Kiểm soát nhập khẩu rác thải phải "ngay từ nguồn"

Thứ Hai, 17/12/2007, 10:29
Có vụ hàng hóa ghi trên tờ khai là nhập quặng chì, nhưng thực chất là nhập ắc-quy chì phế thải; hoặc ghi nhập vỏ chai nhựa đựng nước uống (chai PET) nhưng lại là túi nilon, sợi hóa học... thu gom từ các bãi rác, ô nhiễm và xú uế trầm trọng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết,  mặc dù Bộ đã có văn bản chỉ đạo quản lý, giám sát chặt chẽ việc nhập khẩu chất thải vào Việt Nam, nhưng từ đầu năm đến nay, hàng chục nghìn tấn rác thải vẫn ngang nhiên được nhập khẩu vào nước ta với đầy đủ giấy tờ thông quan và có chứng nhận "đủ tiêu chuẩn nhập khẩu" của Sở TN&MT một số địa phương.

Vì thế, mới đây Cục Cảnh sát Môi trường (C36) cho rằng: cần phải kiểm soát "ngay từ nguồn" .

Cụ thể là: Cảnh sát môi trường phối hợp với các địa phương điều tra, lập danh sách các công ty, doanh nghiệp, cá nhân tham gia nhập phế liệu dưới mọi hình thức; nắm bắt hoạt động vận chuyển mặt hàng này trong nước và quốc tế để có biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ, hạn chế thấp nhất việc lợi dụng nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để vận chuyển, nhập khẩu phế liệu nguy hại, không bảo đảm tiêu chuẩn môi trường vào Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng, biện pháp xử phạt đủ mạnh mới đủ sức răn đe, phòng ngừa. Vì  hiện nay, Cảnh sát môi trường quá mới, trong Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính không có quy định lực lượng Cảnh sát môi trường được xử phạt vi phạm hành chính mà phải "nhờ" lực lượng Thanh tra môi trường xử phạt giúp (không quá 20 triệu đồng/vụ).

Cục Cảnh sát môi trường (C36) cho biết: Thủ đoạn thường thấy của doanh nghiệp là "khai báo hàng hóa một đằng, nhập hàng một nẻo" hoặc khai phế liệu nhập khẩu nằm trong danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất, nhưng trên thực tế toàn là rác thải nguy hại.

Có vụ hàng hóa ghi trên tờ khai là nhập quặng chì, nhưng thực chất là nhập ắc-quy chì phế thải; hoặc ghi nhập vỏ chai nhựa đựng nước uống (chai PET) nhưng lại là túi nilon, sợi hóa học... thu gom từ các bãi rác, ô nhiễm và xú uế trầm trọng.

Doanh nghiệp còn móc nối với cá nhân, tổ chức nước ngoài làm giấy tờ giả chứng minh hàng hóa (rác thải) được phép xuất khẩu, nhưng C36 phối hợp với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) và Bộ Tài nguyên và Môi trường xác minh thì doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài đó không tồn tại hoặc giấy tờ giả mạo hoàn toàn.

Cũng có trường hợp, sau một phi vụ làm ăn mờ ám, xuất được rác thải nguy hại, doanh nghiệp nước ngoài "biến mất".

Qua các vụ vi phạm cho thấy, sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng kiểm soát phế thải nhập lậu còn lỏng lẻo, thậm chí tách rời nhau.

Cơ quan cảng vụ, khi tàu hàng về liền bốc dỡ, chuyển các container vào khu vực kho hàng; tiếp đó chủ hàng mới làm thủ tục hải quan.

Như vậy, nếu các container chứa rác thải có mầm bệnh, dịch bệnh nguy hiểm, chất phóng xạ... nhập kho thì nhiều khi cũng là "sự đã rồi".

Việc ngành Hải quan đưa danh mục hàng hóa là phế liệu nhập khẩu vào "luồng xanh" và nằm trong danh mục hàng hóa miễn kiểm (nếu có thì do công chức hải quan đề xuất kiểm từ 5 đến 10% hoặc lên tới 100%) cũng góp phần tạo "kẽ hở" trong quản lý, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lợi dụng đưa phế liệu không bảo đảm tiêu chuẩn và các hàng hóa nguy hại khác vào Việt Nam một cách hợp pháp.

Các vụ nhập rác bẩn ở một số địa phương cho thấy có sự thông đồng, móc ngoặc của cán bộ cơ quan chức năng, đặc biệt là của Sở Tài nguyên và Môi trường một số địa phương đã xác nhận cho nhập khẩu cả phế liệu không đủ tiêu chuẩn nhập khẩu

PV
.
.
.