Lái xe chuyên nghiệp cũng "ngà ngà" khi cầm vô lăng

Thứ Ba, 06/11/2012, 09:51
Những số liệu từ công tác kiểm tra vi phạm nồng độ cồn trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở 5 tỉnh: Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Quảng Ninh cho thấy một vấn đề đáng báo động, đội ngũ lái xe chuyên nghiệp đáng lẽ  phải nghiêm túc chấp hành nhất thì lại là đối tượng bị phát hiện và sử dụng rượu bia nhiều nhất khi tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia từng chia sẻ: Bình quân mỗi năm, nước ta mất 2 tỷ USD (tương đương 40.000 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả TNGT. Không những mất mát lớn về vật chất, mà trên thực tế, những tổn thất về mặt tinh thần vẫn ngày ngày hiện hữu xung quanh chúng ta.

Liên quan đến việc vi phạm Luật Giao thông, kết quả mới đây nhất được Cảnh sát giao thông công bố: lái xe chuyên nghiệp vi phạm chiếm tới 32,5% số đối tượng bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn, một lần nữa lại gióng lên hồi chuông đáng báo động về hiểm họa của việc lạm dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

32,5% số đối tượng là lái xe chuyên nghiệp bị phát hiện vi phạm nồng độ cồn

Thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc tiếp tục triển khai kế hoạch giai đoạn 2012-2013 trong hoạt động “Phòng chống lạm dụng rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông” tại 5 tỉnh là: Hà Nam, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Quảng Ninh, vừa qua, Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt đã tổ chức đợt thí điểm kiểm tra vi phạm nồng độ cồn trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ở 5 địa phương trên.

Qua gần 2 tháng triển khai, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 864 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền gần 1,15 tỷ đồng, tước giấy phép lái xe gần 170 trường hợp, tạm giữ gần 250 phương tiện các loại. Qua phân tích đối tượng, đáng báo động là đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, đáng lẽ là phải nghiêm túc chấp hành nhất thì lại là đối tượng bị phát hiện và vi phạm nhiều nhất chiếm 32,5%.

Nhắc đến con số trên, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Bắc Ninh cũng thừa nhận, thông qua việc kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm người điều khiển phương tiện có sử dụng rượu, bia đã góp phần quan trọng trong công tác đảm bảo TTATGT, giảm thiểu TNGT.

Tuy nhiên, những số liệu từ công tác kiểm tra cũng cho thấy một vấn đề đáng báo động, đội ngũ lái xe chuyên nghiệp là đối tượng bị phát hiện và sử dụng rượu bia nhiều nhất khi tham gia giao thông. “Đối với tài xế chuyên nghiệp mà sử dụng rượu bia thì mức độ nguy hiểm càng lớn, bởi họ có thể là những tài xế xe khách chở hàng chục con người. Chỉ vì ý thức kém của người lái xe mà có thể gây tai họa cho biết bao con người, để lại hậu quả lớn cho các gia đình và xã hội”, vị này chia sẻ.

Tài xế bất cẩn, hậu quả tai nạn sẽ khó lường.

20% nạn nhân TNGT có phát hiện nồng độ cồn trong máu

Liên quan đến việc người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, bác sĩ Nguyễn Đức Chính (Bệnh viện Việt Đức) cho hay: Thời điểm hiện tại, một ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 trường hợp TNGT vào cấp cứu. Những năm trước đây, đặc biệt là năm 2006 thì một ngày có tới hàng trăm bệnh nhân TNGT vào cấp cứu. Tuy thời gian gần đây, số vụ thương tích do TNGT giảm mạnh song những trường hợp bị thương tích nặng lại không hề giảm, nếu không muốn nói đang tăng đáng kể. Trong số đó phải kể đến khoảng 20% nạn nhân tai nạn giao có phát hiện nồng độ cồn trong máu.

Cụ thể hơn nữa là từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận khoảng 22 nghìn nạn nhân đến cấp cứu, trong đó số nạn nhân liên quan đến TNGT khoảng gần 12 nghìn trường hợp. Trong số nạn nhân cấp cứu vì tai nạn giao thông thì có tới gần 3.000 trường hợp bị chấn thương sọ não, 1.978 trường hợp cấp cứu tai nạn có nồng độ cồn trong máu…

Thể hiện quyết tâm, nỗ lực lớn để giảm tai nạn giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định: Thời gian qua, số vụ tai nạn giao thông đã giảm mạnh trên cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương. Tình hình TNGT đã giảm cho thấy những kết quả, hiệu quả bước đầu, tuy nhiên Bộ trưởng cũng cho rằng, kết quả này chưa thật sự bền vững, TNGT vẫn là mối lo ngại của toàn xã hội, đặc biệt là việc tai nạn do người điều khiển có sử dụng rượu bia tham gia giao thông.

Do đó, tới đây các tỉnh, thành phố cần thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt chú trọng tuyên truyền ATGT. Các cơ quan, ban, ngành và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Người dân phải tự nâng cao ý thức trong việc thực hiện các khẩu hiệu: Đã uống rượu bia thì không lái xe. Mỗi người hãy trở thành một tuyên truyền viên an toàn giao thông, một đại sứ trong chiến dịch toàn dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông…

Theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt, 10 tháng đầu năm 2012, với sự nỗ lực của các ngành các cấp, TNGT đã giảm mạnh cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, cả nước vẫn xảy ra 2.534 vụ TNGT Làm chết 735 người, bị thương 2.777 người. So với tháng 10/2011 giảm 625 vụ (-19,7%); giảm 79 người chết (-9,7%); giảm 90 người bị thương (-3,1%), trong đó: TNGT từ ít nghiêm trọng trở lên: Xảy ra 830 vụ, chết 735 người, bị thương 639 người. So với tháng 10/2011 giảm 133 vụ(-13,8%); giảm 79 người chết (-9,7%); giảm 90 người bị thương (-12,3%). Riêng tai đường sắt đã xảy ra 29 vụ, làm chết 14 người, bị thương 22 người; So với tháng 10/2011 giảm 15 vụ, tăng 04 người chết, giảm 06 người bị thương.

Đặng Nhật
.
.
.