Làm gì để thợ mỏ không chết trên mỏ than?

Thứ Ba, 15/04/2008, 18:20
Năm nào cũng vậy, tại vùng mỏ Quảng Ninh có ít nhất non nửa trăm thợ mỏ bị chết, thương tật nặng trong quá trình khai thác than. Mọi sự bức xúc đều tập trung vào thái độ, trách nhiệm của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) - đại loại "ông chủ" lớn nhất ngành Than này chỉ quan tâm đến sản lượng khai thác mà không đầu tư tương xứng cho công tác bảo hộ, an toàn lao động.

Sập lò, chuyện thường ngày ở... mỏ

Theo thống kê của chính TKV, riêng trong năm 2007, tại các mỏ, công trường thuộc ngành than đã xảy ra 32 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng. Trong đó chủ yếu là các vụ bục nước đường lò, sập lò. Chưa kể số người bị thương tật cũng đã có tới 40 người đã chết từ những vụ TNLĐ nêu trên.

Trước đó, năm 2006, số vụ TNLĐ và con số thương vong còn cao hơn nhiều. Có thời điểm, chỉ trong 1 tuần đã xảy ra liên tiếp 3 vụ sập lò, bục nước làm hàng chục người chết trong tình cảnh "sinh nghề tử nghiệp": Bị đất đá, than vùi lấp, bị nước cuốn trôi và ém xác trong ngóc ngách sâu thẳm các đường lò.

Thực tế cho thấy TKV luôn quan tâm đến việc bảo vệ sức khoẻ và tính mạng của thợ mỏ. Nhưng tai nạn vẫn cứ xảy ra theo những diễn biến rất khó lường. Vụ bục nước tại lò dọc vỉa than mức + 40 khu Quảng La - Xí nghiệp Than Hoành Bồ thuộc Công ty Than Hạ Long làm 2 công nhân thiệt mạng và vụ đổ lò trong khi chống xén thu hồi vì sắt tại lò thượng mức +131 đến +173 làm chết 3 công nhân diễn ra trong ngày 13/3/2007 xác định là đã không đối chiếu, khảo sát để tránh các đường lò cũ, bỏ hoang từ lâu.

Tai nạn và chết chóc từ các đường lò xảy ra thường xuyên, gần như một đặc điểm của nghề phu mỏ xa xưa vậy. TNLĐ cũng xảy ra như "cơm bữa" tại các lò than thổ phỉ đang ngày một nhiều trên khắp các vùng có than.

Trách nhiệm ngành Than?

Trước sự dồn dập xảy ra TNLĐ ở môi trường khai thác than, lần đầu tiên TKV đã nhìn nhận lại quá trình triển khai công tác an toàn lao động một cách rất nghiêm túc. Theo đó, nguyên nhân xảy ra nhiều TNLĐ là do nhận thức từ lãnh đạo đến công nhân chưa coi trọng về vấn đề này.

Cho dù khá nhiều vụ được xác định xảy ra do lỗi kỹ thuật nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về TKV vì đã không thực hiện đúng quy định về lập kế hoạch, kiểm tra, thẩm định, phê duyệt tài liệu kỹ thuật về kết cấu tự nhiên của hầm mỏ.

Trong đó chưa coi trọng tính quyết định của số liệu kỹ thuật trước khi tiến hành khai thác. Đặc biệt, lỗi nghiêm trọng thuộc về bộ phận điều hành trực tiếp tại khu vực sản xuất đã không tuân thủ đúng quy trình và để xảy ra mất an toàn lao động, TNLĐ.

Ngành Than cũng thừa nhận dù được đầu tư mua sắm trang bị khá nhiều thiết bị, phương tiện nhằm tăng cường khả năng an toàn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trong khi đó, đội ngũ công nhân tại các mỏ hiện nay đa phần xuất thân từ nông thôn, không có tác phong tuân thủ quy trình, quy phạm kỹ thuật và an toàn trong quá trình lao động.

Song, còn có một nguyên nhân khác không được TKV đề cập đến. Đó là kế hoạch, chỉ tiêu sản lượng khai thác than ngày càng tăng dữ dội so với trước đó. Theo các phân tích của giới chuyên môn, chính từ các chỉ tiêu sản lượng này đã tạo nên những áp lực từ trên xuống dưới khiến các đơn vị thành viên, các phân xưởng đã buộc phải rút ngắn quy trình kỹ thuật, lược bỏ những nguyên tắc về an toàn lao động nên TNLĐ nghiêm trọng xảy ra nhiều vào những thời điểm tương ứng.

Để có biện pháp khả thi

Theo chỉ đạo mới nhất của lãnh đạo TKV, trong năm 2008 này, tất cả các đơn vị thành viên phải tập trung cao độ các mặt công tác liên quan đến an toàn lao động nhằm đạt mục tiêu: Hạn chế thấp nhất xảy ra TNLĐ, giảm tối đa về số vụ, số người chết so với năm 2007.

Để đạt được các tiêu chí này, trước hết cần phải tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức đối với người lao động cũng như người điều hành về thực hiện đúng quy trình, quy phạm an toàn lao động. Đặc biệt, kể từ nay, TKV sẽ chỉ cho phép khai thác khi đã hội đủ những điều kiện cần thiết như hộ chiếu địa tầng, sơ đồ kỹ thuật hầm mỏ, vỉa, tầng.

Trong đó, ưu tiên cơ giới, máy móc hóa thay cho con người tại những phần việc, vị trí dễ xảy ra TNLĐ. Tiếp đó, TKV cam kết sẽ đầu tư mang tính cấp bách những hạng mục thay thế thiết bị, công nghệ lạc hậu ra khỏi quy trình khai thác than trong thời gian ngắn nhất. Loại bỏ và điều chỉnh ngay lập tức các quy trình lao động thủ công bất hợp lý, dễ gây sự cố như thu hồi vì sắt trong lò, bắn rút than bằng công nghệ buồng, khoan nổ phân tầng, nổ mìn...

Lê Minh Triết
.
.
.