Không thể bồi thường cho chủ trang trại gấu khi họ kinh doanh trái phép

Thứ Ba, 10/03/2015, 13:46
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa hình ảnh những con gấu bị chết mòn trong các trang trại nuôi nhốt gấu ở Hạ Long, Quảng Ninh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo phải đưa các cá thể gấu này về trung tâm cứu hộ gấu.

Tuy nhiên, theo thông tin từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên Việt Nam (ENV) vào ngày 9/3, gần đây đã xuất hiện một số bài báo thể hiện sự đồng cảm với khó khăn kinh tế của các chủ trại gấu tại Hạ Long và khuyến khích “trả tiền” để họ chuyển giao số gấu còn lại đến các trung tâm cứu hộ.

Việc kinh doanh du lịch trích hút mật gấu của các chủ trang trại ở Hạ Long là trái phép. Suốt 8 năm qua, các chủ trang trại này đã hưởng lợi từ hình thức kinh doanh này. Phần lớn các cá thể gấu tại Hạ Long đã chết sau nhiều năm bị khai thác quá mức.

Vừa qua, các chủ trang trại gấu ở Hạ Long đã đề nghị số tiền bồi thường 40-50 triệu đồng/cá thể thì mới chuyển gấu đi, nếu không chuyển, họ cũng yêu cầu được hồ trợ chi phí nuôi gấu.

Sự đòi hỏi của các chủ trang trại gấu ở Hạ Long là không chấp nhận được. Bởi lâu nay, chính họ đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD).

Vào cuối năm 2005, Nhà nước đã hoàn thành chương trình gắn chíp và đăng ký quản lý đối với toàn bộ các cá thể gấu đang được nuôi nhốt tại Việt Nam, với mục tiêu chấm dứt tình trạng săn bắt gấu từ tự nhiên để nuôi nhốt và trích hút mật.

Kể từ đây, các chủ trang trại chỉ được tiếp tục nuôi nhốt đối với các cá thể gấu đã gắn chíp hoặc đăng ký quản lý với cơ quan có trách nhiệm tại địa phương.

Tuy nhiên, năm 2007, các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện 81 cá thể gấu bị nuôi nhốt trái phép, phục vụ mục đích du lịch trích hút mật gấu tại thành phố Hạ Long.

Gấu bị nuôi nhốt trong một trang trại ở Hạ Long.

Quyết định 47/2006/QĐ-BNN về việc ban hành quy chế quản lý gấu nuôi (có hiệu lực tại thời điểm đó) đã chỉ rõ: “Mọi cá thể gấu nuôi trái với quy định tại quy chế này đều bị tịch thu. Chủ nuôi cá thể gấu đó phải chịu trách nhiệm pháp lý theo quy định hiện hành của pháp luật”.

Mặc dù vi phạm nghiêm trọng các quy định của pháp luật về bảo vệ gấu nhưng các chủ trại gấu tại Hạ Long vẫn chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính; tịch thu duy nhất 1 cá thể gấu ngựa, đồng thời được đăng ký, gắn chíp quản lý và tiếp tục nuôi nhốt 80 cá thể gấu còn lại.

Chính sự nhân nhượng này đã tạo điều kiện cho các chủ trang trại nuôi nhốt gấu tại Hạ Long tiếp tục thường xuyên đón nhận các đoàn khách du lịch Hàn Quốc đến tham quan trích hút và mua mật gấu trái phép từ năm 2007 đến 2014.

Trong một đợt khảo sát vào tháng 1/2013, cán bộ ENV đã ghi nhận, trung bình mỗi ngày, trang trại gấu Trường Thịnh 2 đón tiếp khoảng 10 xe với 200 khách du lịch đến tham quan và mua mật gấu.

Khoản thu nhập lớn từ trích hút và bán mật gấu trái phép trong 8 năm qua đã tạo điều kiện cho các chủ trang trại gấu “đổi đời”.

Khi các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đã thắt chặt giám sát nhằm ngăn chặn nguồn thu bất hợp pháp từ việc nuôi nhốt gấu, số lượng gấu tại Hạ Long ngày càng giảm sút, bởi các chủ trang trại gấu có xu hướng bỏ mặc gấu đói và ốm chết liên tiếp.

Trước tình trạng như vậy, một số trung tâm cứu hộ có đủ khả năng vật chất, kỹ thuật đã đề nghị được cứu hộ và chăm sóc các cá thể gấu nuôi nhốt hiện đang bị bỏ mặc tại Hạ Long.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) nêu quan điểm: “Việt Nam hiện còn khoảng 2.000 cá thể gấu đều có nguồn gốc từ tự nhiên đang được nuôi nhốt tại các trang trại trên toàn quốc.

Việc thiết lập cơ chế “tiền trao, gấu trả” ở Hạ Long sẽ tạo tiền lệ xấu trong quá trình quản lý hoạt động nuôi nhốt gấu nói riêng và bảo vệ các loài ĐVHD nguy cấp của Việt Nam nói chung”.

Việc nuôi nhốt gấu nhằm mục đích kinh doanh ở Việt Nam là vi phạm pháp luật. Các cơ quan chức năng cần kiên quyết yêu cầu các chủ trang trại phải có nghĩa vụ chuyển giao gấu cho Nhà nước để quản lý và bảo tồn theo đúng quy định của pháp luật.

Việt Hà
.
.
.