Kiến nghị sửa đổi nhiều quy định về hoạt động xuất bản

Chủ Nhật, 18/09/2016, 09:22
Ngày 17-9, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, ông Lê Hoàng cho biết, Hội Xuất bản Việt Nam đã thay mặt các hội viên chính thức gửi kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương và 9 cơ quan hữu quan, tổ chức khác, đề nghị sửa đổi những quy định với hoạt động xuất bản trong Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015).

Đây là những quy định được cho rằng không phù hợp, thậm chí gây hoang mang cho người làm công tác xuất bản, tạo ra rào cản cho sự phát triển của ngành Xuất bản nói chung.

Theo Hội Xuất bản Việt Nam, từ ngày 1-7-2013 đến nay, Luật Xuất bản 2012 và Nghị định 159/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản đã và đang được thực thi có hiệu quả. 

Vì vậy, chủ trương đúng đắn của Chính phủ không hình sự hóa hoạt động kinh tế cần được quán triệt cả trong hoạt động nghiệp vụ và thủ tục hành chính đối với xuất bản. 

Ngược lại, những hành vi vi phạm mang tính chất rất nguy hiểm cho xã hội và đất nước, cần đưa vào Bộ luật Hình sự để xử phạt đích đáng. Tuy nhiên, các quy định trong BLHS 2015 không phù hợp với thực tiễn. 

Cụ thể, tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, điều 225 quy định xử phạt người không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam, thu lợi bất chính không hợp lý và không đủ sức răn đe. 

Những hành vi vi phạm trong Điều 225 về bản chất là in trái phép cần được nghiêm trị. Nhưng nếu chỉ căn cứ vào số tiền gây thiệt hại để đưa ra tội danh và mức xử phạt thì sẽ bỏ sót tội cố ý tuyên truyền sai lệch về nhiều vấn đề trọng yếu khác như chủ quyền quốc gia.

Điều 334 của BLHS 2015 cũng có rất nhiều bất cập, trong đó có quy định một trong những hành vi phạm tội là “Không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản xuất bản phẩm, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”. 

Ở nước ta hiện nay chưa có một văn bản luật nào quy định cụ thể về biên tập nói riêng hay quy trình nghiệp vụ của ngành xuất bản nói chung. Trong thực tế hoạt động, mỗi nhà xuất bản áp dụng quy trình riêng do mình tự xây dựng. Đây đơn thuần chỉ là những hoạt động mang tính nghiệp vụ của ngành Xuất bản. 

Vì vậy, quy định hành vi “không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo nhưng vẫn xuất bản” nhưng không nói rõ căn cứ để xác định hành vi “không tuân thủ” là dựa vào quy trình của nhà xuất bản, hay theo quy định của pháp luật là một sự thiếu sót cần sửa đổi.

Theo Luật Xuất bản, trong từng trường hợp cụ thể mà đối tượng đặt in phải cung cấp cho cơ sở in quyết định xuất bản, bản thảo có chữ ký duyệt của tổng giám đốc (giám đốc) nhà xuất bản, giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh. Xác nhận đăng ký xuất bản không phải là một trong những giấy tờ bắt buộc mà cơ sở in yêu cầu bên đặt in cung cấp. 

Việc BLHS 2015 quy định cơ sở in bị xử phạt khi in trên 2.000 bản đối với từng xuất bản phẩm không có xác nhận đăng ký xuất bản là một quy định tạo ra sự mâu thuẫn giữa BLHS 2015 với Luật Xuất bản 2012. Hơn nữa, xin “xác nhận đăng ký xuất bản” cũng không phải là nghĩa vụ của cơ sở in, nên việc gán ghép tội này cho cơ sở in là không hợp lý.

Hội Xuất bản cũng kiến nghị cần có chế tài phạt thật nặng hành vi in lậu sách vì nó đã gây ra tác hại nặng nề, nguy hiểm đối với sự tồn tại và phát triển của ngành Xuất bản trong nhiều năm qua. Dù chỉ in 10 bản mà là sách lậu, sách có nội dung xấu, nguy hiểm cũng phải xử lý hình sự và cũng không chỉ phạt hình sự cơ sở in, mà còn phạt cả những người thuê người khác in lậu, sao lậu xuất bản phẩm...

Ngọc Nguyễn
.
.
.