Kinh hãi với bánh mứt kẹo “made in Xuân Đỉnh”

Thứ Năm, 03/09/2009, 15:04
Cả chục công nhân không ai đeo găng tay hì hục xúc từng rổ bí tươi cho vào thùng ngâm vôi. Những thùng chứa lâu không sử dụng, có cái đã lở bê tông, có cái đã rêu mọc, cáu bẩn… Một số công nhân tiết lộ, để cho bí trắng hơn lại tiết kiệm thời gian, chỉ cần cho thêm một ít nước tẩy.

Những ngày này, các cơ sở sản xuất bánh mứt kẹo ở Xuân Đỉnh (Từ Liêm, Hà Nội) đã đồng loạt bước vào mùa vụ làm bánh trung thu. Không khí làng nghề đã sôi động lên rất nhiều. Hàng ngày, những chiếc xe tải vẫn nườm nượp ra vào, chở nguyên liệu cũng như đem sản phẩm đi phân phối. Từ đây, các sản phẩm bánh mứt kẹo được chuyển đi khắp nơi để tiêu thụ. Bởi thế, nếu không kiểm soát tốt khâu vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) thì hiểm họa thật khó lường…

Vẫn có sai phạm khi kiểm tra

Ngay sau tấm biển chào lớn "Làng nghề bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh kính chào quý khách" là một con mương đã chết. Nước thải đã chuyển màu đen đặc, bốc mùi hôi thối… Dọc theo đường Xuân La, vẫn thấy cảnh bí xanh phơi đầy trên rệ đường, mặc cho khói bụi bám vào… Giải thích về việc làm này, người làm nghề ở đây cũng rất thật thà: "Mỗi ngày làm tới cả vài tạ bí, nhà không có sân phơi nên đành phải mang ra đường".

Nói về tính vệ sinh của sản phẩm thì ai cũng khẳng định: "Trông vậy thôi chứ không ảnh hưởng gì đâu. Bí cần phơi để tăng độ trắng. Làm mứt có nhiều công đoạn: gọt - phơi - ngâm - sấy. Sau khi phơi khô, bí được ngâm trong nước vôi 3 ngày, sau đó ngâm nước sạch một ngày, tiếp đó chuội bằng nước sôi 100 độ C rồi mới vớt ra ủ đường, sấy khô. Do đó, sản phẩm vẫn rất an toàn, hợp vệ sinh".

Trung tâm làng nghề nằm ở thôn Đông. Ngay đầu thôn có một cơ sở sản xuất khá bề thế. Người chủ (xin được giấu tên) đang chỉ đạo đội ngũ công nhân thực hiện công đoạn gọt và ngâm bí. Cả chục công nhân hì hục xúc từng rổ bí tươi cho vào thùng ngâm vôi. Những thùng chứa lâu không sử dụng, có cái đã lở bê tông, có cái đã rêu mọc, cáu bẩn… Lạ hơn, chế biến thực phẩm nhưng không một người công nhân nào đeo găng tay.

Hỏi về những quy định VSATTP, người nào cũng lắc đầu, bảo "không biết, chưa rõ lắm". Vào sâu trong xưởng, những gói thành phẩm vẫn để lẫn lộn với đống nguyên liệu, không gian bốc mùi ẩm ướt. Những người công nhân với đôi tay trần vẫn thoăn thoắt nhào bột, làm nhân mứt, sấy cho bí khô…

Một số công nhân tiết lộ, để cho bí trắng hơn lại tiết kiệm thời gian, chỉ cần cho thêm một ít nước tẩy. Để cho mứt có màu bắt mắt chỉ cần một thao tác rất đơn giản: nhuộm với phẩm màu. Dĩ nhiên, nước tẩy hay phẩm màu đều là hóa chất, dù ít hay nhiều đều có hại tới sức khỏe con người cũng như ảnh hưởng tới môi trường.

Hầu hết cơ sở sản xuất ở đây còn mang nặng tính thủ công.

Theo bà Vũ Thị Vy, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Xuân Đỉnh, từ đầu năm tới nay đoàn cán bộ y tế xã đã phối hợp với Trung tâm Y tế Từ Liêm, Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra 49 cơ sở sản xuất kinh doanh bánh mứt kẹo. Kết quả là có 4 cơ sở bị nhắc nhở vì vi phạm tiêu chuẩn vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh người công nhân cũng như các dụng cụ làm việc; có 2 cơ sở bị phạt hành chính đồng thời bị đình chỉ hoạt động do không có công bố về VSATTP. Một điều đáng ngại là, việc kiểm tra chủ yếu được tiến hành với các cơ sở có quy mô sản xuất lớn trong khi có rất nhiều hộ làm nghề nhỏ lẻ theo qui mô gia đình, đối tượng này rất khó kiểm soát.

Mặc dù làng nghề đã có lịch sử lâu dài, thế nhưng cho tới nay vẫn chưa có hệ thống xử lí nước thải. Tất cả vẫn được thải ra mương, rãnh nằm ngay trong khu dân cư. Không gian làng nghề đang bị ô nhiễm.

Cần kiểm soát chặt hơn

Trao đổi về vấn đề đảm bảo VSATTP cho làng nghề, ông Nguyễn Ngọc Lương - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Đỉnh cho biết: "Toàn xã có 7.200 hộ thì có 49 hộ sản xuất bánh mứt kẹo. Thời điểm này, các hộ đã bắt đầu sản xuất ồ ạt, tình hình dịch bệnh lại đang gia tăng nên khâu VSATTP càng phải được giám sát chặt chẽ. Bởi vậy, ngày 26/8 vừa qua, UBND xã đã phối hợp với đoàn cán bộ y tế xã tiến hành tập huấn tuyên truyền cho tất cả 49 cơ sở, lấy cam kết, lấy mẫu xét nghiệm…

Dự kiến ngày 9/9 tới đây sẽ đồng loạt tiến hành kiểm tra sức khỏe, vệ sinh cá nhân cho toàn bộ công nhân đang làm việc tại làng nghề. Hy vọng chương trình này sẽ góp phần xây dựng một mùa trung thu an toàn hơn".

Bên cạnh những mặt còn tồn tại, về thị sát làng nghề đã bắt gặp những tín hiệu vui. Nhiều cơ sở, đặc biệt là những cơ sở lớn (Minh Ý, Sinh Hùng, Phượng Lực…) đã bớt dần tính thủ công, chuyển sang sử dụng máy móc dây chuyền, cho năng suất cao hơn, sản phẩm ít độc hại hơn. Trước đây, gần như hộ nào cũng sử dụng bếp than để chế biến, nay đã chuyển sang dùng thiết bị điện, sản phẩm vì thế cũng "sạch" hơn.

Bàn về chuyện phát triển làng nghề bền vững, ông Lương cho biết thêm: "Địa phương cần một khu sản xuất tập trung, quy tụ đủ 49 cơ sở. UBND xã đã có công văn gửi lên Sở Quy hoạch kiến trúc, Sở Công thương đề xuất 3 địa điểm nhưng đều đã trùng với qui hoạch của thành phố. Hiện tại, diện tích đất ở địa phương đã hết nên đành phải… đợi".

Mặc dù các mặt hàng bánh mứt kẹo Xuân Đỉnh còn tiềm ẩn mất VSATTP, thế nhưng chúng lại được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Một thực tế là, cùng một chủng loại hàng thì các sản phẩm "made in Xuân Đỉnh" luôn có lợi thế về giá. Tuy nhiên, để bảo vệ người tiêu dùng và sự phát triển bền vững của một làng nghề, việc kiểm soát VSATTP ở Xuân Đỉnh còn rất nhiều việc phải làm

Hà Ly
.
.
.