Kiểm tra chặt chẽ hợp đồng, không nóng vội đưa lao động sang

Thứ Năm, 23/05/2013, 23:30
"Bộ không cấm ai, không cấp phép, chỉ nói rằng hợp đồng đáp ứng được các điều kiện như thế thì cho thực hiện. Cho đến giờ chưa có một hợp đồng nào đáp ứng được đầy đủ các điều kiện như thế cả", Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH Nguyễn Thanh Hòa nhấn mạnh về việc đưa người lao động sang Angola.
>> Bài học đau xót từ việc xuất khẩu lao động “chui”

Sau khi Báo CAND đăng tải loạt bài viết liên quan đến những bài học đau xót từ việc đưa lao động chui ra nước ngoài, đặc biệt là làn sóng sang làm việc tại Angola, ngày 21/5, Thứ trưởng Bộ LĐ - TB&XH Nguyễn Thanh Hòa đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với phóng viên Báo CAND về vấn đề này.

Ông Hòa khẳng định: “Chúng ta đừng sốt ruột thấy chỗ này, chỗ kia, đưa đi bằng cách này cách kia kiếm được nhiều tiền mà sốt ruột. Phải lấy lợi ích của người lao động lên trên chứ không thể lấy lợi ích của một nhóm tập thể nào đó”.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết quan điểm của Bộ LĐ - TB&XH về thị trường Angola. Có nên đưa lao động sang thị trường này hay không?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Về thị trường Angola đúng là có tiềm năng, đặc biệt là gần đây sôi động dần lên do Trung Quốc và một số nước đầu tư vào nhiều, có việc làm. Nhưng để đưa lao động sang hợp pháp không phải dễ.

Không phải gần đây báo chí nói đến mà Bộ mới quan tâm, mà cách đây 3 - 4 năm, Bộ LĐ - TB&XH đã mời một vị lãnh sự danh dự am hiểu về Angola, người đã từng đưa rất nhiều lao động sang Angola cùng một số doanh nghiệp (DN) để bàn làm thế nào đưa người lao động sang Angola một cách hợp pháp, đảm bảo quyền lợi của người lao động. Sau mấy tuần trao đổi thì thấy bế tắc.

Đại sứ Đỗ Bá Khoa trước khi lên đường sang làm nhiệm vụ tại Angola, chúng tôi cũng mời sang bàn hai việc, một là làm việc với các cơ quan chức năng của bạn cố gắng để ký Hiệp định hợp tác lao động, trong trường hợp không ký Hiệp định thì có cách gì để đưa lao động sang hợp pháp.

Sang một năm thì Đại sứ nhận định, chưa thể ký được hiệp định vì bạn chưa ký với bất kỳ nước nào. Còn cách gì để đưa sang thì Đại sứ thấy rất khó khăn do luật pháp ở Angola cũng chưa hoàn thiện.

Sau đó, Bộ đã cử một đoàn của Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) sang khảo sát xem có làm được không, đoàn đi về có báo cáo. Thứ nhất theo thông tin của ĐSQ, ta có 3 - 4 vạn người đang làm ăn sinh sống ở Angola, chủ yếu đi sang bằng con đường khác, không ngoại trừ có các DN núp dưới danh nghĩa tư vấn để đưa đi.

Đại bộ phận sang nay làm việc này, mai làm việc khác. Không có chủ sử dụng chính thức. Visa có loại du lịch, có một số không biết cách nào có được visa lao động.

Xã hội Angola đang ở giai đoạn phát triển còn nhiều vấn đề. Nhưng mấu chốt là DN đưa sang, hợp đồng phải đảm bảo các điều kiện cơ bản nhất của quy định của pháp luật: Việc làm ổn định, thu nhập đảm bảo, điều kiện lao động đảm bảo cũng như đảm bảo những điều kiện sinh hoạt tối thiểu khác.

Đến giờ phút này, Bộ không cấm ai, không cấp phép, chỉ nói rằng hợp đồng đáp ứng được các điều kiện như thế thì cho thực hiện. Cho đến giờ chưa có một hợp đồng nào đáp ứng được đầy đủ các điều kiện như thế cả.

Chúng ta đừng sốt ruột thấy chỗ này chỗ kia đưa đi bằng cách này cách kia kiếm được nhiều tiền mà sốt ruột. Phải lấy lợi ích của người lao động lên trên chứ không thể lấy lợi ích của một nhóm tập thể nào đó lên trên.

PV: Vậy việc đưa lao động một cách hợp pháp sang Angola có được tính đến không thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Hiện nay Bộ LĐ - TB&XH đang xem xét một số hợp đồng có triển vọng. Triển vọng ở chỗ là hợp đồng có chủ sử dụng thực sự. Chủ ấy lại là người Việt Nam. Nhưng để đảm bảo cho người lao động thì phải làm sao phải quản lý được người ta, đừng để người ta làm một thời gian rồi lại bỏ ra ngoài hợp đồng, lại trở thành bất hợp pháp. Bởi vì có rất nhiều cám dỗ.

Hiện nay bên đó có một số nghề nhận sửa chữa nhà cho dân, nhận được khoán hời là thu nhập rất cao, nhưng sau 1 - 2 tháng xong nhà đó, không biết như thế nào cả. Điều này hiện chưa DN nào trả lời được.

Một số hợp đồng hiện Cục QLLĐNN đang thẩm định lần này, ĐSQ phải xuống thẩm định, DN phải sang trực tiếp, đảm bảo về tiền lương, có được quota tiếp nhận lao động nước ngoài và phải có cách quản lý lao động giữa DN mình và chủ sử dụng bên đó. Nhà nước phải tính dài hơn, không chỉ đưa người ta sang kiếm đồng tiền. Việc xem xét chặt chẽ hợp đồng là cần thiết.

PV: Tuy nhiên khi chưa có cách đưa lao động sang hợp pháp thì làn sóng người sang Angola diễn ra ở nhiều địa phương?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Một vài DN cách đây 3 năm, trong đó có cả Vinaconex có manh mún đưa đi nhưng khi nghiên cứu kỹ đã phải đầu hàng. Thói quen dân mình hay theo phong trào, bị lợi ích cám dỗ. Có việc làm thì lương cao, nghe 1.500 - 1.700 USD thì mê tít, nhưng 1 - 2 tháng được lương cao, sau đó lại lang thang, bất kể lúc nào cũng có thể ở trong tình trạng bất hợp pháp thì nên chọn cái gì?

Tôi đã trực tiếp yêu cầu ĐSQ có lời cảnh báo sau chuyến đi của ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục Lãnh sự và Cục QLLĐNN gửi đã có một cảnh báo về thị trường này. Tôi nói luôn những gì thuộc về phong trào thì không thành công.

XKLĐ theo phong trào là hỏng, được một thời gian là chìm xuống, không bền vững. Tôi cũng sẽ nhắc nhở các địa phương khuyến cáo người dân muốn sang làm ăn sinh sống, làm ăn tại Angola phải chọn con đường hợp pháp để đảm bảo quyền lợi của mình.

PV: Riêng về Công ty Colecto, Thanh tra Cục đã thanh tra từ rất lâu rồi, kết quả đến đâu rồi thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Thanh tra và ra kết luận xử lý là thẩm quyền của Cục QLLĐNN, tôi đã có ý kiến về việc này.

Tôi có nghe Colecto, và một vài DN nữa, Cục sẽ kiểm tra, cố tình vi phạm thì phải xử lý. Chắc chắn sớm đây Cục sẽ có kết luận rõ ràng. Đối với hình thức xử lý cao nhất là rút giấy phép, trong Luật có quy định, DN vẫn phải chịu trách nhiệm đến người lao động cuối cùng hết hạn hợp đồng về nước.

Nếu không có tiền để trả thì còn có ký quỹ 1 tỷ ở ngân hàng, trong trường hợp DN tuyên bố không trả được, thì Cục có quyền ra lệnh rút ký quỹ ở ngân hàng để trả cho người lao động.

PV: Theo thông tin chúng tôi mới nhận được do lao động cung cấp, hiện một số lao động Colecto đưa đi đang kẹt lại tại Angola lo sợ về nước không được trả tiền, báo chí trong nước đưa tên lao động lên, một lao động mới đây đã bị giết?

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Hòa: Tôi sẽ kiểm tra chuyện đó qua cơ quan bảo vệ quyền lợi hợp pháp của lao động tại nước ngoài là cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Nếu đúng là công ty đưa đi thì công ty phải có trách nhiệm đưa người lao động về và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn việc đó. Nếu không hoàn toàn như thế thì Bộ sẽ chỉ đạo để phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền liên quan hỗ trợ người lao động việc này

Thu Uyên
.
.
.