Làm gì để khắc phục bệnh thành tích?

Thứ Ba, 26/04/2005, 07:47

“Năm nay Bộ sẽ rất chú ý đến vấn đề chấm thi tốt nghiệp phổ thông, tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, tăng cường chấm thanh tra thi nhiều hơn, lập đoàn công tác chấm lại một phần hoặc toàn bộ bài thi của những địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp cao bất thường. Mỗi tỉnh sẽ thành lập một Hội đồng phúc khảo. Trong trường hợp cần thiết, Bộ sẽ thành lập Hội đồng phúc khảo quốc gia.”, Ông Bành Tiến Long, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo nói.

- Thưa ông, việc học sinh các trường phổ thông các cấp đỗ tốt nghiệp cao bất thường ở nhiều tỉnh trong nhiều năm qua có nhiều ý kiến coi đó không phải là chất lượng thực, ông có thể xác định nguyên nhân nào là chính?

- Nguyên nhân thì nhiều nhưng tôi cho là do cả tập quán và thói quen, sức ép về "thành tích", một số địa phương không muốn bị đánh giá kết quả đỗ tốt nghiệp thấp là do chất lượng giáo dục kém. Cũng có nguyên nhân lệch lạc cho rằng, cứ cho học sinh tốt nghiệp để họ yên tâm ra trường đi học nghề, nếu không có cơ hội đỗ đại học, cao đẳng. Từ nhận thức này dẫn đến những chỉ đạo thiếu nghiêm túc trong coi thi, chấm thi và xử lí vi phạm…

-  Nếu phát hiện có sự "chỉ đạo ngầm" của một địa phương nào đó nhằm làm cho tỷ lệ đỗ tốt nghiệp  cao, Bộ sẽ can thiệp như thế nào?

- Rất khó phát hiện. Nhưng chắc chắn, Bộ uỷ quyền các địa phương tiếp tục tổ chức các đoàn thanh tra để giám sát và đôn đốc việc thực hiện nghiêm chỉnh qui chế thi, đồng thời Bộ sẽ tập trung công tác thanh tra, kiểm tra, chấm thanh tra các địa phương có biểu hiện "bệnh" thành tích. Công tác thanh tra, kiểm tra sẽ được tiến hành đột xuất mà không báo trước.

- Năm vừa qua, vì sao số thí sinh bị xử lý vi phạm qui chế thi rất ít và hầu như không có giáo viên nào bị xử lý, trong khi hiện tượng quay cóp, nhắc bài phổ biến?Kỷ luật không nghiêm, làm sao coi thi nghiêm túc được?

- Năm 2004, có 406 thí sinh và 12 giám thị bị lập biên bản. Năm nay, Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của cán bộ coi thi. Các hội đồng thi phải kiên quyết xử lý những cán bộ coi thi để tình trạng quay cóp, nhắc bài xảy ra.

- Đảo giám thị giữa các địa phương, nhưng lại phổ biến tình trạng "anh nhẹ tay với học sinh của tôi thì tôi sẽ nhẹ tay với học sinh của anh". Vậy có nên "đảo" Chủ tịch Hội đồng và giám thị từ tỉnh này sang tỉnh khác?

- Đây là một ý tưởng cần được suy nghĩ cho các năm sau, nhưng nếu quán triệt quy chế và chỉ thị thi của Bộ thì không cần phải "đảo" từ tỉnh này sang tỉnh khác. Đảo như thế sẽ rất phức tạp và tốn kém. Xu hướng là các trường sẽ phải tự chịu trách nhiệm về kết quả của mình.

- Về chấm thi, các năm trước có hiện tượng đáng buồn là có nơi chấm thử bài làm để điều chỉnh cách chấm, thang, khung điểm nhằm đỗ cao. Bộ đã có phương án gì ngăn chặn?

- Cuộc họp gần đây nhất của Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT đã đưa vấn đề này ra bàn và giao Cục Khảo thí - Kiểm định chất lượng trong đợt tập huấn hướng dẫn thi sắp tới sẽ nêu vấn đề này ra để trao đổi, nhắc nhở nhằm ngăn chặn hiện tượng "điều chỉnh barem điểm" trong mùa thi tốt nghiệp năm 2005. Mặt khác, Bộ tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, tăng cường chấm thanh tra thi nhiều hơn, lập đoàn công tác chấm lại một phần (5 - 10%) hoặc toàn bộ bài thi của những địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp cao bất thường. Mỗi tỉnh sẽ thành lập một Hội đồng phúc khảo. Trong trường hợp cần thiết, Bộ sẽ thành lập Hội đồng phúc khảo quốc gia.

- Có ý kiến cho rằng, nhiều năm nay ta tăng tỷ lệ đỗ tốt nghiệp vì nhiều tỉnh không đủ trường lớp để "đón" số học sinh lưu ban. Ông suy nghĩ thế nào?

- Hiểu như vậy là không có cơ sở. Nếu thiếu trường lớp thì địa phương, các trường phải báo cáo Bộ tìm hướng giải quyết, có thể phân phối lại chương trình, chứ không thể vì thiếu trường lớp mà nâng tỷ lệ đỗ.

- Với chất lượng giáo dục như hiện nay, ông có thể dự đoán tỷ lệ đỗ tốt nghiệp bao nhiêu là chính xác?

- Thi đại học dựa vào điểm chuẩn, tỷ lệ đăng ký dự thi còn có thể dự đoán được. Còn chất lượng giáo dục phổ thông mỗi năm mỗi khác, tôi không thể trả lời chủ quan khi chưa có cơ sở khoa học.

- Chúng ta có dám làm "thực chất" một năm để làm mẫu cho các năm tiếp theo không?

- Không phải làm "mẫu" một năm, mà năm nào cũng phải thực hiện nghiêm túc. Riêng năm nay, Bộ có những chấn chỉnh, đòi hỏi cao hơn, đặc biệt đối với một số tỉnh phía Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Thu Phương
.
.
.