Làm gì để người lao động tiếp cận thông tin, tư vấn việc làm ngoài nước

Thứ Năm, 26/06/2014, 09:19
Mỗi năm, Việt Nam đưa trên 80 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài qua con đường chính thức, chưa kể một lượng không nhỏ đi làm việc ở nước ngoài theo diện cá nhân, hợp đồng bảo lãnh hoặc ở những thị trường chưa có hiệp định hợp tác lao động với Việt Nam. Nguồn ngoại tệ gửi về nước trung bình mỗi năm cũng lên tới 2 tỷ USD…

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổ chức di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM), nhiều lao động di cư của Việt Nam chưa nắm được đầy đủ các thông tin về nước đến và quá trình nhập cảnh, nên chưa tận dụng được lợi thế của di cư an toàn để khi quay trở lại Việt Nam đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình phát triển đất nước. Đây là một sự lãng phí không nhỏ, là ý kiến được ông Trưởng đại diện IOM tại Việt Nam đưa ra tại cuộc hội thảo kết thúc giai đoạn thí điểm thành lập Văn phòng thông tin di cư, thúc đẩy di cư an toàn từ Việt Nam do IOM và Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức trong ngày 24/6.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, hiện tượng di cư lao động tự do đang có dấu hiệu gia tăng, chủ yếu là di cư bất hợp pháp, đã gặp phải nhiều rủi ro, phải cầu cứu đại sứ quán tại nước sở tại giúp đỡ để hồi hương. Qua khảo sát mạng lưới trung tâm dịch vụ việc làm tại các địa phương chưa đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu thông tin XKLĐ của người lao động.

Trong khi đó, nhu cầu tìm hiểu về việc làm ngoài nước ngày một tăng nhanh, các trung tâm này lại chưa có cán bộ tư vấn chuyên trách về thị trường lao động ngoài nước, chưa có cơ sở dữ liệu để cung cấp về tình hình các thị trường ngoài nước và hệ thống chính sách của Việt Nam và các nước tiếp nhận. Điều đáng lưu ý là không có kinh nghiệm về cách giải quyết các vấn đề phát sinh của người lao động khi đang làm việc ở nước ngoài cũng như chưa có mạng lưới chuyển tuyến hỗ trợ giải quyết phát sinh để bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Văn phòng thông tin di cư được IOM và Cục Quản lý lao động ngoài nước thành lập thí điểm, đã đi trúng vào lỗ hổng thông tin đó, tập trung hỗ trợ thông tin, chuyển tuyến giải quyết những vấn đề của những người đã, đang và sắp di cư lao động ra nước ngoài qua đường dây nóng +844 3936 6633 và website hotrolaodongngoainuoc.org, giúp người lao động có đầy đủ thông tin trong quyết định đi làm ăn xa, tư vấn pháp lý để họ có thể tự bảo vệ mình và tối ưu hóa lợi ích từ quá trình di cư lao động ra nước ngoài.

Lợi ích thì quá rõ, nhưng để phủ sóng được thông tin chuẩn xác về việc làm ngoài nước đến từng địa phương lại rất cần đến sự quan tâm của chính quyền và cán bộ làm công tác việc làm. Thực tế cũng cho thấy, cán bộ cơ sở cần phải được cập nhật kiến thức, kết nối thông tin thường xuyên về các thị trường và các chính sách liên quan đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Điều này cần thiết phải có mô hình Văn phòng thông tin di cư đã được nhiều quốc gia phái cử lao động áp dụng do chính phủ quản lý và điều hành với cơ chế hoạt động linh hoạt, đẩy mạnh di cư hợp pháp, tăng quyền và trách nhiệm của người lao động

Thu Uyên
.
.
.