Kiểm soát huyết áp và cân nặng để không nguy hiểm tới tính mạng

Thứ Hai, 09/11/2020, 06:16
Tỷ lệ người Việt Nam mắc phình động mạch não (hay dị dạng mạch não) rất cao, chiếm khoảng 5% dân số. Không chỉ người lớn, thậm chí có trẻ 4-5 tuổi đã mắc phình động mạch não. Các yếu tố nguy cơ gây túi phình mạch não vỡ là huyết áp cao, nghiện rượu, hút thuốc lá, béo phì…


Có tiền sử nghiện rượu và hút thuốc lá, sau một lần tai nạn sinh hoạt tự ngã, bệnh nhân N.V.H (58 tuổi, ở Bắc Ninh) lâm vào hôn mê, được điều trị ở tuyến tỉnh, sau đó chuyển lên Bệnh viện Việt - Đức. Tại đây, qua thăm khám và chụp cắt lớp, các bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân có túi phình mạch não vỡ và được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

PGS.TS Đồng Văn Hệ đang xem phim chụp 1 ca phình mạch não.

Những trường hợp mắc phình động mạch não nhưng không biết, chỉ khi vỡ phải vào viện cấp cứu như trường hợp bệnh nhân H rất phổ biến. Phình động mạch não chưa vỡ rất hiếm khi biểu hiện lâm sàng, triệu chứng của bệnh rất ít, khó phát hiện, thường nhiều người bị vỡ mới phát hiện mình mắc dị dạng mạch não. Do vậy, người bệnh thường không đi khám bệnh.

Chẳng hạn như ca bệnh 24 tuổi ở Hà Nội, bị viêm màng não, xuất huyết não dẫn tới hôn mê, được chuyển từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương sang Bệnh viện Việt - Đức can thiệp phẫu thuật là một ví dụ. Tại đây, sau khi làm chụp chiếu, bệnh nhân được chẩn đoán vỡ túi phình mạch.

Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật thần kinh cho biết, dị dạng mạch máu não có rất nhiều loại, nhưng hay gặp nhất là phình động mạch não, u máu não, u máu thể hang, dò động tĩnh mạch não… Nguyên nhân gây phình động mạch não chưa biết rõ, nhưng có một số yếu tố có liên quan đến nguyên nhân dễ gặp hơn như: Viêm nhiễm, chấn thương, những người có bệnh lý thành mạch máu...

Một số yếu tố liên quan khác cũng cho liên quan đến phình mạch não như huyết áp cao, hút thuốc. Nhưng u máu ở não phần lớn là bẩm sinh, tuy nhiên không có nghĩa là di truyền, mà bệnh hình thành trong quá trình mang thai, không phải bố mẹ truyền cho con. Tỷ lệ u máu ở não do bố mẹ truyền cho con cũng có nhưng rất ít.

PGS Đồng Văn Hệ cũng cho biết, tỷ lệ dân số Việt Nam mắc dị dạng mạch não rất cao, chiếm tới 5% dân số. Phần lớn dị dạng mạch não không gây tai biến gì, người bệnh sống suốt đời với nó. Tỷ lệ nguy hiểm (tai biến) của dị dạng mạch não rất ít, chiếm 0,25%, nghĩa là 1 nghìn người có phình mạch thì chỉ có 2 người vỡ, còn lại sống chung suốt đời.

Để phòng chống vỡ phình mạch não, theo khuyến cáo của chuyên gia, người dân nên kiểm soát huyết áp, không hút thuốc lá, giảm bớt rượu, bia, kiểm soát cân nặng, thường xuyên tập luyện, đặc biệt là chạy và đi bộ rất tốt cho tim mạch và giảm nguy cơ dị dạng mạch não.

Trần Hằng
.
.
.