Campuchia - Lạ mà quen

Kỳ cuối: Hoàng cung và những chuyện ngoài hoàng cung

Chủ Nhật, 13/04/2014, 14:57
Sau khi đã tham quan Angkor với các cung điện của Đế chế Khmer từ một ngàn năm trước, chúng tôi lại có dịp ghé thăm cung điện hoàng gia của đất nước Campuchia đương đại. Hoàng cung ngày nay do kiến trúc sư Neak OkhnaTepnimith Mak thiết kế và được khởi công xây dựng từ năm 1866 dưới sự bảo trợ của nước Pháp theo Hiệp ước bảo hộ được ký kết giữa hai nhà nước vào năm 1863.
>> Bài 1: Những ấn tượng đầu tiên

Toàn bộ các công trình trong hoàng cung được xây dựng theo kiến trúc truyền thống Campuchia, chỉ duy nhất có một công trình hoàn toàn mang phong cách châu Âu, đó là Điện Napoleon - một món quà của Chính phủ Pháp. Hoàng cung chính thức hoàn thành vào năm 1871, nhưng phải đến năm 1873 những bức tường bao quanh mới xây xong. Nhiều năm sau đó, một số công trình bên trong Hoàng cung được xây dựng thêm, hoặc phá đi xây mới như Điện Chanchaya và phòng khánh tiết.

Hoàng cung không chỉ là nơi ở của hoàng gia và các quan khách nước ngoài, mà còn là nơi diễn ra các cuộc thiết triều, nghi lễ hoàng gia và các hoạt động ngoại giao. Trong thời kỳ Khmer Đỏ, Quốc vương Sihanouk và gia đình bị quản thúc trong hoàng cung. Đến giữa những năm 90 của TK trước, nhờ sự tài trợ của một số quốc gia và tổ chức quốc tế, hoàng cung được tu bổ và phục chế, trở thành điểm tham quan hấp dẫn. Ngày nay, ngoại trừ cung điện Khemarin, là khu vực sinh sống của hoàng gia, phần lớn các công trình khác trong hoàng cung đều được mở cửa cho du khách tham quan.

Điểm thu hút nhiều du khách nhất trong hoàng cung là chùa Bạc với 160 món đồ bằng vàng, bạc, kim cương và đá quý, có bức tượng Phật bằng ngọc lục bảo, tượng Phật Di Lặc bằng vàng ròng nặng 90kg, gắn 2.086 viên kim cương, còn sàn nhà được lát bằng 5.329 viên gạch bạc, mỗi viên nặng 1,125kg, Trong chùa còn có bức tượng Phật bằng đồng đen rất thiêng. Cậu hướng dẫn viên bảo, ai chạm tay vào tượng rồi xoa lên mặt và cầu khấn sẽ được toại nguyện. Tôi cũng bắt chước mọi người làm y như thế, nhưng vội quá quên cả cầu khấn, ra ngoài mới sực nhớ nhưng cả đoàn đã đến điểm tham quan khác.

Phòng khánh tiết, có đặt ngai vàng, là nơi thiết triều, tiếp khách, tiến hành các nghi lễ hoàng gia và tôn giáo như lễ đăng quang, lễ kết hôn của hoàng gia... Điện Damnak Chan từng là trụ sở của Bộ Văn hoá vào những năm 80 và của Ủy ban quốc gia Campuchia đầu những năm 90 của TK trước. Công trình này là sự pha trộn phong cách nghệ thuật châu Âu và nghệ thuật truyền thống Khmer, nhưng không tạo được sự hài hòa. Cung điện Đồng (Hor Samrith Phimean) là nơi trưng bày trang phục và đồ vật biểu trưng của hoàng gia. Riêng Điện Phochani là điểm tham quan rất được các du khách Việt Nam quan tâm, vì đây là nhà hát bằng gỗ do các nghệ nhân nghề mộc nổi tiếng ở làng Diệc (tên cổ là Mĩ Giặc) thuộc xã Tân Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, Việt Nam thiết kế và xây dựng vào năm 1912.

Tác giả bên tháp mộ vua Norodom (1834-1904) được làm bằng đá, chạm khắc tinh xảo.

Vào hoàng cung, du khách như lạc vào chốn địa đàng bởi khuôn viên cây cảnh vô cùng xinh đẹp với những loài cây quý hiếm và lạ mắt được chăm sóc kỹ lưỡng như cây sala, tương truyền là cây của Đức Phật, cây bọ cạp vàng (muồng hoàng yến), cây si… với hàng trăm năm tuổi. Trong hoàng cung có những công trình được chế tác bằng đá màu xanh nhạt, tuy không lớn nhưng chạm khắc tinh xảo và rất đẹp - đó là những ngôi tháp mộ. Đẹp nhất là tháp mộ vua Ang Duong (1845-1860) và tháp mộ vua Ang Vody, con trai của vua Ang Duong, tước hiệu là Norodom (1834-1904). Bên ngoài tường rào, có một công trình cũng liên quan đến hoàng cung, mang đậm phong cách kiến trúc Campuchia và thể hiện một nét văn hóa rất đáng trân trọng - đó là Thư viện hoàng gia.

Trên đường từ Siem Riep về Phnom Penh, chúng tôi được tham quan cây cầu cổ Kampong Kdei. Đây là cây cầu cao và dài nhất trong số hàng trăm cây cầu cổ đại của Campuchia còn tồn tại cho đến ngày nay. Cầu được xây dựng vào năm 1186 dưới thời vua Chayravaman VII, có chiều dài 85m, rộng 14m, cao 14m với 22 nhịp cầu. Toàn bộ kết cấu của cầu đều làm bằng đá, đẽo gọt tỉ mỉ, chính xác, xếp chồng lên nhau mà không cần đến một chất kết dính nào. Hai đầu cầu trang trí tượng rắn thần Naga bảy đầu được người dân tôn thờ như thần thánh.

Cầu có cấu trúc theo kiểu vòm, gợi nhớ đến những cây cầu cổ ở châu Âu. Với những người am hiểu lịch sử Campuchia thì cũng chẳng lấy gì làm ngạc nhiên nếu nhận ra nó được xây dựng vào thời kì hoàng kim của Angkor Thom, và tất cả cũng đều làm từ một chất liệu là đá. Năm 1998, cầu Kampong Kdei được UNESCO công nhận là một trong những cây cầu cổ nhất thế giới. Chính vì những giá trị lịch sử và nghệ thuật của mình nên hình ảnh cây cầu được in trên tờ tiền Campuchia có mệnh giá 5.000 riel. Ngày nay, để bảo tồn cầu Kampong Kdei, trong quá trình cải tạo lại quốc lộ 6, người ta đã xây một con đường tránh để xe ôtô không lưu thông trên cầu nữa.

Kể về một vùng đất mà không nhắc đến văn hóa ẩm thực là một thiếu sót lớn. Nhưng nói vậy cho oai chứ thực ra, chỉ với vài ngày "cưỡi ngựa ăn qua loa", làm sao có thể đánh giá chính xác được. Qua những bữa ăn ở khách sạn và những món quà vặt bán ngoài chợ và trên phố, cảm nhận ban đầu là các món ăn ở Campuchia cũng na ná như ở Việt Nam, nhưng cách chế biến có vẻ đơn giản hơn. Chẳng hạn như con cá lóc, quanh đi quẩn lại chỉ có hai món hấp và nướng, trong khi ở ta, ngoài hai cách này ra, các đầu bếp còn chiên xù, kho tộ, um bắp chuối, nấu canh chua...

Tuy nhiên, ở Campuchia có một món làm tôi hơi bị sốc. Xe dừng bên một cái chợ nhỏ, hướng dẫn viên hét to, giọng tinh nghịch: “Mời cô chú xuống xơi côn trùng ạ”. Tôi nhào xuống và hoảng hồn. Nào châu chấu, cào cào, bọ cạp, ve sầu, cà cuống, rắn, rết, nhện, nhộng và vô số những sinh vật kỳ quái khác mà tôi không biết tên. Sống nhăn răng bò lổm nhổm có, đã qua sơ chế có thể bỏ vào miệng nhai rau ráu cũng có, muốn xơi kiểu nào thì xơi, người bán kẻ mua nhộn nhịp, sôi động. Tôi thoáng thấy bên cạnh có một sạp hàng thảo dược.

Hỏi hướng dẫn viên, cậu đáp: Đó là các loại cây thuốc. Hỏi: Có liên quan gì đến chợ côn trùng? Cậu nhoẻn miệng cười: Lỡ có ai nhậu côn trùng bị ngộ độc đã có thuốc đây, sắc uống giải độc ngay. Tôi chỉ biết cười. Do có nhiều loại côn trùng mình không biết, lên xe tôi bật ảnh chụp lên hỏi, nhiều người cũng không biết là con gì. Đột nhiên có một chị thốt lên bằng giọng Nam Bộ: “Ơ, đây là con niềng niễng, quê tui cũng có, chiên giòn lên, ngon lắm, ông xã tui rất khoái”. Vậy là cái món côn trùng này, Việt Nam cũng không thua gì các bạn Campuchia. Hóa ra, lạ mà thành quen!

Nếu bạn hỏi, hàng hóa ở Campuchia có gì rẻ nhất, xin thưa, đó là xe con đã qua sử dụng: chỉ từ vài ngàn đến vài chục ngàn đô, tiền nào của ấy, với đủ kiểu dáng, màu sắc choáng lộn. Sở dĩ có tình trạng này là vì người dân còn nghèo ít có nhu cầu sử dụng xe con, hơn nữa xăng ở Campuchia lại rất đắt. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tệ nạn buôn lậu xăng Việt Nam sang Campuchia ở các tỉnh biên giới Tây Nam.

Về kinh tế, bốn ngày dọc ngang trên các tuyến quốc lộ chính mà chúng tôi không thấy một khu công nghiệp hay một nhà máy, một hệ thống kênh mương hay hồ đập thủy lợi, thủy điện nào. Nguồn thu chủ yếu của đất nước là từ dịch vụ du lịch và hỗ trợ của nước ngoài. Hiện nay ở Campuchia có 120 tập đoàn và công ty Việt Nam đang đầu tư làm ăn, trong đó có 59 đơn vị hoạt động trong lĩnh vực trồng cao su với thời hạn thuê đất là 77 năm. Nhiều đơn vị hoạt động rất có hiệu quả và được bạn đánh giá cao như Bệnh viện Chợ Rẫy, Công ty Viễn thông Viettel... Campuchia tạo mọi thuận lợi khuyến khích đầu tư nước ngoài, chỉ với một điều kiện duy nhất là sử dụng lao động người Campuchia.

Dọc ngang đất nước Chùa Tháp, ta thường bắt gặp những hình ảnh rất quen thuộc và gần gũi với người Việt Nam, đó là dòng Mê Kông thấp thoáng đâu đó, lặng lẽ chở nặng phù sa về cho đồng bằng Cửu Long. Rất tiếc là người Campuchia chưa đủ tiềm lực kinh kế và trình độ khoa học kỹ thuật để bắt nó phục vụ mình hiệu quả nhất

Bút ký của nhà văn Đào Minh Hiệp
.
.
.