Không nên bắt buộc đóng góp "tự nguyện" đầu năm học

Thứ Tư, 23/09/2009, 14:30
Công văn số 9083/SGD&ĐT-KHTC Hà Nội quy định, những khoản đóng góp của cha mẹ học sinh cho ban đại diện cha mẹ học sinh là những khoản thu tự nguyện, không bắt buộc. "Cha mẹ học sinh có quyền từ chối những khoản đóng góp mà ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường yêu cầu nếu không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện".
>> Tựu trường và khoản thu đầu năm: Nhiều kiểu biến tướng

Công văn số 9083/SGD&ĐT-KHTC ngày 18/9 về hướng dẫn tăng cường quản lý thu chi trong các trường học của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có nội dung: "Nhà trường cần làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện nguyện vọng được đóng góp về cả vật chất và tinh thần cho nhà trường". Xã hội hóa giáo dục ở mức độ nào, thực hiện ra sao để tránh lạm thu hay buộc phụ huynh phải đóng góp "tự nguyện" đang là vấn đề nhiều người quan tâm.

"Xã hội hóa" hiểu đơn giản là nhiều người đóng góp!

Tôi xin dẫn ra đây một hạng mục thể hiện xã hội hóa giáo dục đang được nhiều trường mầm non đưa ra trong dịp đầu năm học 2009-2010, đó là việc lắp điều hòa. Khi đời sống ngày càng nâng cao, việc sử dụng máy điều hòa không còn được coi là xa xỉ. Rất nhiều phụ huynh từng nêu vấn đề, bố mẹ ở cơ quan sử dụng máy lạnh, tại sao con đến trường lại không được sử dụng. Nắm bắt tâm lý này, nhiều trường mầm non tư thục đã lắp đặt hệ thống điều hòa không khí để thu hút học sinh. Tuy nhiên, với các trường mầm non công lập, việc này chưa thể thực hiện do đặc thù riêng.

Thế nhưng năm nay, do được "mở nút" bằng cơ chế xã hội hóa nên vấn đề lắp điều hòa được nhiều trường mầm non đưa ra để lấy ý kiến phụ huynh. Lắp máy lạnh vì thế trở thành vấn đề thời sự nóng hổi không chỉ trong các cuộc họp phụ huynh, trong gia đình mà cả ở nơi tụ tập đông người...

Tại sân chơi tập thể trong khu tập thể Thanh Xuân Bắc, khu vực có hai trường mầm non công lập, nhiều phụ huynh bàn luận rất sôi nổi về vấn đề này. Một phụ huynh có con đang học lớp mẫu giáo lớn của Trường Mầm non Thanh Xuân Bắc cho biết, nhà trường đưa ra phiếu thăm dò, mỗi học sinh đóng 500.000đ lắp điều hòa. Sau khi lấy ý kiến, chỉ có 30 phụ huynh trong lớp đồng ý. Chỉ với tỷ lệ này, số tiền 500.000đ/học sinh không đủ để mua hai máy điều hòa 18.000 CPU, sửa sang lại hệ thống cửa, lắp đặt đường điện...

Một trong những lý do mà những phụ huynh không đồng tình với việc đóng góp này là, trẻ mầm non lớp lớn sắp ra trường, thời gian sử dụng điều hòa quá ngắn nên không cần thiết. "Các cháu ra trường sẽ tặng lại điều hòa cho trường làm kỷ niệm", chị Nguyễn Thu Nga, phụ huynh có con đang học lớp mẫu giáo cho biết. Cũng theo chị Nga, có phụ huynh cho rằng, nhà trường nên sắp xếp thành các lớp sử dụng và không sử dụng điều hòa, như vậy sẽ vừa ý tất cả phụ huynh.

Học sinh Hà Nội háo hức chào mừng năm học mới.

Anh Huỳnh Công Tài, có hai con, một học lớp nhỡ, một học lớp lớn cho biết, khi nêu vấn đề này ra, anh cho rằng nên để phụ huynh đóng góp tùy tâm. Xã hội hóa bằng phương pháp tự giác như đề xuất của anh Tài nhiều người cho rằng ít khả thi. Một phụ huynh là giảng viên chuyên ngành kinh tế ở một trường đại học nêu ý kiến, nhà trường hãy coi việc lắp điều hòa là một dự án. Khi lập dự án, trường sẽ lên phương án thu, chi cụ thể. Căn cứ vào độ tuổi của các cháu để tính toán làm sao việc đóng góp cho phù hợp, mẫu giáo bé đương nhiên phải đóng góp nhiều hơn mẫu giáo lớn. Ngoài ra, phải tính toán đến tiền bảo trì, tiền điện...

Để con trẻ được học tập trong môi trường tốt hơn, phụ huynh sẵn sàng đóng góp. Tuy nhiên, để có mức đóng góp hợp lý và sử dụng có hiệu quả, Phòng Giáo dục quận, Sở Giáo dục và Đào tạo nên tham mưu hoặc đưa ra những mô hình đã áp dụng hiệu quả để các trường mầm non tham khảo, tránh để xảy ra khoảng cách giữa học sinh trong cùng một lớp, một trường từ việc bố mẹ "xã hội hóa" ít hay nhiều.

Quỹ lớp, quỹ phụ huynh: Cần tránh khiên cưỡng... tự nguyện

Chị Lê Thị Lan Anh, phụ huynh một cháu học mầm non buồn rầu cho biết, chị rất chạnh lòng trước tình cảnh của một phụ huynh nam cùng lớp con mình. Nguyên do là trong buổi họp phụ huynh, đại diện ban phụ huynh của lớp đưa ra bảng dự kiến thu chi quỹ lớp trong đó nêu ra các khoản chi cho các cháu và cả những dịp để tặng quà cho cô (Tết Trung thu, 20-10, 20-11, Tết dương lịch, Tết Nguyên đán, 8-3). Tùy vào ngày Tết "to" hay "bé" mà ban phụ huynh đề xuất mức quà, ít thì 200.000đ/cô, nhiều thì 400.000đ/cô.

Khi lấy ý kiến, vị phụ huynh nam này cho rằng, là một trường đạt chuẩn quốc gia, phụ huynh không cần thiết phải "hỗ trợ mua đồ dùng dạy và học" bởi để đạt chuẩn, trường phải có đủ những đồ dùng này. Thế nhưng, anh đã bị đại diện Ban phụ huynh "bẻ" bằng lý do, việc hỗ trợ đồ dùng là cần, vì trong quá trình cải tiến cách dạy, có quỹ phụ huynh sẽ giúp các cô tiện lợi hơn. Ý kiến của vị phụ huynh này ngay sau đó cũng trôi và cuối buổi họp, anh phải đóng mấy trăm nghìn quỹ lớp theo đúng dự tính của Ban phụ huynh.

"Tôi cũng thấy có nhiều khoản chi rất khiên cưỡng, ví như quà cho cô trong các dịp lễ Tết chẳng hạn. Thường những ngày này, phụ huynh đã có quà riêng cho cô rồi. Nếu các cô giáo ở nông thôn, miền núi mà nhìn thấy bảng dự toán tặng quà cho các cô như thế, họ sẽ rất ngậm ngùi", chị Lan Anh nói.

Công văn số 9083/SGD&ĐT-KHTC Hà Nội cũng quy định, những khoản đóng góp của cha mẹ học sinh cho ban đại diện cha mẹ học sinh là những khoản thu tự nguyện, không bắt buộc. "Cha mẹ học sinh có quyền từ chối những khoản đóng góp mà ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, trường yêu cầu nếu không đảm bảo nguyên tắc tự nguyện".

Thực tế, nguyên tắc tự nguyện có được đảm bảo? Phần lớn việc lập kế hoạch đóng góp quỹ lớp chỉ được đưa ra tại cuộc họp phụ huynh duy nhất đầu năm trong hơn 1 tiếng thì lấy đâu ra việc bàn bạc kỹ lưỡng. Việc này thường chỉ thực hiện trên cơ sở năm học trước hay theo các lớp, các trường. Để khỏi phiền hà và để con mình không bị ảnh hưởng, phần lớn phụ huynh đều chấp nhận đóng góp cho xong

Nguyễn Văn Việt
.
.
.