Kiểm tra kỹ về chủ sử dụng trước khi đi làm việc ở nước ngoài

Thứ Sáu, 29/03/2013, 21:20
Thời gian vừa qua đã xảy ra tình trạng người lao động bị một số cá nhân lừa đưa sang Malaysia làm giúp việc gia đình thông qua môi giới tại Malaysia. Cứ mỗi lao động giúp việc, môi giới sẽ được chủ sử dụng trả 4.000 USD. Tuy nhiên vì không có hợp đồng chính thức, mọi rủi ro trong quá trình làm việc, lao động phải tự gánh chịu, tự xoay sở, thậm chí bị chủ sử dụng đưa đến bỏ lại trước cửa Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Malaysia.
>> DN tuyển lao động đi Angola trái phép nhận khắc phục hậu quả

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, Malaysia đã và đang là thị trường tiềm năng tiếp nhận số lượng lớn lao động Việt Nam và đang được nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) đưa đi làm việc hợp pháp, người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, cần tìm hiểu kỹ thông tin, tránh bị các đối tượng lừa đảo.

Theo thông tin từ Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia báo cáo về Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) trong ngày 12/3/2013, lao động Định Thị  Huyền (39 tuổi, quê quán: xóm Khuôn 3, Phục Linh, Đại Từ, Thái Nguyên) đã gửi đơn trình báo đề nghị trợ giúp đến ĐSQ Việt Nam tại Malaysia. Chị Huyền cho biết, chị được Trần Thu Phương đưa sang Malaysia làm giúp việc gia đình từ ngày 3/3/2011. Đến nay, chị Huyền đã chuyển chủ sử dụng nhiều lần, và do sức khỏe không tốt, chị Huyền không muốn tiếp tục làm việc. Ban Quản lý lao động đã hướng dẫn chị Huyền trực tiếp làm thủ tục tại bộ phận Lãnh sự thuộc ĐSQ để được về nước.

Trước đó vào tháng 1/2013, ĐSQ Việt Nam tại Malaysia cũng đã làm thủ tục đưa lao động La Thị Tươi, bị chủ sử dụng bỏ rơi tại cửa ĐSQ, về nước. Lao động này đi cũng được Trần Thu Phương đưa sang Malaysia từ năm 2010. Cục QLLĐNN khẳng định, trường hợp lao động Đinh Thị Huyền đi làm việc ở nước ngoài nhưng không ký kết hợp đồng với DN XKLĐ hoặc đăng ký với Sở LĐ-TB&XH địa phương về việc thực hiện hợp đồng cá nhân thông qua đối tượng Trần Thu Phương là không đúng quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Đây là tình trạng đã từng xảy ra đối với các lao động nhẹ da, thiếu thông tin bị các cá nhân dụ dỗ sang Malaysia theo hình thức cá nhân và đi theo đường du lịch.

Cục QLLĐNN cung cấp thêm về cá nhân Trần Thu Phương là đối tượng giả danh, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động để đưa người đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp. Đối tượng này đang bị cơ quan công an Việt Nam truy nã từ tháng 4/2012.

Theo các chuyên gia về lĩnh vực XKLĐ thì tình trạng bị lừa thường diễn ra theo hình thức này, do các đối tượng lừa đảo lợi dụng việc visa du lịch của Malaysia có thời hạn trong vòng 1 tháng để đưa lao động sang, phó mặc cho môi giới tại Malaysia.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Ngọc Ngoan, Giám đốc Công ty Đào tạo nghề, xuất nhập khẩu lao động, Tổng công ty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Quốc phòng (GAET) cho biết, người lao động cần phải nâng cao trách nhiệm trước khi quyết định đi làm việc ở nước ngoài, không đi theo cá nhân. Đối với thị trường Malaysia, người lao động cần phải kiểm tra kỹ các thông tin liên quan đến địa điểm làm việc; loại hình nhà máy tại Malaysia; nhà máy đó đã có lao động Việt Nam làm việc chưa. Đặc biệt, cần kiểm tra kỹ hợp đồng ngoại, nắm được địa chỉ nhà máy, chủ sử dụng lao động.

Trong trường hợp cần thiết và tốt nhất, nên làm là gọi điện cho Ban Quản lý lao động Việt Nam tại Malaysia để nhờ Ban kiểm tra về tình hình nhà máy tại Malaysia. Tuy nhiên, một số DN vẫn để cho lao động khi sang đến Malaysia mới ký hợp đồng ngoại, trong trường hợp này, ông Ngoan khuyến cáo, người lao động cần yêu cầu được xem hợp đồng ngoại trước khi đi.

Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, sau khi chấn chỉnh những tồn tại của thị trường Malaysia, như việc chậm gia hạn visa, nâng cao chất lượng của các hợp đồng, thị trường Malaysia tiếp tục là thị trường XKLĐ tiềm năng của Việt Nam. Cùng với việc Chính phủ Malaysia đã quyết định áp dụng chính sách tiền lương mới cho lao động nước ngoài từ 1/1/2013 lên 35RM/ngày, lương cơ bản của lao động làm việc tại Malaysia đạt 900 RM/tháng (tương đương 300 USD), chưa kể làm thêm giờ.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại Malaysia từ năm 2002. Để đưa lao động sang làm việc tại Malaysia một cách có trật tự, phù hợp với luật pháp hai nước, ngày 1/12/2003, Việt Nam và Malaysia đã ký Bản Ghi nhớ về tuyển dụng lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia.

Từ đó đến nay, đã có khoảng 190.000 lao động Việt Nam sang làm việc tại Malaysia, trong đó lao động Việt Nam làm việc tại Malaysia tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất chế tạo (khoảng 70%); số lao động Việt Nam làm việc trong các ngành nghề khác chỉ chiếm khoảng 30%. Hiện tại, đang có gần 70 ngàn lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia.

Thu Uyên
.
.
.