu, 27/06/2008, 15:46

Lạc Hóa (Mai Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) nằm biệt lập trên nhánh sông thượng nguồn sông Gianh, nơi chưa mưa đã lụt còn nắng thì gay gắt cháy cả ruộng đồng. Lạc Hóa còn là nơi duy nhất ở Quảng Bình còn phải chịu cảnh "5 không", không điện, đường, trường, trạm và không có chợ.

Những thiếu thốn luôn hiện hữu như vậy, cái nghèo vẫn luôn đeo đẳng, song người dân nơi đây vẫn miệt mài để con trẻ học chữ với suy nghĩ "hy sinh đời bố để củng cố đời con".

Làng "5 không"

Lạc Hóa nằm lọt thỏm giữa ba bề bốn bên là núi và sông. Làng thanh bình, yên ắng đến lạ. Đường vào làng duy nhất là con đường mòn toàn đá men theo triền núi do người dân đi lại lâu ngày mà thành đường.

Gặp cánh nhà báo, bắt tay cái rụp, Trưởng thôn Nguyễn Văn Cảnh phân bua: "Nghèo lắm, làng có hơn 4ha đất lúa, 3ha đất màu trồng khoai, sắn, ngô, đậu… nhưng trận lụt lịch sử năm vừa rồi đã cướp đi mất 1ha, nên giờ chia lại ruộng đất cho bà con khó lắm. Nhiều người nhận được miếng đất trồng lúa chưa bằng cái sân gạch dưới xuôi nên họ bỏ luôn. Thiếu đất nông nghiệp thì chuyển qua nuôi ong, nhưng vì nuôi ong tự nhiên nên sản lượng mật cũng chẳng ăn thua. Do vậy, mỗi khi cứ đến mùa đói giáp hạt là bà con Lạc Hóa lại rủ nhau vào rừng đào củ khắc (một loại cây rừng để làm thuốc bắc) bán cho thương lái dưới xuôi".

Ngày chúng tôi có mặt ở Lạc Hóa, làng vắng tanh vì hầu hết người dân đã vào rừng để đào củ khắc. Trưởng thôn Cảnh cho biết thêm, hiện tại Lạc Hóa không có đường, không trường, không trạm, không chợ và điện cũng không nốt thì dựa vào gì để mà dân thoát nghèo được! Khó khăn vậy nhưng Lạc Hóa lại không được hưởng chính sách ưu tiên gì, ngay cả Chương trình 135 cũng chưa đến được vùng đất nghèo này(?).

Khắc chữ lên đá để học

Khó khăn vẫn chồng chất nhưng dứt khoát phải cho con cái đến trường học chữ, đó là tâm lý chung của người dân nơi đây. Ngày em Lê Thị Hiền trong làng nhận giấy báo vào đại học trở thành ngày hội của làng. "Đại học ở đâu thì nhiều, còn giữa vùng đất toàn đá vôi, đá tai mèo dựng đứng này mà có đứa vào đại học thì đúng là sự kiện lớn. Không chừng sau này dễ được ghi vào lịch sử làng ấy chứ", một người dân nói vui.

Là giáo viên THPT, Hiền trở thành gương sáng về chí học tập cho con em trong làng noi theo. Nhờ đó, năm học qua, Lạc Hóa có 21 học sinh các cấp, trong đó THCS có 13 em và 2 em đang học THPT.

Để đến được trường tiểu học, học sinh nơi đây phải băng rừng, lội suối gần 10km. Đi học về dọc đường gặp lũ phải ở lại trong hang đá hai, ba ngày là chuyện thường của học trò nơi đây. Vì vậy chúng tôi mới bắt gặp được nhiều hình ảnh thật cảm động, khi trên nhiều vách hang đá là những bài toán, câu văn của học trò còn làm dở.

Anh Đậu Đình Hùng, cán bộ phụ trách văn hoá - xã hội xã Mai Hóa cho biết: "Do cách trở đường sá nên học sinh Lạc Hóa kiếm được cái chữ cực lắm. Nhất là vào lúc mưa gió, rét mướt. Song người dân nơi đây thường bấm bụng bảo nhau: hy sinh đời bố để củng cố đời con, mà không có gì củng cố chắc nhất bằng việc học".

Đêm khuya, tôi đáng ngái ngủ thì nghe tiếng người làng hú gọi nhau, bán tín bán nghi nhưng nỗi sợ thì đã choán ngợp lấy tôi. "Nhà báo có đi xem cái bóng đá thì dậy đi", tiếng anh Hoàng (nhà tôi ở nhờ) phía sau liếp cửa nói vọng ra. Euro 2008. Cả thôn có 2 cái tivi đen trắng dùng bình ắc quy và ăngten thì treo tận cây cao nhất trong thôn.

Ông Loan, người được coi là có điều kiện kinh tế khá nhất thôn do biết làm thêm nghề phụ, chăn nuôi được đàn trâu bò mới tậu về một cái để xem Euro. Còn cái kia là của gia đình ông Cư, Bí thư Chi bộ. Còn hơn 30 phút nữa trận bán kết Đức và Thổ Nhĩ Kỳ mới diễn ra, song tiếng tranh luận tưởng chừng trận đấu đã ngã ngũ. Nhiều trẻ em, có cả người lớn đã ngủ say dưới sàn nhà khi trái bóng chưa lăn

Dương Sông Lam
.
.
.