Lại đau đầu khoản… “tự nguyện” đầu năm học

Thứ Bảy, 29/09/2012, 18:42
Hiện tại TP HCM, một số trường phụ huynh đã được mời họp đầu năm. Đây là năm học đầu tiên các trường áp dụng quy định không được thu tiền cơ sở vật chất (CSVC), nhưng ngay lập tức lại nhận được các khoản thu khác xuất hiện dưới cái tên “tự nguyện” thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh. Muốn con hay chữ thì… phải đóng góp thôi.
>> Phải kiểm tra toàn diện, xử lý triệt để vấn đề “lạm thu trong giáo dục”

“Trăm hoa đua nở” khoản tự nguyện

Hết tivi, máy chiếu, tới máy lạnh, mua cây cảnh… đều kêu gọi phụ huynh “tự nguyện” đóng góp theo một khoản nhất định. Một phụ huynh có con học Trường Mầm non H.N. tại quận Gò Vấp, thắc mắc: “Không hiểu sao mà năm nào cũng kêu phụ huynh mua tivi vì lý do bị hư. Tivi ở nhà mua sử dụng cả 10 năm chưa sao. Thế mà TV ở lớp mỗi năm mỗi mua?”.

Một phụ huynh có con học Trường Mầm non B.C quận Tân Bình nói: “Tôi xin được cháu vào trường này mừng quá vì gần nhà nhưng ngay sau đó đã được cô giáo gợi ý: “Khoảng xanh trong trường còn ít quá! Giá mà có thêm vài cây sanh, cây si thì tốt quá”. Nghĩ con mình học ở đây cả mấy năm, thôi thì đành mua gửi tặng nhà trường cặp cây cảnh!”. Phụ huynh này nói mà mặt buồn so.

Một phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7) khi hỏi chuyện cho biết: “Gia đình tôi chỉ có một đứa con đi học mà đã chịu không nổi. Từ tháng 8 đến nay, tôi đóng gần 4 triệu cho con chưa tính các khoản tiền vận động tự nguyện”. Trong buổi họp lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh còn đề xuất mua tivi và máy tính trị giá khoảng 20 triệu đồng. Phương án mỗi phụ huynh góp 500.000 đồng được đưa ra. Rồi còn vấn đề cây xanh, máy phát điện cũng phải góp nhưng do chưa thống nhất được là bao nhiêu nên chưa công bố.

Khi được trao đổi vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định trả lời: Chuyện trồng cây sẽ không vận động từ phụ huynh mà nhà trường sẽ chi trả. Riêng máy phát điện, 2 năm trước vận động được hơn 192 triệu đồng trong khi giá máy khoảng 400 triệu đồng. Năm nay không vận động phụ huynh nữa mà sẽ mua máy cũ. Số tiền còn thiếu sẽ tìm “Mạnh Thường Quân”. Và nói thêm: “Quan điểm là không vận động, không cào bằng khi kêu gọi phụ huynh đóng góp. Giáo viên nào để xảy ra việc này sẽ bị kỷ luật”. Ông Tuấn cũng cho rằng, trường có 40 lớp thì khoảng 20 lớp chưa có tivi. Trong khi đó, màn hình tivi giúp các em học dễ dàng với hình ảnh kèm theo nhưng thiếu nên giữa các lớp phải luân chuyển tivi cho nhau. Và “không có chuyện đóng góp theo kiểu cào bằng”.

Anh T. có con học tại THCS L.S (quận Gò Vấp) kể ngoài tiền tạm ứng đầu năm là 700.000đ, nhà trường chưa công bố thêm khoản gì nhưng được báo trước tới ngày họp lớp phải “dằn túi” thêm ít nhất 500.000đ cho các khoản quỹ lớp, sửa máy tính thì năm nào cũng phải đóng. “Tôi còn đứa con thứ 2 học Tiểu học, ngoài tiền quỹ lớp, quỹ trường, tiền bán trú, còn một khoản nữa không bao giờ được quên là quỹ học bổng Lê Quý Đôn cứ ấn định đều đều là 200.000 đ/HS hằng năm”, anh T nói.

Trĩu nặng nỗi lo trên từng gương mặt cha mẹ học sinh mỗi khi vào năm học mới.

Trang bị phòng học hiện đại: Sao dám từ chối!

“Muốn biết tiền tự nguyện nhiều hay ít cứ nhìn thành viên trong ban đại diện cha mẹ học sinh là biết”, chị H.T.T., người đã từng làm trưởng ban phụ huynh nhiều năm tại một trường THCS TP Hồ Chí Minh nói. Theo chị T., chị đã rút chân khỏi ban đại diện năm nay một phần do quá bận, phần vì ngại với cách làm việc của ban phụ huynh. Đặc biệt trong ban đại diện có người kinh tế khá giả thì kiểu gì cũng “vẽ” ra nhiều khoản. Nhất là ở những trường mới khánh thành. Mục đích hướng tới bao giờ cũng là tivi cho Mầm non; THCS, THPT là máy chiếu, máy lạnh…

Các phụ huynh có con học tiểu học lớp tăng cường tiếng Anh năm nay còn đang rất hồi hộp đợi đóng một khoản khá “nặng ký” là 2 triệu đồng/HS để mua máy tương tác học tiếng Anh. Khoản này mới phát sinh do thực hiện Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông do Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh ban hành. Theo chỉ đạo, mỗi trường tiểu học sẽ phải trang bị 3 máy. Mỗi máy 181 triệu đồng. Hình thức mua là nhà trường, phụ huynh mỗi bên chịu 1 nửa. Như vậy căn cứ theo sĩ số 40 em thì mỗi phụ huynh phải đóng 2 triệu đồng/người. “Chúng tôi đang đau đầu vì chuyện này. Kêu gọi phụ huynh thì mang tiếng, không trang bị được thì mắc lỗi với Sở GD&ĐT”, bà Đỗ Thị Hoa - Phó phòng GD Phổ thông quận Gò Vấp nói. 

Riêng việc trang bị máy lạnh cho các lớp học tại TP Hồ Chí Minh đã một dạo “ầm ĩ” vì chuyện có máy nhưng tới tham quan lớp thấy học sinh thì ngồi học nóng mà máy thì im lìm. Hóa ra nhà trường tiết kiệm điện. Năm nay chuyện máy lạnh lại rộ lên. Chị N., phụ huynh có con học lớp 2 Trường Tiểu học K.Đ cho biết khi cháu học lớp 1 ban phụ huynh đã kêu góp tiền mua máy lạnh, lên lớp 2 lại kêu đóng tiếp. Mỗi lớp từ 300.000 - 400.000 đồng/HS, và thêm 35.000đ/tháng tiền điện. Chuyện khoản đóng góp thôi thì trăm thứ. Có Trường Mầm non quận 12, phụ huynh được kêu góp 250.000đ/HS để mua máy soạn giáo án cho cô. Dù cô giáo nói chỉ mua khi tất cả phụ huynh đồng ý, nhưng có ai mà dám từ chối?! Phụ huynh trường này nói: Chúng tôi tạm gọi ban đại diện cha mẹ học sinh là “ban thu tiền”...

Thử một phép tính so sánh, rõ ràng các trường học tư tổng số tiền thu là rất cao. Cao hơn rất nhiều so với các khoản thu mang tính chất “lặt vặt” tại các trường công, vậy nhưng phụ huynh không kêu một phần vì đã được thỏa thuận trước. Và có lẽ vì tất cả các phụ huynh đều biết rằng, sau những khoản tiền đóng đó họ không còn phải lắt nhắt đóng thêm và cũng không còn phải lo các khoản tiền “tự nguyện” đó đi về đâu. Vậy vấn đề ở đây là không phải là cao hay thấp mà là mục đích thu phải minh bạch, rõ ràng

Nhóm PVXH
.
.
.