Không xử phạt người đi xe mượn, thuê

Thứ Ba, 13/11/2012, 12:09
Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) trao đổi với báo chí: "Hiện tại, đối với trường hợp người đi môtô, ôtô là xe gia đình, xe hợp đồng thì không phải xử phạt".
>> Điều khiển phương tiện có đầy đủ giấy tờ hợp lệ thì sẽ không bị phạt

Nghị định 71/2012/NĐ-CP (Nghị định 71) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ đã thực hiện được 4 ngày. Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn tỏ ra lo lắng xung quanh quy định xử phạt người điều khiển phương tiện không chính chủ. Để giúp người dân hiểu rõ hơn về quy định này, chiều 12/11, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội Bộ Công an đã có cuộc trao đổi với báo chí.

PV: Thưa Thiếu tướng, trong Nghị định 71 có quy định và tăng nặng mức phạt người điều khiển phương tiện không chính chủ. Xin ông cho biết rõ hơn về quy định này?

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Nếu nói xử phạt hành vi không chính chủ, nói như vậy và hiểu như vậy là không đảm bảo đúng theo quy định trong Nghị định 71. Vì trong Nghị định 71 có quy định xử phạt hành vi không chuyển nhượng quyền chủ sở hữu. Theo quy định trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua bán, cho, tặng, thừa kế xe, người mua hoặc bán xe phải đến cơ quan đăng ký làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe. Nếu quá thời gian mà không đến làm thủ tục là trái quy định, mà trái thì phải xử phạt. 

PV: Vậy trong trường hợp người dân mượn xe của người thân, bạn bè mà có đủ giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe thì liệu thời gian này họ có bị xử phạt không?

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Hiện tại, đối với trường hợp người đi môtô, ôtô là xe gia đình, xe hợp đồng thì không phải xử phạt. Tổng cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội cũng đã có Công điện số 141 gửi Giám đốc Công an địa phương chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông khi xác định trường hợp rõ hành vi chuyển nhượng mua bán xe mà quá 30 ngày không sang tên đổi chủ, thì mới bị xử phạt hành chính.

Trong trường hợp đã mua bán, mà chưa sang tên trong  khoảng thời gian 30 ngày như quy định thì lực lượng Cảnh sát giao thông chỉ nhắc nhở họ đi đăng ký, chứ không xử phạt. Công điện 141 cũng nói rõ: Thông qua tuần tra kiểm soát, khi phát hiện người điều khiển phương tiện có giấy đăng ký khác với tên trong giấy phép lái xe mà người này trình bày là  xe  của gia đình, tôi đi mượn, đi thuê, thì chưa  xử phạt.

PV: Theo thống kê chưa đầy đủ thì hiện nay có khoảng 40% phương tiện chưa được sang tên đổi chủ. Vậy Thiếu tướng có thể cho biết về tính khả thi của việc xử phạt hành chính này?

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Tôi có thể khẳng định hiện tại, việc xử phạt hành vi này đảm bảo tính khả thi. Vì để xử lý hành vi điều khiển phương tiện chính chủ hay không, Cảnh sát giao thông có thể phát hiện xử lý thông qua tuần tra kiểm soát, đăng ký xe, điều tra các vụ tai nạn, các vụ việc khác liên quan đến phương tiện…

PV: Muốn chứng minh xe mình đi mượn, thì khi ra đường, người dân lại phải mang theo giấy chứng minh thư, hộ khẩu, mang giấy tờ liên quan… để trình khi bị lực lượng chức năng kiểm soát xử lý?

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Nhiều người cho rằng quy chế khó khăn quá, ra đường phải mang nhiều giấy tờ quan trọng theo. Song tôi cũng phải nói rõ rằng, hiện nay chưa có quy định nào bắt buộc người dân phải mang theo những giấy tờ đó.

Trên thực tế  quy định xử phạt đã có từ năm 1995, nhưng chúng ta chưa quyết liệt nên dân không biết nhiều. Sắp tới sẽ khắc phục tồn tại bằng cách xử lý quyết liệt và tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành. Đồng thời, để đảm bảo tính khả thi của nghị định, Bộ Công an sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể. Trong đó sẽ quy định khi người bị xử phạt hành chính, khi về cơ quan Công an xử lý, nếu rơi vào trường hợp giấy đăng ký, giấy phép điều khiển phương tiện không khớp nhau, thì lúc đó  sẽ yêu cầu xuất trình các giấy tờ liên quan. Trong trường hợp chiếc xe sang tên đổi chủ nhiều lần thì trong Thông tư 36 của Bộ Công an cũng quy định rõ là người chủ cuối cùng đứng ra làm thủ tục sang tên.

PV: Nhiều người cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến người dân ngại sang tên đổi chủ phương tiện đó là lệ phí chức bạ quá cao, Thiếu tướng có nhận định như thế nào về ý kiến này?

Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị: Trước  vấn đề này, Bộ Công an đã có kiến nghị và Bộ Tài chính đang chủ trì nghiên cứu sửa đổi bổ sung lệ phí trước bạ theo hướng thấp nhất để dân dễ thực hiện. Cao mà dân không nộp thì Nhà nước cũng thất thu, còn thấp mà dân nộp, thì Nhà nước cũng thu được

Đặng Nhật
.
.
.