Thị trường hộp đen cho xe chở khách:

Kỳ cuối: Chưa có công cụ kiểm soát, lại “đánh trống bỏ dùi”

Thứ Hai, 02/07/2012, 20:17
Những khó khăn vướng mắc trong việc tiến hành lắp hộp đen cho kịp thời điểm 1/7 không phải lần đầu được đưa ra. Các Hiệp hội vận tải và DN đã nhiều lần kiến nghị về việc điều chỉnh những bất hợp lý khi họ trực tiếp tiến hành. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước hoặc là bất lực trong việc đưa ra giải pháp, hoặc là thấy hố trước mặt nhưng cứ... lao vào rồi tính.
>> Thị trường hộp đen cho xe chở khách: Hỗn độn trước “giờ G”

Cơ quan chức năng “thúc thủ” trong việc quản lý chất lượng

Theo khảo sát mới đây của chính Bộ GTVT, chỉ có 15% DN thực sự lắp hộp đen để phục vụ công tác quản lý, 85% còn lại lắp chỉ để đổi lấy tấm giấy chứng nhận được phép hoạt động vận tải.

“Nhận thức của các DN vận tải về tác dụng của hộp đen chưa cao” là việc rõ như ban ngày. Trên thực tế, DN bị ép làm nhiều hơn là tự nguyện làm. Và trong những trường hợp thiếu tự nguyện như vậy người ta chỉ làm chiếu lệ, buộc nhà nước phải có những công cụ giám sát phù hợp để mọi việc diễn ra đúng luật và hiệu quả. Tuy nhiên, về mặt hình thức, ngoài việc buộc DN phải lắp bằng được hộp đen thì cơ quan quản lý nhà nước – trực tiếp ở đây là Bộ GTVT lại đang “bó tay” trước việc quản lý chất lượng vốn là khâu cốt yếu.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam nhận định: “Qua nắm bắt tình hình cho thấy, đa số các doanh nghiệp nhỏ hiện nay lắp đặt để đối phó với cơ quan quản lý nhà nước. Do vậy, đã xuất hiện tình trạng nhiều tính năng cơ bản như việc hình thành trung tâm quản lý dữ liệu hay các tính năng về quản lý tốc độ, giám sát lái xe… đã bị giảm bớt hoặc “vô hiệu hóa” nhằm tiết kiệm phí lắp đặt và tránh sự quản lý của cơ quan chức năng”.

Thiết bị hộp đen dễ bị vô hiệu hóa.

Nếu không có biện pháp quản lý điều này, thì qui định về lắp hộp đen sẽ chẳng còn giá trị gì ngoài việc bỏ ra vài triệu đồng để lòe nhau chơi. Trên thực tế, rất nhiều nhà cung cấp sẵn sàng đưa ra những mức giá rẻ... giật mình, chỉ bằng chưa đến 1 nửa mức giá các công ty “hợp chuẩn” đưa ra, và rất nhiều chủ xe chấp nhận.

“Thiết bị của chúng tôi có giá 7 triệu đồng, nhưng rất nhiều khách hàng cho biết họ được chào mức giá chỉ 2,5 triệu đồng/thiết bị” – lãnh đạo một DN cung cấp hộp đen cho biết. Trước thực tế này, ông Hùng cho rằng công tác kiểm tra chất lượng thiết bị này cần được thực hiện ngay, để thiết bị đưa vào sử dụng đạt được các tiêu chí tối thiểu theo qui chuẩn của Bộ GTVT và đạt được hiệu quả trong quản lý cũng như điều hành vận tải”.

Hộp đen phát huy tác dụng… đường còn xa!

Đến thời điểm này, tất cả những vấn đề bất cập đều đã xảy ra, bởi dù sao hộp đen cũng đã lắp. Vấn đề còn lại là từng ấy công sức, tiền bạc sẽ đổi lại được gì nếu như những hộp đen ấy không làm đúng chức năng của nó, có thể vì chất lượng không đảm bảo,  hoặc có thể vì chính người sử dụng cố tình vô hiệu hóa?

Ông Nguyễn Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Công ty vận tải số 2 (Hà Nội), một DN sớm sử dụng hộp đen phục vụ cho quản lý vận tải và ATGT cho biết: “Có một thực tế là thiết bị này rất dễ bị vô hiệu hóa, vì hầu hết đều sử dụng nguồn điện bình ắc qui của xe để nuôi thiết bị. Vì vậy, lái xe chỉ cần dừng xe, cắt “mát” nguồn điện ác qui là có thể vô hiệu hóa thiết bị. Điều này sẽ khiến DN cũng như cơ quan quản lý không thể kiểm soát, nắm bắt thông tin về phương tiện ở những thời điểm nhạy cảm. Chính vì vậy, cần có biện pháp xử lý với chính lái xe khi phát hiện thiết bị không hoạt động, bởi dù DN có bỏ tiền ra lắp đặt mà thiết bị không hoạt động ổn định, thường xuyên thì cũng vô ích”.

Trong khi đó, hiện chưa có chế tài nào xử phạt DN sản xuất, lắp đặt thiết bị hộp đen không đạt chuẩn; vẫn còn không ít Sở Giao thông Vận tải chưa có hệ thống máy chủ để kiểm tra, theo dõi hoạt động của các loại xe thông qua hộp đen, thủ tục kiểm tra, giám sát chất lượng hộp đen chủ yếu căn cứ vào... báo cáo của DN vận tải.

Ông Phạm Đăng Lộc – Giám đốc trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 2903S (Hà Nội) cũng thừa nhận: “Các trung tâm đăng kiểm hiện nay không có chức năng giám sát về mặt chất lượng của thiết bị. Khi chủ phương tiện đưa xe đến đăng kiểm thì nhân viên trung tâm chỉ xác định xem thiết bị đã được lắp đặt hay chưa thông qua việc quan sát hoặc căn cứ vào hóa đơn của chủ phương tiện với đơn vị lắp đặt. Chính vì vậy việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như xác định các tính năng sử dụng của thiết bị cần phải được quản lý, giám sát ngay từ khâu sản xuất, cung ứng và lắp đặt thiết bị”.

Chưa hết, trên các quốc lộ, tuyến đường trọng yếu chưa có một trạm hoặc trung tâm kiểm soát hoạt động của ôtô thông qua hộp đen. Lực lượng Công an, thanh tra vẫn chưa được trang bị đầy đủ máy móc để kiểm tra, xử lý các loại xe lắp đặt hộp đen.

Được biết, trước tình hình trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam khi xét xe theo chu kỳ cần kiểm định các tính năng kỹ thuật của hộp đen theo tiêu chuẩn quy định. Tổng cục Đường bộ cũng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý vận tải, cập nhật thường xuyên các thông số cơ bản từ hộp đen để phục vụ kiểm soát và chấn chỉnh các vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Tuy nhiên, để đến lúc mọi thứ “đồng bộ”, hoạt động ăn khớp với nhau và hộp đen được phát huy tác dụng thực sự của mình, e rằng vẫn còn xa.

Không cấp phép kinh doanh xe lắp hộp đen “cắt xén”

Theo Ông Nguyễn Văn Quyền- Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam:  Chủ trương lắp hộp đen để quản lý hoạt động vận tải là chủ trương đúng đắn, qua triển khai thực tiễn thì các Sở Giao thông Vận tải đã triển khai tích cực và đồng bộ.

Ông Nguyễn Văn Quyền -Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Tuy nhiên, ở nước ta, số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ, xe ít, hợp tác xã có từ 5-7 xe chiếm tỷ lệ lớn nên thường chưa quản lý tập trung, quản lý khoán là chính. Các đơn vị này nhận thức chưa đầy đủ về yêu cầu của Nhà nước về lắp hộp đen và tự thân doanh nghiệp cũng chưa thấy tính cấp thiết của thiết bị để phục vụ kinh doanh nên họ chưa thực hiện đầy đủ và sử dụng thiết bị hữu hiệu. Đối với các doanh nghiệp đến hạn mà chưa lắp thì tiếp tục lắp. Phương tiện không lắp đặt khi kiểm tra, kiểm định sẽ xử lý bằng cách rút hoặc không cấp giấy phép kinh doanh, đăng kiểm.

PV:  Trong các văn bản, thông tư hiện nay của Luật Giao thông vẫn chưa có chế tài nào xử phạt doanh nghiệp sản xuất, lắp đặt thiết bị hộp đen nếu không đạt chuẩn. Ý kiến của ông như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Hộp đen cũng là một sản phẩm trên thị trường nên sẽ được xử phạt theo Luật Thương mại và Luật khác quy định nên không quy định trong Luật Giao thông.

PV: Việc xử phạt vi phạm thông qua hộp đen sẽ thực hiện như thế nào bởi lực lượng Công an và thanh tra giao thông vẫn chưa có các trang thiết bị để kiểm tra, theo dõi và xử lý phương tiện vi phạm?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Theo quy định, các thiết bị khi kiểm tra phải in được dữ liệu trong trường hợp cơ quan chức năng kiểm tra thông qua hình thức in hoặc kiểm tra định kỳ khi đăng ký cấp phép kinh doanh, đăng kiểm. Về phía các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục có chủ trương và biện pháp về thanh kiểm tra, hình thành cơ sở dữ liệu ở các Sở và Tổng cục Đường bộ. Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng tuần tra như Cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông thì hiệu quả thiết bị này sẽ phát huy cao hơn.

Thanh Huyền- Vũ Hân
.
.
.