Khu đô thị mới Ngã 5 sân bay Cát Bi vẫn ngổn ngang

Thứ Bảy, 08/08/2009, 17:26
Dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Ngã 5 - Sân bay Cát Bi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1997, theo kế hoạch sẽ phải hoàn thành vào năm 2002. Tuy nhiên đến nay, dự án vẫn còn rất ngổn ngang, đặc biệt khoảng 1/3 diện tích nằm trong vùng quy hoạch vẫn chưa được giải phóng mặt bằng (GPMB).

Sự chậm trễ này đã kéo theo rất nhiều hệ lụy. Vậy nguyên nhân do đâu? Bằng cách nào để gỡ các "nút thắt" đang rất vướng hiện nay giúp đẩy nhanh tiến độ thi công công trình?

12 năm chưa xong mặt bằng, vì sao?

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể xây dựng đô thị Hải Phòng đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hải Phòng chủ trương phát triển, mở rộng đô thị ra vùng ven đô, đặc biệt là ưu tiên đầu tư xây dựng các khu đô thị mới.

Dự án đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật Khu đô thị mới Ngã 5 - Sân bay Cát Bi là một trong những dự án lớn, đầu tiên được thực hiện để đáp ứng chủ trương đó. Đây là khu đô thị hiện đại, liên hoàn, đa chức năng, đáp ứng nhu cầu về nhà ở, nhà làm việc và các công trình phúc lợi công cộng với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hoàn chỉnh, có quy mô trên 300ha, tổng mức đầu tư (tại thời điểm phê duyệt) khoảng 1.881 tỷ đồng.

Cưỡng chế GPMB Dự án Khu đô thị mới Ngã 5 sân bay Cát Bi.

Sau nhiều năm thực hiện, đến nay dự án đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo diện mạo mới cho đô thị Hải Phòng. Ngoài ra, có đến 26 dự án thứ phát đã đầu tư vào khu đô thị mới này, tạo nên một "đại công trường" trong khu vực, với nhiều công trình của dự án đã đi vào khai thác, sử dụng hiệu quả.

Đáng tiếc, đã 12 năm kể từ khi khởi động, đến nay dự án vẫn tắc ở một số điểm, nút. Điển hình là khu vực hai bên tuyến đường trục chính thuộc địa bàn phường Đông Khê, quận Ngô Quyền. Theo BQL dự án, sau nhiều năm vận động, thuyết phục, thực hiện việc đền bù gắn với tái định cư, kể cả áp dụng giải pháp cưỡng chế, nhưng hiện vẫn còn hàng chục hộ chưa chịu di dời. Không những thế, khu vực này lại đang diễn ra tình trạng cơi nới, xây dựng nhà cửa trái phép để gian lận tiền đền bù và tái lấn chiếm mặt bằng hai bên đường trục.

Tương tự, khu vực nút giao thông Ngã 6 - Máy Tơ (cùng quận Ngô Quyền) hiện có 11 tổ chức và gần 800 hộ dân cần phải được di dời để trả lại mặt bằng 7,4ha cho dự án. Nhưng khoảng 70% số tổ chức và hộ dân ở đây đã không chấp nhận di dời do kiến nghị giá đền bù, cấp đất mới chưa thỏa đáng.

Đáng lưu ý, một số doanh nghiệp, tổ chức đang sử dụng mặt bằng tại đây, không phải để sản xuất mà là… cho thuê, nhưng lại yêu cầu thành phố cấp đất đền bù mới chịu di dời(?!). Ngoài ra, rải rác ở các tuyến phố, khu chung cư cao tầng khác trong khu vực cũng còn một số hộ không chấp hành việc kiểm kể, di dời vì những lý do nêu trên.

Lãnh đạo BQL dự án Khu đô thị mới Ngã 5 - Sân bay Cát Bi cho biết, 2 năm qua, hầu như chỉ giải quyết tồn tại, diện tích mặt bằng thu hồi được không đáng kể, khiến tốc độ xây dựng bị ảnh hưởng nhiều.

Cũng theo cơ quan này, số tiền đền bù ngày càng tăng trong khi số diện tích đất GPMB được lại càng ít. Càng kéo dài, chủ đầu tư và thành phố càng phải chi phí nhiều. Thậm chí, các chủ đầu tư dự án thứ phát còn mất nhiều hơn vì giá cả vật tư thay đổi từng ngày. Chưa nói, những hộ dân trong vùng dự án cũng luôn trong tình trạng thắc thỏm, tạm bợ. Tóm lại, sự chậm trễ này không chỉ làm nản lòng các nhà đầu tư, mà ngay cả những "người trong cuộc" cũng cảm thấy bức xúc, mất niềm tin. Vậy đâu là nguyên nhân?

Trước hết, như chúng tôi đã nêu ở trên, vì đây là dự án lớn, liên quan tới nhiều cấp, nhiều ngành và nhiều hộ dân. Hơn thế, lại là dự án xây dựng khu đô thị mới đầu tiên nên việc thiếu kinh nghiệm là điều khó tránh, thậm chí, còn chưa lường hết được những phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện. Bằng chứng, có không ít những vị trí, đã GPMB xong, nhưng chủ quan, chậm trễ thi công, dẫn đến tái lấn chiếm, gây khó khăn cho việc giải quyết hậu quả.

Thứ đến, các chế độ chính sách hỗ trợ người dân sử dụng đất nông nghiệp, mất tư liệu sản xuất chưa phù hợp thực tế. Tại thời điểm đó, giá mỗi mét vuông ở mặt đường trục lớn chỉ 2 - 5 triệu đồng. Trong khi đó, bà con lại phải từ bỏ ruộng vườn, xóm phố quen thân để đến khu vực tái định cư xa lạ. Việc cảm thông để di dời nhanh là không dễ. Cộng với đó, sự thay đổi về khung giá đất liên tục do dự án kéo dài, đã gây tâm lý trông chờ đối với không ít hộ dân.

Ba là, sự phối kết hợp giữa các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị thời gian qua chưa chặt chẽ, đồng bộ, chưa có sự tương hỗ lẫn nhau, nhất là giữa cơ quan chức năng với chính quyền các địa phương. Dường như ai cũng ngại va chạm, "lấn sân" của nhau nên đủng đỉnh, giải quyết công việc thiếu kiên quyết, dứt điểm, nhất là đối với những trường hợp vi phạm.

Ngoài ra, dư luận cho rằng, cũng không loại trừ đã có một sự "thỏa thuận ngầm", cố tình chây ì  để giữ đất, đòi hỏi giá đền bù ngất ngưởng. Đây chính là "lực cản", khiến cho việc đền bù GPMB của dự án cứ lình xình mãi, không tiến triển thêm được.

Phạt "căng" những tập thể, cá nhân cố tình trây ì

Phải thừa nhận, từ những ngày đầu khi dự án khởi động, đã có hàng nghìn hộ dân tự nguyện di dời, bàn giao đất lại cho chủ đầu tư mà không hề đòi hỏi điều gì thái quá. Sự ra đi này của bà con là một sự hy sinh lớn, vì sự phát triển chung, văn minh, hiện đại của thành phố. Song, sự hy sinh đó chẳng thể trọn vẹn nếu vẫn còn vài trăm hộ khác không chịu di dời.

Bởi vậy, ngoài việc tiếp tục vận động, tuyên truyền để các tập thể, cá nhân còn lại đồng thuận, nhận thức được đầy đủ ý nghĩa của dự án, khẩn trương di dời, giúp đẩy nhanh, hoàn thành GPMB dự án, thành phố cũng cần rà soát, xem xét thật thấu tình, đạt lý mức đền bù cũng như cơ chế tái định cư để làm sao, vừa đảm bảo được sự công bằng, phù hợp cuộc sống của người dân, vừa đảm bảo sự phát triển của khu đô thị và cả thành phố. Đặc biệt, cần rút kinh nghiệm "hậu" GPMB, kiên quyết không để tái diễn các trường hợp lấn chiếm, tự ý chia tách hộ, làm cản trở tiến độ chung.

Được biết mới đây, lãnh đạo TP Hải Phòng, quá trình kiểm tra tiến độ dự án, đã rất sốt ruột, mong mỏi xốc lại tinh thần. Theo đó, yêu cầu cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để thực hiện thành công dự án này, mang lại sự đổi thay nhanh chóng cho bộ mặt đô thị Hải Phòng. Tuy nhiên sẽ khó mà hiệu quả bởi một số điểm, nút, do một số tổ chức, cá nhân đã vin vào rất nhiều lý do khác nhau để trây ỳ. Vì vậy, cần phải sử dụng biện pháp rắn, phạt "căng" những đối tượng có hành vi đó.

Như vậy, mới đảm bảo được sự công bằng, nghiêm minh của luật pháp, đồng thời mới thu hồi dược diện tích đã quy hoạch, đảm bảo có đủ "mặt bằng sạch" giao cho các nhà thầu thi công

Lệ Thu
.
.
.