Lại nói về hiểm họa cháy, nổ tại các khu chung cư

Thứ Tư, 22/09/2010, 14:11
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị 1634/CT-TTg chỉ đạo các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Chỉ thị đặc biệt lưu ý tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về PCCC tại các nhà chung cư cao tầng, các điều kiện an toàn về thoát nạn cho người và chống cháy lan, cháy lớn. Thực tế cho thấy, công tác PCCC tại các khu chung cư, đặc biệt là nhà tái định cư rất yếu kém, hiểm họa cháy luôn rình rập người dân.

Chủ đầu tư bớt xén, hộ dân "cơi nới"…

Tại Hà Nội, các vụ cháy xảy ra liên tiếp tại toà nhà 25 Vũ Ngọc Phan, nhà 34T Trung Hòa-Nhân Chính, nhà CT4-1 Khu đô thị Mễ Trì Hạ, nhà JSC-34 Lê Văn Lương,… trong thời gian gần đây cho thấy phần nào tính nghiêm trọng của vấn đề đầu tư cho PCCC.

Mới đây, phóng viên Báo CAND đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) về thực trạng này, Đại tá Nguyễn Văn Tươi, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC&CNCH phân tích: "Ngoài ý thức kém của một số người dân như có khu chung cư người dân bấm chuông báo cháy để... dỗ trẻ em, đun nấu, xả xỉ than bừa bãi,… thì việc chủ đầu tư bị ép tiến độ xây dựng các nhà tái định cư là một trong những nguyên nhân chính khiến 100% nhà tái định cư không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn về PCCC".

Qua đợt khảo sát mới đây của Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, sau nhiều vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng tại các chung cư cao tầng trên địa bàn Hà Nội cho thấy, tại các khu chung cư cao tầng, nhất là các khu chung cư tái định cư, việc vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và chất cháy là phổ biến.

Điểm lại các vụ cháy trong thời gian gần đây tại toà nhà 25 Vũ Ngọc Phan, chung cư CT4-1 Khu đô thị Mễ Trì Hạ, toà nhà JSC-34 Lê Văn Lương đều có nguyên nhân do người dân không chấp hành nghiêm các quy định PCCC trong sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, vứt than tổ ong còn đang cháy và tàn lửa vào ống xả rác gây ra cháy.

Tới bất cứ chung cư nào, nhất là các chung cư tái định cư thì có thể thấy ngay tình trạng vi phạm nghiêm trọng các quy định về thoát nạn rất phổ biến: Người dân lấn chiếm buồng thang thoát nạn làm nơi để hàng hoá, vật dụng; để xe máy, ôtô che chắn lối thoát nạn. Thậm chí khi cơ quan PCCC kiểm tra phát hiện, yêu cầu Ban quản trị toà nhà khắc phục và thực hiện quy định về thoát nạn thì Ban quản trị khoá chặt buồng thang lại.

Chủ đầu tư và ban quản lý của các chung cư thường không quan tâm đầu tư và tổ chức tự kiểm tra chất lượng và duy trì chế độ hoạt động thường xuyên của các phương tiện chữa cháy nên nhiều cơ sở trang bị phương tiện chữa cháy không đầy đủ theo quy định, không bảo quản hoặc sử dụng sai mục đích các phương tiện chữa cháy...

Vụ cháy tòa nhà JSC-34 khu Trung Hòa - Nhân Chính khiến nhiều người bàng hoàng về ý thức phòng cháy.

Trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư

Những vi phạm, thiếu sót trên phổ biến ở loại hình nhà cao tầng tái định cư do Nhà nước đầu tư xây dựng rồi giao lại cho một số doanh nghiệp quản lý gián tiếp trong suốt quá trình sử dụng. Mỗi nhà chung cư được thành lập một ban quản trị với thành phần là đại diện người dân sinh sống trong toà nhà. Tuy nhiên, kinh phí duy trì hoạt động của toà nhà cũng như các trang thiết bị PCCC do người dân đóng góp nên rất hạn hẹp. Nếu có sửa chữa lớn thì phải thông qua doanh nghiệp quản lý để xin kinh phí UBND thành phố.

Lực lượng PCCC tại chỗ gần như không có. Đại tá Nguyễn Văn Tươi cho biết: Kiểm tra trực tiếp hơn 100 tòa nhà tái định cư cao trên 10 tầng tại địa bàn Hà Nội, cơ quan chức năng phát hiện tình trạng chủ đầu tư lợi dụng đặc thù về tiến độ gấp của loại nhà này để "lách thủ tục".

Với lý do rất hợp lý là bị ép tiến độ, chủ đầu tư thường cắt bớt những phần đầu tư về PCCC, mà cơ quan chức năng đành bó tay đứng nhìn vì chỉ có chức trách hậu kiểm. Và, với lý do đảm bảo cải cách hành chính, lâu nay các công trình cũng không cần giấy phép đủ điều kiện về PCCC.

Vì thế, nhiều khi nhà chưa xong, các hạng mục chưa được nghiệm thu, chủ đầu tư đã đưa dân vào ở. Hiện tượng phổ biến ở loại nhà này là chủ đầu tư không đầu tư hoặc đầu tư sơ sài về PCCC, xây xong nhà thì giao ngay cho Xí nghiệp Quản lý nhà rồi lặn mất tăm. Nếu lực lượng chức năng có phát hiện thiếu thiết bị hoặc thiết bị PCCC bị hỏng thì cũng khó mà xử lý, thường chỉ nhắc nhở, động viên ý thức tự giác của người dân.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Tươi, ở các nước thì phần đầu tư cho hệ thống PCCC ở các công trình chiếm từ 8%-17% tổng giá trị xây lắp. Việc này được quy định rất rõ ràng cùng với chế tài xử lý hữu hiệu.

Được biết, Bộ Xây dựng đã được Chính phủ giao soạn thảo quy định về vấn đề này, nhưng tiến độ vẫn rất chậm chạp. Vì thế, hiện nay mỗi khi tiến hành hậu kiểm về công tác PCCC ở các công trình cao tầng tái định cư, cơ quan chức năng muốn xử lý cũng không biết "túm" vào đâu. Vấn đề quan trọng là sau hậu kiểm, cơ quan quản lý nhà nước về PCCC phải kiên quyết xử lý các chủ đầu tư làm sai luật nhằm thiết lập một trật tự mới trên lĩnh vực này

Bá Tuấn
.
.
.