Làm mẹ thời @

Chủ Nhật, 23/11/2008, 10:56
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đã phải lên tiếng cảnh báo về "hội chứng" lạm dụng máy xay sinh tố" của rất nhiều bà mẹ. Đó là cho tất cả các loại rau củ quả, gạo, thịt nạc, tôm cá… vào máy xay sinh tố để nấu thành một hỗn hợp xay nhuyễn cho trẻ ăn. Cách chế biến thức ăn này không những làm trẻ dần dần chán ăn, mà còn khiến trẻ chỉ biết nuốt thức ăn, gây bất lợi cho phát triển cơ hàm...
>> Chăm sóc trẻ bị tiêu chảy, ho, sốt vào mùa nóng / Vì sao nhiều trẻ em khỏe mạnh bị viêm não Nhật Bản nặng?

Một điều có vẻ như vô lý, hiện nay, các bà mẹ trẻ có nhiều kiến thức nuôi dưỡng trẻ hơn, điều kiện vật chất cũng tốt hơn hẳn so với trước đây, nhưng tỷ lệ trẻ bị biếng ăn lại có chiều hướng gia tăng. Số trẻ sinh ra trong các gia đình khá giả, cha mẹ có học vấn, nhưng vẫn bị suy dinh dưỡng thể thấp còi chiếm tỷ lệ đáng kể.

Lý giải của các chuyên gia cho thấy, nguyên nhân gây ra tình trạng này chính là sự chăm chút quá mức, thành ra phản khoa học của người lớn. Ngoài hậu quả dễ nhìn thấy là suy dinh dưỡng, cách nuôi dưỡng con trên cơ sở biết nhiều nhưng chưa hiểu đầy đủ, còn gây ra nhiều hậu quả về lâu dài cho sức khỏe về thể chất và tâm thần của trẻ.

Mẹ hiểu biết, con còi cọc

Tại Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, mỗi ngày có khoảng 150-200 trẻ tới khám, thì phần lớn là trẻ bị biếng ăn, kèm theo các triệu chứng suy dinh dưỡng, còi xương, rối loạn tiêu hóa, viêm đường hô hấp…

Theo nghiên cứu, có khoảng 5% trẻ em ngay khi sinh ra đã lười bú, nhưng đến lứa tuổi 2-3, tỷ lệ trẻ biếng ăn lại tăng lên tới 30-40%. Điều này đã một phần cho thấy, nguyên nhân gây biếng ăn thường ít do tự thân trẻ, mà do lỗi của người lớn.

Đưa trẻ đi khám tại Trung tâm tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh dưỡng quốc gia.

Trẻ chỉ ăn một lượng thức ăn nhỏ từng bữa như đĩa bột nhỏ hoặc nửa ly sữa, nhưng không khí bữa ăn thường rất căng thẳng. Ông bà, bố mẹ "làm trò" thu hút trẻ, "lừa" cho trẻ lạc hướng để đút thức ăn vào miệng, rồi dần chuyển sang thúc ép, quát mắng và cả đánh đòn nếu trẻ không chịu ăn, ăn chậm hay ăn không hết.

Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận nhiều phụ huynh tới phàn nàn về tình trạng con còi cọc, lười ăn.

Các bác sỹ yêu cầu phụ huynh mang bột, cháo ăn hằng ngày của trẻ đến để tìm nguyên nhân, thì nhận thấy có một "mẫu số chung" trong cách chế biến thức ăn của rất nhiều bà mẹ. Đó là cho tất cả các loại rau củ quả, gạo, thịt nạc, tôm cá… vào máy xay sinh tố để nấu thành một hỗn hợp xay nhuyễn cho trẻ ăn. Khi thử, cả bác sỹ và bà mẹ đều thừa nhận là loại cháo, bột tổng hợp này rất… khó ăn.

Thậm chí, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đã phải lên tiếng cảnh báo về "hội chứng" lạm dụng máy xay sinh tố". Cách chế biến thức ăn này không những làm trẻ dần dần chán ăn, không nhận biết được mùi vị từng loại thức ăn, mà còn khiến trẻ chỉ biết nuốt thức ăn, không có phản xạ nhai, gây bất lợi cho phát triển cơ hàm và việc ăn uống sau này.

Một điều đáng lo ngại nữa là nhiều bà mẹ thấy con lười ăn, thì thường tự ý cho trẻ uống thêm các gói men tiêu hóa có vị ngọt, thơm, dễ uống. Tuy nhiên, men tiêu hóa cũng là một loại thuốc, nếu dùng không theo chỉ dẫn của bác sỹ rất có thể sẽ gây hại cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ và làm trẻ càng biếng ăn hơn.

Chăm con quá, hóa… phản khoa học

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, tuy Viện chưa có thống kê cụ thể về đối tượng trẻ biếng ăn, nhưng tỷ lệ này đang có biểu hiện gia tăng ở số trẻ tới khám và tư vấn dinh dưỡng.

PGS.TS Nguyễn Thị Lâm đã chỉ ra những sai lầm phổ biến ở các gia đình, khiến trẻ trở nên biếng ăn. Nhiều khi, vì có điều kiện vật chất tốt hơn, các bà mẹ chăm chút con nhiều quá, ép trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng, phải ăn đủ số lượng quy định theo bữa,… lại gây phản khoa học.

Các bà mẹ thường quá chú trọng tìm mua đủ các loại thực phẩm bổ dưỡng và tìm mọi cách cho trẻ ăn đủ lượng nhất định cho mỗi bữa ăn, mà quên đi cách dạy cho trẻ làm quen với món ăn, hứng thú với ăn uống, khẩu vị riêng của từng trẻ, cách chế biến món ăn phù hợp, tình trạng sức khỏe của trẻ ở từng thời điểm…

Trẻ được người lớn chiều chuộng, săn sóc tới từng miếng ăn giấc ngủ, nhưng lại không được ăn uống theo sở thích, không thấy hứng thú, thoải mái với bữa ăn và dần dần có tâm lý sợ ăn, tìm cách chây ì, quấy khóc, bỏ trốn và không chịu ăn.

Công thức chế biến lặp đi lặp lại gồm gạo xay, khoai tây, cà rốt, các loại đậu, nấu với thịt nạc hoặc tôm cá và nước hầm xương cũng khiến trẻ chán ăn...

Bên cạnh đó, trẻ không chịu ăn uống rất có thể là dấu hiệu trẻ bị mắc bệnh thực thể như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, sốt nhiễm trùng, cảm cúm, lao sơ nhiễm, nhiễm sán lãi... Nếu như vậy, ép trẻ ăn là việc rất khó khăn, gây bệnh nặng hơn và suy dinh dưỡng khi trẻ khỏi bệnh.

Kém ăn còn có thể là do trẻ bị thiếu các chất lysin, protein, kẽm, kali, magie..., do đó các bậc cha mẹ rất cần khám, tư vấn và tìm hiểu kiến thức dinh dưỡng để có cách nuôi dưỡng phù hợp với từng trẻ. Với trẻ biếng ăn, ngoài hậu quả rất dễ nhìn thấy là suy dinh dưỡng (thiếu cân nặng, chiều cao), về lâu dài, trẻ có thể bị suy giảm hệ miễn dịch, rối loạn tăng trưởng, ảnh hưởng phát triển trí tuệ, tâm sinh lý, hình thành tính cách.

Do những hiểu biết còn hạn chế về dinh dưỡng trẻ em, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm cho biết, Tuần lễ tư vấn dinh dưỡng vì sức khỏe cộng đồng năm nay (diễn ra từ ngày 22 đến 29/11) do Viện Dinh dưỡng quốc gia phối hợp với Dutch Lady Việt Nam tổ chức sẽ tập trung vào đối tượng bà mẹ và trẻ em.

Tại đây, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm và các bác sỹ trẻ sẽ trực tiếp giải đáp các thắc mắc của cộng đồng và cách sử dụng, lựa chọn sản phẩm dinh dưỡng tốt nhất cho sức khỏe con người.

Theo các chuyên gia, muốn cho trẻ ăn ngon miệng, khỏi "bệnh lười ăn" thì cần tập cho trẻ biết ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để tạo thành thói quen ăn uống đa dạng khi lớn lên; tạo không khí thoải mái, vui vẻ, cho trẻ tập cầm, xúc thức ăn dù còn vụng về, coi bữa ăn như cuộc khám phá màu sắc, mùi vị của thức ăn; không nhất thiết phải ép trẻ ăn một lượng cố định theo từng bữa, nên chú ý các giai đoạn trẻ học kỹ năng mới như tập bò, tập đi hoặc bị ốm, trẻ có thể ăn ít hơn và sau đó trẻ sẽ ăn bù lại; không cho trẻ ăn vặt quá gần bữa chính; không trộn thuốc vào thức ăn hoặc dùng bữa ăn như phần thưởng, hình phạt, khiến trẻ nhận thức sai lệch, cảnh giác với thức ăn; tôn trọng và quan tâm đến khẩu vị riêng của trẻ

Thanh Loan
.
.
.