Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách:

Làm rõ 12 vấn đề lớn trong Bộ luật Dân sự

Thứ Sáu, 18/02/2005, 07:20
Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần này dành 2 ngày đầu (16 và 17/2) để xem xét, cho ý kiến về Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Đây là bộ luật lớn, đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6. Điều đáng chú ý, đây cũng là thời điểm UBTV Quốc hội đang tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân đối với dự thảo Bộ luật (bắt đầu từ ngày 20/1/2005 đến hết ngày 20/3/2005).

"Trong hệ thống pháp luật của Nhà nước Việt Nam, Bộ luật Dân sự có vị trí đặc biệt quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội trong một lĩnh vực rộng lớn về giao lưu dân sự của cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác trong xã hội. Việc sửa đổi và thi hành Bộ luật này có liên quan và ảnh hưởng trực tiếp đến toàn xã hội và từng người dân" - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã nhấn mạnh như vậy.

12 vấn đề lớn tập trung thảo luận bao gồm: Phạm vi điều chỉnh của Bộ luật Dân sự; chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự; vấn đề hộ tịch; một số quyền nhân thân; các hình thức sở hữu; vấn đề hụi, họ; bồi thường thiệt hại do tính mạng, danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm; bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian họ được trường học, bệnh viện hoặc tổ chức khác trực tiếp quản lý; di sản thừa kế; quan hệ thừa kế giữa con riêng, bố dượng, mẹ kế; quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản từ người chiếm giữ ngay tình; về bán nhà ở đang còn cho thuê. Chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự là vấn đề đã được thảo luận nhiều tại kỳ họp thứ 6.

Tại phiên họp lần này, nhiều ý kiến tán thành với quy định của dự thảo: Không đưa tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự do loại chủ thể này khó xác định tư cách và trách nhiệm pháp lý. Còn hộ gia đình? Đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định) dứt khoát: "Hộ gia đình cần phải là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự nhưng có giới hạn. Hộ gia đình chỉ được tham gia vào giao dịch dân sự trong một số lĩnh vực cụ thể như quyền sử dụng đất…".

Nhưng trong hộ gia đình, ai là chủ hộ? Nếu con cái đủ 18 tuổi, trong trường hợp nào thì họ là chủ hộ? Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu nhận xét: "Theo truyền thống của dân tộc ta thì gia đình giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, điều này không chỉ thể hiện về huyết thống giữa các thành viên trong gia đình mà còn thể hiện ở mối quan hệ về tài sản chung của hộ gia đình do các thành viên cùng nhau tạo lập, quản lý, sử dụng và định đoạt. Thực tiễn cho thấy, hộ gia đình đã tham gia giao dịch trong nhiều quan hệ dân sự, trong đó chủ hộ thường là người đại diện. Vì vậy, cần xác định hộ gia đình là chủ thể quan hệ pháp luật dân sự".

Quyền nhân thân trong pháp luật dân sự được xem là vấn đề nhạy cảm. Chế định về việc hiến các bộ phận cơ thể người, hiến xác theo dự thảo Bộ luật Dân sự quy định trên nguyên tắc bảo đảm mục đích chữa bệnh nhân đạo hoặc nghiên cứu khoa học, loại trừ mục đích thương mại.

Đối với quyền xác định lại giới tính, nhiều ý kiến đại biểu chuyên trách cũng cho rằng, quy định trong Bộ luật Dân sự là cần thiết. "Thực tiễn thấy rằng, có khi hai người lấy nhau nhưng cả hai đều có vấn đề về giới tính, rồi họ sinh con nhưng người ta vẫn không xác định được ai là cha, ai là mẹ. Trong trường hợp đó cần phải xác định giới tính rõ ràng" - đại biểu Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) bày tỏ.

Dự thảo Bộ luật Dân sự cũng quy định rõ quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể. "Khi một người bị tai nạn, bệnh tật mà tính mạng bị đe dọa, thì người phát hiện có trách nhiệm đưa đến cơ sở y tế; các cơ sở y tế không được từ chối việc cứu chữa mà phải tận dụng mọi phương tiện, khả năng có thể để cứu chữa" - đây là nội dung được nhiều ý kiến đồng thuận, đặc biệt trong tình hình hiện nay, các yếu tố gây tai nạn, bệnh tật diễn biến phức tạp như tình hình tai nạn giao thông, tai nạn lao động.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng đóng góp nhiều ý kiến xung quanh các vấn đề lớn trong Bộ luật Dân sự

Phan Trường
.
.
.