Không xử phạt “xe không chính chủ” đang lưu thông

Thứ Sáu, 08/03/2013, 07:38
Thông tư số 11/2013/TT-BCA nêu rõ, xe đang lưu thông trên đường, không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi "không chuyển quyền sở hữu phương tiện". Chủ xe khi cho người khác mượn, bán nhưng chưa sang tên đổi chủ khi phương tiện bị vi phạm phải có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện.

Bộ Công an vừa có Thông tư số 11/2013/TT-BCA “Quy định chi tiết thi hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP quy định sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ”.


>> Điều khiển phương tiện có đầy đủ giấy tờ hợp lệ thì sẽ không bị phạt

Một trong những vấn đề dư luận quan tâm nhất là xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện (được quy định tại điểm e, khoản 3 và điểm c, khoản 6, Nghị định số 34), thông tư nêu rõ xe đang lưu thông trên đường, không được dừng xe để kiểm soát, xử lý. Việc xử lý phương tiện không sang tên đổi chủ chỉ thông qua việc đăng ký, cấp biển số; điều tra giải quyết TNGT; qua phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, các trường hợp bị tạm giữ phương tiện theo quy định.

CSGT Công an Hà Nội kiểm tra, xử lý một trường hợp vi phạm Luật ATGT.

Qua điều tra các vụ án hình sự nếu phát hiện người mua hoặc người bán không làm di chuyển thay đổi đăng ký xe thì lực lượng Công an phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm và ra quyết định xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày làm giấy tờ mua bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển theo quy định.

Theo Thông tư trên, chủ phương tiện được quyền cho mượn, giao xe cho người khác tham gia giao thông, nhưng sẽ xử phạt khi giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định của pháp luật (không đủ điều kiện về độ tuổi, sức khỏe, không có giấy phép lái xe hoặc chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ…). Hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện của pháp luật điều kiện điều khiển xe tham gia giao thông là hành vi chủ phương tiện biết rõ người điều khiển không đủ điều kiện nhưng vẫn cho người này mượn, thuê, điều động hoặc không ngăn cản, để mặc… cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện.

Đối với chủ sở hữu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (chủ xe) khi cho người khác mượn, bán nhưng chưa sang tên đổi chủ khi phương tiện bị vi phạm phải có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện bị vi phạm. Chủ xe phải có nghĩa vụ yêu cầu người điều khiển phương tiện đã thực hiện hành vi vi phạm đến cơ quan đã gửi thông báo để giải quyết. Khi đến, phải xuất trình thông báo về việc sử dụng phương tiện để vi phạm và các giấy tờ theo quy định.

Trường hợp không xác định được người điều khiển phương tiện hoặc người này không thực hiện nghĩa vụ thì chủ xe phải trực tiếp đến cơ quan đã gửi thông báo để giải quyết. Khi đến giải quyết phải xuất trình thông báo về việc phương tiện bị sử dụng để vi phạm, giấy đăng ký xe và phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho người điều khiển phương tiện vi phạm.

Một quy định được nhiều người quan tâm là việc xử phạt hành vi người điều khiển xe ôtô chở người vượt quá quy định. Theo đó, đối với xe 9 chỗ ngồi, được phép chở quá 1 người; xe từ 10 đến 15 chỗ ngồi được chở quá 2 người; xe từ 16 đến 30 chỗ ngồi được chở quá 3 người; xe trên 30 chỗ ngồi được chở quá 4 người. Cách tính chở vượt quá là: tổng số người trên xe khi kiểm soát - số chỗ ngồi ghi trong Giấy đăng ký xe + số người được phép chở quá. Ví dụ, xe 45 chỗ ngồi, nếu chở 50 người, sẽ chỉ bị xử phạt chở 1 người vượt quá quy định.

Thông tư có 3 chương, 17 điều, có hiệu lực từ ngày 15/4/2013

Phương Thủy
.
.
.