Làm lại những mảnh đời

Thứ Bảy, 28/11/2009, 15:06
Khi chúng tôi đến Cơ sở giáo dục Thanh Hà, Thượng úy Nguyễn Mạnh Cường, cán bộ quản giáo phân khu 3 đang cùng trại viên lăn lộn trên cánh đồng đang vào vụ đông. Các trại viên mỗi người một việc, người đẩy những xe đất lớn, người gánh nước cần mẫn tưới rau… nhuẫn nhuyễn như những người nông dân thực thụ. Ít ai biết rằng cách đây vài tháng, những cánh đồng này chỉ là vùng sỏi đá khô cằn, đến cỏ cũng khó bén rễ...
>>Ươm mầm thiện ở ngôi trường đặc biệt

Thấy chúng tôi, người đàn ông mặc chiếc áo cỏ úa, màu đặc trưng của trại viên Cơ sở giáo dục Thanh Hà cất tiếng chào rồi lại lúi húi tỉa các lùm cây thành những hàng vuông vắn. Đôi bàn tay đầy vết xăm trổ "dấu tích" của những ngày tháng "oanh liệt" ngoài xã hội, tỷ mỷ cắt từng cành lá mọc lòe xòe, tùy tiện... Người đàn ông đó cũng như các trại viên đang cải tạo tại nơi đây, họ là những người cả đời chỉ quen được bố mẹ nuông chiều, quen được ăn chơi…

Dạy phạm nhân biết trân trọng giá trị của lao động

Trại viên Nguyễn Ngọc Lan (tên đã thay đổi) sinh ra trong một gia đình hoàn thiện. Lan có bố là bác sỹ, mẹ là một công chức Nhà nước mẫn cán. Lan được thừa hưởng một sự giáo dục rất khoa học... Nhưng những người mang nặng đẻ đau rồi nuôi dưỡng Lan đã bất lực trước cậu " quý tử".

Trước khi vào Cơ sở giáo dục Thanh Hà, Lan từng có thời gian cải tạo tại Trại giam Phú Sơn. Lan được chuyển qua nhiều phân trại rồi cuối cùng được phân về Đội 4 của Cơ sở giáo dục Thanh Hà do quản giáo Nguyễn Mạnh Cường phụ trách.

Những ngày đầu, Lan ngấm ngầm sai khiến các trại viên khác thực hiện hành vi phá hoại. Cậu ta tìm mọi cách để chống đối, khi phân công công việc thì lấy lý do đau đầu, chóng mặt để thoái thác, thường xuyên không hoàn thành định mức của cán bộ giao và 3 lần vi phạm nội quy như đánh nhau, mua bán trao đổi hàng hóa và không chấp hành mệnh lệnh của cán bộ.

Lúc ấy quản giáo Cường băn khoăn lắm, nếu không xử lý được trường hợp của Lan thì sẽ tạo phản ứng xấu trong phân trại. Vậy là Thượng úy Cường chủ động gặp Lan. Tiếp xúc với những kẻ "cố cùng, liều thân" như Lan phải có bí quyết riêng. Lúc cán bộ giáo dục, Lan luôn miệng hứa sẽ thay đổi nhưng sau đó lại chứng nào tật đấy. Cứ đến giờ lao động là lượn lờ, chọn những việc nhẹ nhàng để làm còn lao động nặng thì tìm cách thoái thác... Thái độ côn đồ của Lan cũng khiến một số trại viên khác phải e sợ.

Trại viên ở Cơ sở giáo dục Thanh Hà được lao động, rèn giũa.

Gần hai tháng kiên trì nắm bắt tâm lý của Lan, Thượng úy Cường đã nắm được "điểm yếu" của trại viên này là rất yếu đuổi về tình cảm... Sự gần gũi phân tích, nhẹ nhàng, uốn nắn, sau đó gần 2 tháng, trại viên Lan mới chịu chấp hành kỷ luật của cơ sở giáo dục.

Khi chúng tôi đến, Thượng úy Nguyễn Mạnh Cường, cán bộ quản giáo phân khu 3 đang cùng trại viên lăn lộn trên cánh đồng đang vào vụ đông. Các trại viên mỗi người một việc, người đẩy những xe đất lớn, người gánh nước cần mẫn tưới rau… nhuẫn nhuyễn như những người nông dân thực thụ. Ít ai biết rằng cách đây vài tháng, những cánh đồng này chỉ là vùng sỏi đá khô cằn, đến cỏ cũng khó bén rễ...

Thượng úy Cường ví von công cuộc cải tạo đất ở nơi đây cũng như những vất vả thầm lặng của các anh trong việc giáo dục, hoàn thiện và cải tạo được một trại viên. Nếu thiếu một chút nhẫn nại, một cái tâm thì khó có thể làm được...

Bí quyết là cái tâm đối với nghề 

Trại viên ở Cơ sở giáo dục Thanh Hà từ các vùng miền khác nhau. Họ mang theo đủ mọi thói hư tật xấu với các tội danh ngoài xã hội như đánh vợ, chủi con, cờ bạc, rượu chè thậm chí là ngược đãi cha mẹ, côn đồ hung hãn và thói "anh chị" ngoài xã hội…

Thượng tá Vũ Hồng Khanh, Giám đốc Cơ sở giáo dục Thanh Hà kể lại : Trại viên có đủ mánh khóe đối phó với cán bộ quản giáo. Họ tìm cách hủy hoại thân thể, không chịu lao động. Có đối tượng do không lường trước được hậu quả đã dùng dây buộc vào cổ tay để phù nề nhằm tránh, lao động... Những cánh tay đó may mà được cán bộ quản giáo phát hiện kịp thời và cứu chữa trước khi có nguy cơ bị hoại tử hoặc tê liệt... Trại viên ở mọi lứa tuổi khác nhau, có người vào đây vì nghiện rượu, đêm không ngủ, ngày ngẩn ngơ thẫn thờ đi như vô định phải mất một thời gian dài mới có thể cai rượu hay trường hợp vào cơ sở thì lên cơn vật thuốc...

Mỗi cán bộ quản giáo đều có bí quyết riêng để giáo dục và cảm hóa những người đã một thời lầm lỗi. Các anh thuộc tính cách của từng người... Các trại viên được dạy từ lời ăn tiếng nói, đến nếp suy nghĩ. Khi trại viên ốm đau đều được các  bác sỹ và quản giáo chăm sóc nhiệt tình.

Có những trại viên khi rời Cơ sở giáo dục Thanh Hà đã tâm sự: Ở ngoài xã hội họ sống buông thả. Quãng thời gian học tập và cải tạo tại Cơ sở giáo dục Thanh Hà giúp họ suy ngẫm về những điều mình đã làm. Điều quan trọng là giúp họ có ý thức rằng nơi đây họ có điều kiện hoàn thiện về nhân cách, có cơ hội trở lại với gia đình và cộng đồng

Đưa vào cơ sở giáo dục là biện pháp xử lý hành chính nhằm giúp đỡ, giáo dục người vi phạm pháp luật có điều kiện học văn hóa, học nghề, lao động và sinh hoạt dưới sự quản lý của cơ sở giáo dục để sửa chữa lỗi lầm, sớm trở thành công dân lương thiện. Trại viên được học văn hóa để xóa mù chữ mỗi tuần 2 buổi, mỗi buổi trong 4 giờ, được học các chương trình giáo dục công dân mỗi tuần một buổi, được chăm sóc về sức khỏe... Việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục do Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định. Thời hạn áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục là từ sáu tháng đến hai năm.

Xuân Mai
.
.
.