Nguy cơ quá tải Cảng Hải Phòng do kiểm soát tải trọng xe:

Kiến nghị Bộ GTVT cần có phương án tháo gỡ khẩn cấp

Thứ Năm, 08/05/2014, 07:17
Như CAND đã đưa tin, việc kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ là chủ trương cấp đúng và cấp bách nhằm lập lại trật tự ATGT, chống quá tải để bảo vệ công trình giao thông, góp phần làm giảm TNGT. Tuy nhiên, do đây là lần đầu triển khai trên cả nước, mỗi tỉnh thành phố chỉ được trang bị 1 bộ cân nên phải bố trí luân phiên trên các tuyến đường khiến khâu kiểm soát thiếu chặt chẽ, hoạt động tác nghiệp của các trạm vẫn còn nhiều điều bất cập.

Đây chính là nguyên nhân khiến chủ trương dù đũng đắn nhưng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động vận tải hàng hoá. Đặc biệt, tại Hải Phòng, nơi có hệ thống cảng thương mại lớn nhất và quan trọng nhất miền Bắc đã chịu những tác động xấu. Hàng hoá tồn đọng trong khu vực cảng ngày càng nhiều, tốc độ bốc dỡ hàng hoá chậm kéo theo chậm giải phóng tàu. Từ 1/4 đến nay, lượng hàng tồn kho đã vượt ngưỡng cho phép. Nếu không có giải pháp tháo gỡ, dù Cảng không còn chỗ để chứa hàng nhưng vẫn không thể đóng cảng. Thiệt hại về kinh tế, uy tín dịch vụ hàng hải, dịch vụ vận tải đa phương thức sẽ giảm sút gây thiệt hại cho nền kinh tế.

Ông Bùi Chiến Thắng, Phó TGĐ Cảng Hải Phòng cho biết, chỉ sau 1 tháng triển khai kiểm soát tải trọng xe ô tô thông qua các trạm cân, lượng hàng container tại khu vực Tân Cảng tăng lên 12.000TEU (tương đương 12.000 container 20 feet hoặc 6.000 container loại 40 feet) trong khi công suất thiết kế chỉ là 9.000 TEU. Tại khu vực Chùa Vẽ dù mặt bằng nhỏ hẹp hơn nhưng lượng hàng tồn cũng đã trên 7000 TEU. Đây là hiện tượng tồn kho lớn nhất từ trước đến nay và Cảng chưa bao giờ gặp phải. Để giải toả mặt bằng lấy chỗ tiếp tục làm hàng, Cảng đã huy động sức chứa của tất cả khác khu bãi xếp dỡ hiện có trên toàn bộ diện tích cảng đang sử dụng, kể cả những mặt bằng đang vướng mắc công trình thi công cơ sở hạ tầng. Phó TGĐ Bùi Chiến Thắng bày tỏ mối lo ngại rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế, chủ yếu là cầm cự chờ chủ trương tháo gỡ. Nếu cứ kèo dài chừng vài tháng nữa, chắc chắn sẽ  làm chậm tốc độ giải phóng tầu. Nghĩa là ngoài ứ đọng hàng hoá trong cảng còn ách tắc tàu vào cầu cảng, luồng tàu chạy.

Hàng hoá tồn đọng ngày càng nhiều tại cảng Hải Phòng đang trông chờ chủ trương tháo gỡ từ Bộ GTVT.

Đối với mặt hàng gạo chuyển tải xuất khẩu qua đường bộ đi Trung Quốc cũng gặp không ít khó khăn. Do các phương tiện vận tải ô tô giảm tải nên tốc độ rút hàng ra khỏi cảng rất chậm. Phương án tăng cường bằng tàu hoả cũng không thể khả quan vì liên quan đến lịch chạy tàu nên lượng hàng lưu kho ngày càng tăng. Phương án di chuyển gạo khởi kho ngoài phạm vi cảng đã được sử dụng ngay từ những ngày đầu tháng 4, nhưng chỉ chừng 1 tuần sau đó, hầu như không có cơ sở nào còn kho chưa cho thuê. Về hàng thiết bị cồng kềnh, nguyên chiếc nhập khẩu: Thời gian gần đây gần như chủ hàng không rút loại hàng này từ bãi cảng mà chỉ rút xe công trình và một số hàng thiết bị cỡ nhỏ, lượng tồn tại Cảng hiện khoảng 5.000 tấn. Nguyên nhân là do nhà xe sợ quá tải nếu phải chuyên chở trên đường và cũng không còn cách nào để giảm tải loại hàng nguyên khối này. Riêng mặt hàng thức ăn gia súc rời lại đúng vào vào chu kỳ nhập khẩu tăng mạnh phục vụ ngành chăn nuôi trong nước nên lượng hàng về cảng rất lớn. Ngược lại, lượng xe vào Cảng nhận loại hàng này ngày càng ít nên năng xuất giải phóng tầu giảm hẳn. Trước kia, xe ăn hàng luôn đợi công nhân bốc xếp thì nay, công nhân cảng thừa việc và luôn phải đợi xe đến rút hàng. Như vậy, Tổng lượng hàng rời các loại đang tồn ở khu Hoàng Diệu khoảng 7.000 tấn.

Ngoài ra, lượng lưu huỳnh rời tập kết đổ đống ở cảng nay đã tồn hơn 12.000 tấn. Đó là chưa tính đến 1 tầu chở 10.000 tấn lưu huỳnh nữa xin được bốc dỡ để quay tàu rời cảng nhưng vẫn chưa thể bố trí được mặt bằng tập kết lưu huỳnh.

Trước tình hình bế tăc nêu trên, Lãnh đạo Cảng Hải Phòng đã đưa ra một số kiến nghị như sau: Hiện nay đang có rất nhiều công trình dự án trong khu vực miền bắc có nhu cầu vận chuyển thiết bị và hàng nặng đều tập trung xếp dỡ ở khu vực xí nghiệp xếp dỡ Hoàng Diệu của Cảng Hải Phòng, Cảng Hải phòng đề nghị Bộ có giải pháp khẩn cấp để tiếp tục vận chuyển lượng hàng siêu trường siêu trọng này. Có thể tính đến việc cấp giấy phép quá tải riêng cho từng lô hàng và đúng chủng loại.

Thứ hai, trong khi chưa thể giải quyết đẩy mạnh khối lượng vận chuyển bằng phương tiện đường bộ bởi chủ trương siết kiểm tra tải trọng tại các TCLĐ cần phải huy động và tổ chức lại phương án vận tải bằng đường sắt. Tuy nhiên, phương án này cũng đã phát sinh trở ngại khác. Đó là, tại những đoạn đường kết nối các cổng cảng tại xí nghiệp xếp dỡ Hoàng Diệu có nền đường rất yếu. Do đó, Cảng đề nghị Bộ GTVT, Tổng cục đường sắt cần có phương án gia cường những đoạn này thì mới đảm bảo an toàn khi chở hàng nặng.

Thứ ba, toàn bộ số container ở các cảng thuộc khu vực Đình Vũ hiện nay đều được chuyên chở qua đoạn đường nối Ngã 3 Chùa Vẽ  - Đình Vu (đường 356). Đề nghị sớm có giải pháp kết nối đường sắt với các bến cảng tại khu vực Đình Vũ để góp phần giảm tải vận chuyển container đường bộ. đồng thời để giúp lưu thông tại khu vực này được nhanh hơn, đề nghị sớm xây dựng hệ thống cầu vượt ở ngã 3 này.

Sau khi nghe kiến nghị, đề xuất của Cảng Hải Phòng và tham vẫn ý kiến của các cấp, ngành liên quan, thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã yêu cầu các Ngành, Vụ, đơn vị...khẩn trương rà soát, tổng hợp các vấn đề then chốt về vướng măc, tác động xấu từ việc thắt chặt kiểm soát tải trọng đối với xe ô tô để trình Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét giải quyết. Thứ trưởng Bộ GTVT cũng khẳng định việc triển khai kiểm soát tải trọng là chủ trương đúng đắn để hướng đến nhiều lợi ích mang tính cộng đồng và cho bản thân các doanh nghiệp. Do đó, cùng với nỗ lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Bộ, ngành, Cảng Hải Phòng nói riêng và các doanh nghiệp vận tải nói chung cũng cần tích cực hợp tác trong triển khai các giải pháp đồng bộ, sắp xếp lại quy trình sao cho phù hợp và tương thích với chủ trương kiểm soát tải trọng xe.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cũng nhấn mạnh, Bộ biết lắng nghe, biết nhìn nhận thực tế đang diễn ra, các cấp các ngành và các doanh nghiệp đồng lòng chung tay tháo gỡ thì chắc chắn khó khăn sẽ được tháo gỡ, chủ trương sẽ thông suốt, mọi thứ sẽ tuân theo một trật tự mới, bài bản và nề nếp. Điều đó chỉ có lợi cho đất nước, cho cảng và cho cả doanh nghiệp

Lê Minh Triết
.
.
.