Khu đất dữ ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên

Chủ Nhật, 26/03/2006, 13:30

Người dân ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên đang rất hoang mang về "khu đất dữ" ở khu vực xóm Mới, đội 6, xã Ông Đình. Từ năm 2003 đến nay, gần 10 người dân ở đây đã chết đột ngột khi tuổi đời còn trẻ.

Vào năm 1995, nhận thấy nhu cầu về chỗ ở của nhiều gia đình trẻ là cần thiết, UBND xã Ông Đình đã hợp thức hóa một phần đất thổ canh cạnh tuyến đường 205 để cấp cho 19 hộ dân trong xã. Mỗi lô đất có diện tích từ 120 - 150m2, nằm giáp ranh với địa bàn xã An Vĩ. Nhận đất xong, các gia đình cùng nhau xây nhà, khoan giếng và sử dụng ngay từ thời điểm ấy. Đến năm 2002, chị Nguyễn Thị Phương, khi ấy ngoài 30 tuổi bỗng thấy sức khỏe suy sụp. Đi bệnh viện khám, chị mới biết mình bị ung thư nặng. Chỉ gắng gượng được một thời gian ngắn thì chị mất.

Sau cái chết của chị Phương, anh Nguyễn Đăng Tuynh, 40 tuổi, cũng phát hiện mình bị ung thư. Hơn một năm sau thì anh mất. Trong một thời gian ngắn, hai người sống gần nhà nhau cùng chết vì bệnh ung thư đã khiến người dân nơi đây hoang mang. Nhiều người nghĩ tai họa ấy là do "đất dữ". Họ suy diễn như vậy bởi khu đất nằm cạnh bãi tha ma.

Lời đồn thổi ấy ngày càng được nhân lên khi hàng loạt tai ương khác tiếp tục đổ xuống khu đất giãn dân bé nhỏ này. Anh Vũ Đức Tuyên, ngoài 40 tuổi, người rất khỏe mạnh lại chẳng bệnh tật gì bỗng đột ngột chết. Gần đây nhất, vào lúc nửa đêm, anh Vũ Đăng Văn, 35 tuổi, đột nhiên chết trong giấc ngủ mà chẳng ai hay. Nỗi lo sợ bấy lâu dồn nén khiến nhiều người thường mơ thấy ác mộng trong giấc ngủ. Có gia đình đã mời thầy địa lý về xem đất. Lại có gia đình tính chuyện di dời tới nơi khác sinh sống để giải tỏa tâm trạng bất an... Tuy nhiên, vẫn chưa có được một lời giải thích rõ ràng.

Có thể do ảnh hưởng của nguồn nước?

Đối diện khu giãn dân này là một bãi tha ma rất rộng, thuộc địa bàn xã An Vĩ. Bãi tha ma này đã có từ lâu đời. Có thể nào mạch nước ngầm khu nghĩa địa đã ảnh hưởng tới cuộc sống của nhân dân nơi đây? Tôi tới gặp ông Hoàng Văn Ngừng - Phó Chủ tịch UBND xã Ông Đình với hy vọng có được lời giải thích. Ông Ngừng cho biết, gần đây cũng nghe dư luận nói về "khu đất dữ".

Ý kiến mà ông Ngừng lưu tâm nhất vẫn là câu hỏi về nguồn nước sinh hoạt của nhân dân có thể ngấm từ nguồn nước nghĩa địa hoặc nước giếng có độc tố nên không đủ tiêu chuẩn ăn uống? Tôi hỏi: "Nghi ngờ như thế sao xã không đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Hưng Yên kiểm tra giúp". Ông Ngừng bảo nghĩ vậy thôi chứ điều ấy khó xảy ra lắm nên xã cũng không đề nghị làm gì. Tôi lại hỏi ông Ngừng: "Nhân dân hoang mang thế sao chính quyền địa phương không có động thái gì giúp cho cuộc sống của họ sớm bình yên trở lại?". Ông Ngừng bảo, chạy theo dư luận thì mệt lắm.

Trong suốt thời gian làm việc, ông Ngừng tỏ rõ thái độ không mấy quan tâm đến nỗi lo lắng của nhân dân. Hỏi cái gì ông cũng bảo "hình như", rồi "có lẽ"... nhà báo phải hỏi người này, người kia mới biết được. Tôi nói với ông, xã nên phối hợp với ngành hữu quan nghiên cứu về khu đất này thì ông nói thiếu người. Trước lúc chia tay, ông Ngừng tỏ ý không muốn đưa vấn đề này lên báo?!

Qua tìm hiểu của chúng tôi thì nguồn gốc của các hộ gia đình được cấp đất giãn dân ở xóm Mới đều khỏe mạnh. Giếng ở đây có độ sâu trung bình trên 30m, lại nằm cạnh bãi tha ma thì liệu đã đủ tiêu chuẩn chưa? Thiết nghĩ, việc đầu tiên mà ngành hữu quan cần làm là kiểm định nguồn nước ăn của nhân dân khu vực này xem có đảm bảo an toàn, giúp họ sớm ổn định cuộc sống

Nguyễn Hưng
.
.
.