Kiểm soát giao dịch đáng ngờ để chống rửa tiền

Thứ Tư, 30/07/2008, 08:26

Trước hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài; hoạt động giao dịch tiền tệ trong nước ngày càng mở rộng. Nhằm ngăn chặn những đồng tiền bẩn do các hành vi phạm tội mà có được rửa một cách sạch sẽ; kẻ phạm tội núp trong bóng tối nếu không bị phát hiện sẽ nghiễm nhiên trở thành một doanh nhân khả kính, một nhà đầu tư tầm cỡ sau khi số tiền phạm pháp được rửa sạch…

Khung pháp lý đối với hoạt động chống rửa tiền trên lãnh thổ Việt Nam đã được quy định tại Điều 19 Luật Tổ chức tín dụng năm 1997. Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng có riêng một điều quy định về tội danh hợp pháp hóa số tiền, tài sản do phạm tội mà có.

Theo đó, hình phạt cao nhất được áp dụng với tội danh này lên tới 15 năm tù giam cộng với hình phạt bổ sung là tịch thu tài sản, phạt tiền đến 3 lần số tiền hoặc giá trị tài sản được hợp pháp hóa.

Về phía Chính phủ, việc ban hành một nghị định riêng về phòng chống rửa tiền năm 2005 đã cho thấy việc kiểm soát những nguồn tiền đầu tư trên mọi lĩnh vực được hết sức quan tâm. Điều đó cũng khẳng định, môi trường đầu tư tại Việt Nam mặc dù hết sức thông thoáng nhưng sẽ không phải là nơi tội phạm trong nước và quốc tế có thể rửa tiền.

Theo ước tính của Ngân hàng thế giới (WB), giá trị gỗ bị khai thác trái phép hiện đã lên tới 15 tỷ USD/năm và chiếm tới 25% trữ lượng gỗ khai thác của thế giới và mỗi năm có 10 triệu ha rừng bị phá hủy.

Buôn lậu gỗ và hoạt động rửa tiền không chỉ có liên quan mật thiết với nhau, mà tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hai loại tội phạm này còn có liên hệ chặt chẽ tới nạn tham nhũng, hối lộ, tội phạm có tổ chức… 

Chính vì vậy, tháng 10-2006, nhóm các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương về phòng chống rửa tiền đã phối hợp với WB tổ chức một hội nghị chuyên đề về vấn đề này nhằm nghiên cứu các biện pháp phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Tại Việt Nam, để ngăn chặn có hiệu quả hoạt động của loại tội phạm rửa tiền, quy định về chế độ báo cáo được đặt ra đối với giao dịch tại các tổ chức tài chính, tín dụng.

Theo đó, khi có một hoặc nhiều giao dịch bằng tiền mặt (vàng, ngoại tệ) trong một ngày do cá nhân hay tổ chức thực hiện với giá trị từ 200 triệu đồng trở lên; giao dịch tiền gửi tiết kiệm với một hoặc nhiều lần giao dịch trong một ngày có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên đều phải báo cáo với cơ quan chức năng.

Trung tâm Phòng chống rửa tiền trực thuộc Ngân hàng Nhà nước sẽ là đầu mối thu thập, xử lý thông tin và cung cấp thông tin cho các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Bất cứ giao dịch nào mà các định chế tài chính thấy có biểu hiện bất thường hoặc cơ sở pháp lý không đáng tin cậy, giao dịch đó sẽ bị coi là đáng ngờ. Khi đã có cơ sở chắc chắn, giao dịch đáng ngờ đó sẽ được áp dụng các biện pháp như giám sát; không thực hiện giao dịch; phong tỏa tài khoản; niêm phong tạm giữ tài sản…

Theo ông Richard Power, đại diện của cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hiệp quốc (UNODC) "Các biện pháp phòng chống và việc thực thi Luật phòng chống rửa tiền có hiệu quả là những công cụ mạnh nhằm phát hiện ra những khoản lợi nhuận bất chính.

Giúp điều tra và truy tố những loại tội phạm như tham nhũng, buôn lậu". Khi toàn bộ quá trình rửa tiền gồm các công đoạn từ sắp xếp, chuyển giấu tiền mặt, trà trộn với các quỹ hợp pháp rồi chuyển tiền… mà nhờ đó, nguồn tài sản do phạm tội mà có được che đậy và tạo vỏ bọc hợp pháp không được phát hiện, ngăn chặn có hiệu quả, sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng tội phạm tham nhũng; tác động tiêu cực đến đầu tư nước ngoài và làm suy yếu các định chế tài chính.

Mặt khác, khi một hệ thống phòng chống rửa tiền không hiệu quả, sẽ làm hạn chế các cơ hội thiết lập giao dịch với các ngân hàng; mất đi cơ hội mở các văn phòng đại diện, chi nhánh, công ty con của doanh nghiệp ở nước ngoài

Đức Thắng
.
.
.