Kinh nghiệm lớn rút ra từ vụ cháy tại Vườn quốc gia Hoàng Liên

Thứ Sáu, 07/03/2014, 21:49
Chỉ trong vòng một tháng trước khi bước sang năm mới, tại rừng quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa, Lào Cai) đã liên tiếp xảy ra hai vụ cháy rừng lớn (vụ cháy gần đây nhất xảy ra vào ngày 2/2). Mặc dù điểm xảy ra cháy rừng đều cách thị trấn Sa Pa trên 30km, xa khu dân cư, đi lại khó khăn, nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, Ban chỉ huy phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa đã dập tắt toàn bộ đám cháy trong những khoảng thời gian ngắn  từ 24 giờ đến chưa đầy 36 giờ.

Khoảng 20h ngày 5/3, tại Tiểu khu 292A ở độ cao 1800 mét thuộc thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã xảy ra các đám cháy thuộc rừng quốc gia Hoàng Liên, sau đó nhanh chóng lan ra diện rộng. Sau khi nhận được tin báo có cháy rừng, các lực lượng PCCCR của tỉnh Lào Cai đã nhanh chóng vào cuộc, nhanh chóng tiếp cận đám cháy. Đến 6h45’ ngày 7/3, đám cháy đã cơ bản được dập tắt hoàn toàn.

Thông tin liên lạc thông suốt là điểm mấu chốt trong chữa cháy rừng

Sau khi nhận được tin báo xuất hiện điểm cháy rừng, Ban chỉ đạo PCCCR tỉnh Lào Cai và huyện Sa Pa đã nhanh chóng điều động hơn 500 người, bao gồm: Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, kiểm lâm và người dân địa phương tiếp cận đám cháy. Để công tác chữa cháy rừng có hiệu quả, qua 2 vụ cháy, Ban chỉ đạo chỉ đạo PCCCR của tỉnh và huyện Sa Pa đã nhanh chóng thiết lập được hệ thống chỉ huy chia làm nhiều trạm,nên đã hình thành được một hệ thống chỉ huy, thông tin liên lạc thông suốt giữa các lực lượng, góp phần quan trọng vào việc nhanh chóng huy động lực lượng đến những điểm xung yếu, dập tắt cháy rừng.

Lực lượng Công an đang tiến hành khám nghiệm hiện trường để điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ cháy rừng.

Theo đó, sẽ có 3 trạm trực tiếp tham gia chữa cháy gồm: Trạm thứ nhất là trạm tiền tuyến, dùng để đón tiếp các lực lượng đến ứng cứu cháy rừng, có hệ thống thông tin, đảm bảo cung ứng lương thực thực phẩm, nước uống cho lực lượng chữa cháy. Đây là lực lượng rất quan trọng, là trạm tiền tuyến để trực tiếp nhận thông tin, báo cáo với Ban chỉ đạo PCCCR của tỉnh và các cơ quan liên quan để có biện pháp chỉ đạo kịp thời cho bất kỳ tình huống nào xảy ra;Trạm thứ hai là trạm đón tiếp tất cả các lực lượng chức năng, phân công các mũi và tổ chức hình thành, trực tiếp chỉ huy trên sơ đồ, thông tin liên lạc với các địa phương, quyết định lực lượng PCCCR và huy động các xã vào cuộc để dập tắt đám cháy trong thời gian sớm nhất, đây là trạm có đông đảo các lực lượng chỉ huy của tỉnh, của các ban, ngành và của huyện Sa Pa; Trạm thứ ba là trạm chỉ huy trực tiếp phòng cháy, chữa cháy, đây là lực lượng bao gồm những người có kinh nghiệm và tổ chức chỉ huy quyết liệt các phương án đã đặt ra để huy động dân quân dập tắt đám cháy và phát các đường băng cản lửa, cũng như tổ chức an toàn cho lực lượng PCCCR.

Phương án diễn tập 4 tại chỗ phát huy hiệu quả trên thực tế

Với phương châm 4 tại chỗ là: chỉ huy tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ được Ban chỉ đạo PCCCR của tỉnh và của huyện Sa Pa áp dụng trong lần cháy rừng này cũng đã đem lại hiệu quả cao. Theo ông Thào A Seng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sa Pa, lực lượng huy động chủ yếu là dân quân địa phương, những người có sức khỏe và thông thạo núi rừng. Đây là đặc điểm khác biệt giữa 2 vụ cháy lần này với những đợt cháy trước, lực lượng huy động chủ yếu là tự vệ của các cơ quan trong tỉnh và lực lượng vũ trang từ nơi khác đến không thông thạo địa hình nên việc tiếp cận đám cháy chậm và dập lửa rừng kém hiệu quả.

Lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng Hoàng Liên đang di chuyển về xã Tả Van, huyện Sa Pa sau một đêm ngủ lại trong rừng.

Anh Vù A Chương, một người dân xã Nậm Cang được huy động tham gia dập tắt cháy rừng tại thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, huyện Sa Pa cho biết: Do địa hình hiểm trở, núi cao vực sâu cùng với thời tiết hanh khô, gió thổi mạnh nên đám cháy lan nhanh, rất khó cho việc tiếp cận đám cháy. Tuy nhiên với nỗ lực của tỉnh Lào Cai và nhân dân huyện Sa Pa cùng với kinh nghiệm dập tắt cháy rừng của người dân địa phương, trực tiếp là những người thường xuyên đi rừng nên đám cháy đã được dập tắt trong thời gian nhanh nhất có thể. Cách dập lửa rừng mà anh Chương nói ở đây, chính là những cách chống cháy rừng truyền thống được nhân dân áp dụng, đó là: phát đường băng cản lửa, dùng cành cây để dập lửa, dùng can nhựa đựng nước mang lên đổ nước vào các hốc cây đã cháy trước đó nhằm ngăn chặn đám cháy bùng trở lại.

Rạng sáng 7/3, Tổ công tác tham gia chữa cháy, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Thanh Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cùng gần 800 người, gồm các lực lượng: Công an, dân quân, người dân địa phương đã dập tắt hoàn toàn 4 cao điểm cháy tại khu vực Nà Háng, thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, huyện Sa Pa.

Đến 6h45’ sáng 7/3, lực lượng phòng cháy, chữa cháy rừng Hoàng Liên khoảng hơn 500 người đã phải nghỉ lại trong rừng đêm qua (6/3), hiện đã về xã Tả Van, huyện Sa Pa. Tuy vậy, tại cao điểm cháy 1.969m thuộc khu vực vùng lõi Vườn quốc gia Hoàng Liên, lực lượng phòng cháy chữa cháy còn khoảng 100 dân quân tự vệ, 20 bộ đội cùng một số người dân bản địa vẫn túc trực để cảnh báo nguy cơ cháy trở lại từ các hốc than của các cây lớn đã cháy trước đó. Các lực lượng chức năng liên quan đang tích cực điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy rừng Hoàng Liên, để báo cáo UBND tỉnh Lào Cai trong thời gian sớm nhất… Tuy nhiên, do có nhiều điểm cháy khác nhau và địa hình hiểm trở nên vẫn chưa có con số thống kê chính xác về diện tích rừng bị thiệt hại. Theo một số người dân địa phương, có thể hiện tích bị cháy lên đến hàng chục héc-ta

Trung Hiếu - Trần Xuân
.
.
.