Không nên ngộ nhận về hạt, lá mùi trong phòng, chống sởi

Chủ Nhật, 20/04/2014, 12:14

Những ngày qua, trước diễn biến phức tạp của dịch sởi, khi số người mắc và tử vong không ngừng tăng, còn tiêm vaccine không thể ngay tức khắc phòng được bệnh sởi, nhiều bà mẹ vội “vắt chân lên cổ” trong phòng bệnh cho con bằng việc tắm và uống nước hạt mùi, lá mùi già.

Tuy nhiên, hiệu quả thực sự của hạt và lá mùi già có phải như mọi người nghĩ? Vì đây là cây thuốc nam, nên chúng tôi đã trao đổi với Thầy thuốc nhân dân, BS. Trần Văn Bản, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam và được ông cho biết: Theo bài thuốc trong đông y, thì nước hạt mùi đun lên chỉ có tác dụng làm cho sởi mọc nhanh hơn trong trường hợp sởi không mọc. Còn tắm nước hạt mùi già, là dùng trong trường hợp sởi đã bay rồi, nhằm “tiệt nọc” và tránh sẹo. Hạt hay lá mùi già đều không có tác dụng dùng để phòng, hay trị sởi.

PGS.TS Nguyễn Nhược Kim, Phó Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam, nguyên Trưởng khoa Y học cổ truyền (Đại học Y Hà Nội), người có kinh nghiệm giảng dạy về y học cổ truyền hơn 40 năm, cũng cho hay: Kinh nghiệm dân gian dùng hạt mùi để tắm cho những đứa trẻ đã có dấu hiệu bị bệnh sởi, nhằm để sởi phát ra đều, lành, đỡ biến chứng, chứ hạt, lá mùi không thể phòng hay chữa được bệnh sởi vốn là do virus gây ra.

Diễn biến dịch sởi năm nay nguy hiểm, khi người ta chưa lý giải được vì sao bệnh nhân mắc sởi lại bị nặng và tử vong cao, nên nếu thấy có dấu hiệu bị sởi, cần đi khám ở một trong hai chuyên khoa: Nhi hoặc truyền nhiễm. Người dân tuyệt đối không nên ngộ nhận dùng mùi để phòng và điều trị, mà không đưa con đi khám, vì dễ khiến trẻ bị nặng và khó chữa. Muốn có miễn dịch sởi cho trẻ, phải tiêm phòng vaccine.

Chính vì không có tác dụng, nhưng các bậc phụ huynh vẫn dùng cho con mình, có thể dẫn đến những tác hại: gây dị ứng cho những trẻ dị ứng với hạt mùi và nhất là, vì tin vào công dụng của hạt mùi và lá mùi, mà các bà mẹ không thực hiện các biện pháp phòng, chống có giá trị thực sự, sẽ rất nguy hiểm. Trao đổi với PV Báo CAND, cả PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) và TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Các bệnh nhiệt đới TW, đều khẳng định: Bệnh sởi là do virus gây ra, nên hạt mùi hay lá mùi già không thể tiêu diệt được virus, vì thế, không có giá trị trong phòng, chống bệnh sởi. Cho đến nay, cũng chưa có nghiên cứu nào cho thấy tác dụng kháng khuẩn, kháng virus của hạt và lá mùi.

Các thầy thuốc Đông y và Tây y đều khuyến cáo: Các bậc cha mẹ nên đặc biệt chú ý dinh dưỡng cho trẻ, nhất là trong thời gian dịch sởi đang diễn ra, để tăng sức đề kháng cho trẻ. Thực phẩm nên dùng cho trẻ, nhất là khi bị sởi, là: củ năng, đậu hũ, cháo đậu đỏ, cháo đậu xanh, cháo cà rốt, bắp cải, cải bó xôi, mía lau, nấm hương, củ cải đường, cá hồi, cá chép, thịt nạc v.v…

PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh: Để trẻ em không mắc sởi, biện pháp duy nhất là các bà mẹ phải đưa con em đi tiêm phòng sởi đầy đủ và đúng lịch. Tất cả lứa tuổi đều có thể tiêm vaccine sởi. Tuy nhiên,  dù năm nay có nhiều trẻ dưới 9 tháng mắc sởi, nhưng cũng chỉ tiêm vaccine sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi khi có chỉ đạo của chương trình tiêm chủng mở rộng, trong trường hợp cần thiết. Phụ nữ đang cho con bú cũng có thể tiêm vaccine sởi, để tạo ra kháng thể bảo vệ mẹ và bài tiết qua sữa để bảo vệ trẻ khỏi mắc sởi, khi trẻ chưa thể tự tạo miễn dịch. Không nên tiêm vaccine sởi cho phụ nữ có thai mặc dù không có bằng chứng về tăng tỷ lệ bất thường bẩm sinh ở trẻ sinh ra. Các trường hợp sau khi tiêm mới phát hiện đã có thai cần thông báo cho cán bộ y tế để theo dõi. Cũng như các vaccine sống khác, cần tránh có thai ít nhất một tháng sau tiêm.

Kiểm tra toàn diện việc phòng, chống dịch sởi ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Bắt đầu từ ngày 19/4 đến 23/4, Bộ Y tế sẽ cử các đoàn kiểm tra toàn diện công tác điều trị và phòng, chống dịch bệnh sởi tại 2 điểm nóng về sởi là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nhằm khắc phục tình trạng quá tải, giảm số ca mắc và giảm tử vong. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh nội dung kiểm tra của các đoàn là tình trạng nhập viện của bệnh nhân mắc sởi mới; công tác phát hiện, sàng lọc và cách ly bệnh nhân bị sởi; công tác phòng chống nhiễm khuẩn tại các khoa phòng; phác đồ điều trị bệnh sởi tại các bệnh viện: thực hiện quy trình khám bệnh tại khoa khám bệnh của bệnh viện; công tác truyền thông phòng lây nhiễm chéo trong các bệnh viện.

T.H.

Thanh Hằng
.
.
.